Deutsche Bank lớn tới mức nào: Tổng tài sản gần gấp đôi Credit Suisse và SVB cộng lại, nhận hơn 600 tỷ euro tiền gửi
Ngành ngân hàng thế giới đang trải qua nhiều biến cố trong tháng 3/2023. Tại Mỹ, ba ngân hàng là Silvergate, Signature và Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ trong vòng một tuần. First Republic Bank cũng đang trong vòng nguy kịch. Ở Thụy Sỹ, ngân hàng lớn nhất đất nước là UBS phải vội vàng thâu tóm ngân hàng lớn thứ hai là Credit Suisse để ngăn khủng hoảng lan rộng.
Ngày 24/3, sự chú ý của thế giới chuyển sang một tên tuổi khác là Deutsche Bank – ngân hàng lớn nhất nước Đức.
Cổ phiếu Deutsche Bank niêm yết trên sàn New York có lúc rớt 7% trong phiên 24/3 nhưng sau đó phục hồi một phần và đến khi đóng cửa còn giảm 3,1%. Cổ phiếu Deutsche Bank tại Đức có lúc lao dốc 15%, kết phiên dưới tham chiếu 8,5%.
Theo số liệu của S&P Market Intelligence chi phí hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) của Deutsche Bank nhảy vọt từ 142 điểm cơ bản (bps) hai ngày trước lên trên 220 bps vào hôm 24/3, đánh dấu mức cao nhất kể từ cuối năm 2018. CDS tăng cao chứng tỏ nhà đầu tư đang lo ngại rủi ro vỡ nợ ngày càng lớn.
Theo CNBC, nhiều nhà phân tích không hiểu tại sao Deutsche Bank lại trở thành mục tiêu tiếp theo của một thị trường có vẻ đang trong trạng thái “tìm và diệt”. Lời giải thích hợp lý nhất là tâm lý nhà đầu tư đang bất ổn sau hàng loạt vụ ngân hàng đổ vỡ gần đây nên các ngân hàng khỏe mạnh cũng đang bị vạ lây.
Khác với Credit Suisse, Deutsche Bank báo lãi liên tiếp 12 quý gần đây, như biểu đồ bên dưới cho thấy. Tỷ lệ an toàn vốn và khả năng thanh toán cũng rất ổn định.
CNBC dẫn lời ông George Ball, Giám đốc công ty dịch vụ tài chính Sanders Morris Harris, đánh giá Deutsche Bank “rất an toàn về mặt tài chính” và cho rằng thị trường đang “phản ứng thái quá” sau hàng loạt vụ ngân hàng sụp đổ.
“Deutsche Bank có thể lâm nguy nếu xảy ra tình trạng mất lòng tin và rút tiền ồ ạt. Tuy nhiên, hiện không có nhân tố cơ bản nào dẫn tới những nguy cơ trên, ngoại trừ tâm lý lo lắng”, ông Ball nói.
Reuters trích dẫn báo cáo của công ty nghiên cứu độc lập Autonomous: “Chúng tôi không có lo ngại gì về khả năng tồn tại hay giá trị tài sản của Deutsche Bank. Chúng tôi xin khẳng định rõ: Deutsche Bank KHÔNG phải là Credit Suisse tiếp theo”.
So với các ngân hàng được nhắc tới nhiều thời gian gần đây, Deutsche có quy mô lớn hơn rất nhiều.
Tại ngày cuối năm 2022, tổng tài sản của Signature Bank là 110 tỷ USD, Silicon Valley Bank là 210 tỷ USD, Credit Suisse khoảng 580 tỷ USD, UBS khoảng 1.100 tỷ USD, còn Deutsche Bank có quy mô lên tới 1.337 tỷ euro, tương đương 1.440 tỷ USD. Tác động của Deutsche Bank tới hệ thống tài chính toàn cầu lớn hơn hẳn các ngân hàng khác.
Tính đến cuối năm 2022, Deutsche Bank đang nắm giữ 621 tỷ euro (tức 670 tỷ USD) tiền gửi của khách hàng, giảm 10 tỷ euro so với cuối quý III nhưng vẫn là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Cũng tại ngày 31/12/2022, ngân hàng lớn nhất nước Đức đang cho vay 489 tỷ euro, tương đương 79% tiền gửi như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Tỷ lệ LDR (cho vay/tiền gửi) của Deutsche Bank thường duy trì trong khoảng 68 – 81%.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong cả năm ngoái là 1,23 tỷ euro, tăng 138% so với năm liền trước nhưng thấp hơn 31,6% so với 2020. Dự phòng rủi ro cho vay (khoản mục trên bảng cân đối kế toán) tại ngày 31/12 là 4,8 tỷ euro, tương đương với mức cuối năm 2020 và 2021.
Deutsche Bank từng có chuỗi 5 năm thua lỗ liên tiếp từ 2015 đến 2019. Tuy nhiên từ 2020 đến 2022, ngân hàng này đều có lãi với tổng lợi nhuận sau thuế đạt gần 8,8 tỷ euro. Kết quả kinh doanh khởi sắc trở lại đã góp phần giúp vốn chủ của Deutsche Bank tăng từ 54,8 tỷ euro vào cuối năm 2020 lên 58 tỷ vào cuối năm 2021 và 62 tỷ euro tại ngày 31/12/2022.
Tỷ lệ vốn phổ thông cấp 1 (CET1) của Deutsche Bank thường được duy trì trong khoảng từ 13% trở lên trong 9 năm liên tiếp từ 2014 đến 2022.