|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Uẩn khúc việc SVB không kịp vay nóng 20 tỷ USD rồi sụp đổ vì Fed nhất quyết đóng cửa lúc 4h chiều

09:06 | 24/03/2023
Chia sẻ
Silicon Valley Bank (SVB) muốn vay 20 tỷ USD trong ngày 9/3 để trả cho làn sóng người rút tiền ngày càng đông, nhưng các thủ tục phức tạp khi giao dịch trên hệ thống ngân hàng tại Mỹ đã khiến cho SVB không kịp nhận được số tiền trên. Sáng hôm sau (10/3), SVB sụp đổ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell và logo Silicon Valley Bank (SVB). (Ảnh: Getty Images; Đồ họa: Song Ngọc).

Tính đến ngày cuối năm 2022, SVB Financial Group (công ty mẹ, đại đa số tài sản nằm trong Silicon Valley Bank) có khoảng 175 tỷ USD tiền gửi của khách hàng.

SVB không cho vay nhiều, dư nợ tại ngày 31/12 chỉ khoảng 74 tỷ USD. Trong khi đó, ngân hàng này dùng tới gần 120 tỷ USD để đầu tư vào trái phiếu Kho bạc và các loại trái phiếu ít rủi ro khác.

Lãi suất tăng lên làm cho giá trái phiếu giảm xuống, nhưng 120 tỷ USD trái phiếu chất lượng cao của SVB vẫn có thể đem về khoảng 100 tỷ USD.

Tuy vậy, việc khách hàng rút 42 tỷ USD trong ngày 9/3 đã khiến SVB sụp đổ. Con số này không bao gồm số tiền bị rút trong các ngày trước đó, nhưng 42 tỷ USD nhỏ hơn 100 tỷ USD rất nhiều. Nếu SVB thực sự có 100 – 120 tỷ USD trái phiếu an toàn thì việc kiếm được tiền mặt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng là không quá khó.

SVB có khoảng 175 tỷ USD tiền gửi tại ngày cuối năm 2022.

Ngân hàng này có thể bán trái phiếu để lấy tiền mặt, dù phải ghi nhận lỗ lớn. Cách làm phổ biến hơn là dùng trái phiếu làm tài sản bảo đảm để vay tiền. Khi tình hình ổn định trở lại, SVB sẽ đem tiền đi chuộc lại số trái phiếu trên, ôm trái phiếu đợi đến lúc đáo hạn và nhận về toàn bộ tiền gốc.

Với cách làm thứ hai này, SVB chỉ mất tiền lãi vay vài %/năm, nhưng chắc chắn nhận được đủ tiền gốc, không phải bán lỗ.

Trong hệ thống tài chính hiện đại, các ngân hàng thương mại thường dùng trái phiếu Kho bạc để vay tiền từ ngân hàng trung ương. Tại Mỹ, người cho vay cuối cùng của SVB là Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Fed có quyền in tiền (cả tiền giấy lẫn tiền trong tài khoản máy tính) nên có thể cho vay bao nhiêu cũng không lo hết.

Ngoài ra, các ngân hàng tại Mỹ còn có thể vay từ Hệ thống Ngân hàng Cho vay Nội bộ Liên bang (FHLB), cũng bằng cách dùng trái phiếu Kho bạc làm tài sản thế chấp.

SVB đi vay nóng bất thành

Vậy tại sao SVB với hàng trăm tỷ USD trái phiếu rủi ro thấp trong tay lại không thể kiếm đủ tiền sau khi bị rút 42 tỷ USD trong ngày 9/3? Theo các thông tin mới từ Wall Street Journal (WSJ), SVB đã cố đi vay nhưng không được, lý do đơn giản là thủ tục đi vay quá rườm rà.

Cuối buổi sáng 9/3, làn sóng rút tiền tăng tốc, Silicon Valley Bank liền tìm đến chi nhánh San Francisco của Hệ thống FHLB và hỏi vay 20 tỷ USD.

SVB đã để sẵn tài sản bảo đảm tại FHLB San Franciso, nhưng số tiền SVB muốn vay quá lớn với FHLB vào lúc đó, Hệ thống này không xoay xở kịp vì sẽ cần phải đi vay ở nơi khác về để cho SVB vay lại.

FHLB đề xuất cho SVB vay một số tiền nhỏ hơn nhưng SVB từ chối và chuyển sang phương án 2 là đề nghị FHLB chi nhánh San Francisco chuyển 20 tỷ USD tài sản bảo đảm sang cửa sổ chiết khấu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Lúc này một vấn đề khác lại phát sinh. SVB đang có sẵn khoản vay tại FHLB San Francisco nên ngân hàng này cần phải xác định xem phải giữ lại bao nhiêu tài sản bảo đảm và có thể chuyển cho Fed bao nhiêu.

SVB cũng cố gắng chuyển 20 tỷ USD tài sản tới Fed thông qua ngân hàng lưu ký của mình là Bank of New York Mellon (BNY Mellon). Lúc này đã là buổi chiều 9/3 và hết thời gian tiếp nhận giao dịch của BNY Mellon.

Tổng Giám đốc của SVB khi đó là ông Greg Becker đã gọi điện thoại cho Tổng Giám đốc của BNY Mellon và đề nghị "du di" thời gian giao dịch. BNY Mellon đồng ý sẽ cố gắng hết sức.

Trong vài giờ sau đó, BNY Mellon làm việc cùng SVB và các quan chức Fed ở Washington và New York – những người chịu trách nhiệm liên quan tới việc chuyển chứng khoán tới cửa sổ chiết khấu để Fed cho ngân hàng vay tiền. BNY Mellon cũng nhập tất cả thông số giao dịch với Fed.

Fed yêu cầu phải giao dịch thử một lần trước khi chuyển chứng khoán thật. Giao dịch thử này làm tốn thêm thời gian, còn Fed nhất quyết dừng hoạt động vào lúc 4h chiều như thường lệ, không đồng ý kéo dài thời gian giao dịch.

Kết quả là SVB không nhận được khoản tiền vay khẩn cấp 20 tỷ USD trong ngày 9/3, số dư tiền cuối ngày là âm 958 triệu USD.

Ngày hôm sau 10/3, số tài sản đảm bảo mà BNY Mellon chuyển thay cho SVB đã tới tay Fed. Hệ thống Ngân hàng Cho vay Nội bộ Liên bang (FHLB) chi nhánh San Francisco cũng đang làm thủ tục chuyển chứng khoán cho Fed. Đúng lúc này, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản hoạt động của SVB. Mọi nỗ lực cho SVB vay vốn đều vô nghĩa.

“Chúng tôi đang trong quá trình chuyển tài sản thế chấp và đang đợi điện thoại từ Fed và SVB. Trong khi đợi, chúng tôi nhận được tin FDIC đã tiếp quản SVB”, một người phát ngôn của FHLB San Francisco chia sẻ với WSJ.

SVB có hàng trăm tỷ USD tài sản bảo đảm nhưng không thể vay tiền từ Fed vì hết giờ giao dịch 16h00 hàng ngày.

Bài học kinh nghiệm

SVB sụp đổ vì nhiều nguyên nhân, trong đó có các quyết định sai lầm trong kinh doanh và quản trị rủi ro của chính ngân hàng này. Cho dù nhanh chóng vay được 20 tỷ USD vào ngày 9/3 như mong muốn, SVB nhiều khả năng vẫn sẽ sập tiệm vào ngày hôm sau, hoặc hôm sau nữa.

Tuy nhiên, Fed và các tổ chức tài chính khác cũng cần rút ra bài học cho riêng mình để xử lý tốt hơn những vụ việc khác.

Hệ thống tài chính nói riêng và xã hội con người nói chung đã có những bước tiến dài trong một thế kỷ qua. Trước đây, tin đồn về nguy cơ ngân hàng phá sản được mọi người rỉ tai nhau trên phố hoặc đọc qua báo in. Khách hàng muốn rút tiền phải tìm tới ngân hàng, đợi đến lượt gặp giao dịch viên, đếm tiền rồi mang về.

Ngày nay, tin đồn được lan truyền qua mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Người rút tiền không cần kéo đến ngân hàng mà có thể thực hiện qua ứng dụng (app) di động từ bất kỳ đâu. Hàng tỷ USD có thể bị rút khỏi ngân hàng chỉ trong vài phút.

Các đợt rút tiền ồ ạt (bank run) ngày nay diễn ra nhanh hơn trước rất nhiều, nhưng cách xử lý của Fed dường như vẫn rất chậm chạp và cứng nhắc. Một ngân hàng đang nguy cấp như SVB đã không thể vay thêm tiền chỉ vì thủ tục mất thời gian và hết giờ giao dịch, không phải vì những lý do lớn lao như thiếu tài sản bảo đảm hay quy định pháp luật ngăn cấm.

Như đã nói, Fed không phải là lý do lớn nhất hay duy nhất dẫn tới sự sụp đổ của SVB, nhưng ngân hàng trung ương Mỹ chắc chắn có nhiều điểm cần cải thiện để hỗ trợ tốt hơn cho các ngân hàng trong cơn nguy khốn.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, khi Credit Suisse có nguy cơ sụp đổ, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) và Cơ quan Quản lý Thị trường Tiền tệ (FINMA) đã làm việc xuyên hai ngày cuối tuần 18 – 19/3 để dàn xếp thỏa thuận với UBS.

Chính phủ Thụy Sỹ lập tức ban hành sắc lệnh khẩn cấp để cho phép ban lãnh đạo hai ngân hàng tự quyết định việc sáp nhập và không cần lấy ý kiến cổ đông, cho phép hai ngân hàng hợp nhất mà không lo vi phạm quy định chống độc quyền, ngân hàng trung ương thông qua gói cho vay khẩn cấp 100 tỷ CHF (tức 108 tỷ USD), nhà nước sẵn sàng bù lỗ gần 10 tỷ USD, ...

Tối Chủ nhật 19/3, thương vụ UBS thâu tóm Credit Suisse với giá 3 tỷ CHF được công bố trong một buổi họp báo có sự tham gia của Tổng thống Thụy Sỹ, Chủ tịch SNB, Chủ tịch FINMA, … Nếu như các quan chức Thụy Sỹ làm việc suốt cuối tuần bất kể ngày đêm để tránh một vụ sụp đổ ngân hàng, tại sao Fed không thể hành động quyết liệt hơn để giúp SVB?

Đức Quyền - Song Ngọc