|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao Washington phá lệ, cứu người gửi tiền ở SVB và Signature Bank?

12:47 | 17/03/2023
Chia sẻ
Sau khi xem xét một loạt dấu hiệu, cũng như nỗ lực bán SVB nhưng bất thành, các quan chức đã buộc phải phá lệ và bảo hiểm cho toàn bộ người gửi tiền ở Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank.

Trong hơn một thập kỷ sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, các cơ quan giám sát tài chính của Washington đã cố gắng để không bao giờ phải can thiệp nhằm vực dậy hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, đến cuối tuần trước, những quan chức hàng đầu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), Hội đồng Kinh tế Quốc gia và Bộ Tài chính Mỹ đã phải đưa ra một ngoại lệ đặc biệt: cho phép FDIC bảo hiểm số tiền gửi vượt quá giới hạn 250.000 USD/khách hàng tại mỗi ngân hàng.

Wall Street Journal đã tổng hợp những thảo luận nội bộ, phỏng vấn những người tham gia về việc tại sao Mỹ đi đến quyết định giải cứu người gửi tiền tại SVB và Signature Bank. 

 

Lưỡng lự ban đầu

Ban đầu, Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg không muốn cho phép ngoại lệ, và chờ đợi thêm bằng chứng khẳng định rằng sự sụp đổ của SVB sẽ gây rủi ro cho hệ thống tài chính.

Đồng thời, Fed đã đưa ra một chương trình cho vay đặc biệt để đảm bảo ngân hàng được cho vay khi cần thiết. “Người Mỹ có thể tin tưởng rằng hệ thống ngân hàng vẫn an toàn”, Tổng thống Biden tuyên bố.

SVB đã nằm trong tầm ngắm của Fed và FDIC từ trước khi sụp đổ. Các thanh tra đã tỏ ra quan ngại về danh mục đầu tư trái phiếu của ngân hàng này, vốn đã mất giá trị đáng kể sau khi Fed tăng lãi suất.

Ngân hàng này cũng được cho là một trường hợp bất thường bởi khách hàng của họ tập trung quá nhiều vào lĩnh vực công nghệ và khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm.

Tài sản của SVB Financial Group là hơn 200 tỷ USD.

Các quan chức đã nỗ lực phối hợp vào tối 9/3, khi SVB phải đối mặt với tình trạng rút tiền ồ ạt. Fed là tuyến phòng thủ đầu tiên cho một ngân hàng trong cơn hoảng loạn. Các ngân hàng có thể tìm đến Fed để vay khẩn cấp, miễn là có đủ tài sản thế chấp để cầm cố.

SVB đã nhận được các khoản vay khẩn cấp vào ngày 9/3, nhưng quy mô của lượng tiền được rút ra đã vượt quá khả năng thế chấp để vay thêm.

Tối 9/3, các cơ quan quản lý bắt đầu lo lắng rằng SVB sẽ không trụ được đến cuối tuần. Sáng 10/3, vấn đề tại SVB đã trở thành mối quan tâm lớn tại Nhà Trắng, và FDIC đã bỏ phiếu đóng cửa ngân hàng này. Mối quan tâm tiếp theo là sự hoảng loạn đang lan rộng.

Khủng hoảng lan rộng

Bà Lael Brainard, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia và ông Jeff Zients, Chánh văn phòng Nhà Trắng đã báo cáo với ông Biden về tình hình tại SVB. Họ cho biết cuộc khủng hoảng tại SVB có nguy cơ nhấm chìm các ngân hàng trên toàn quốc. 

Chủ tịch Powell đã phải hủy bỏ kế hoạch đến Basel, Thụy Sỹ nhằm tham dự cuộc họp về ngân hàng quốc tế thường kỳ. Ông Michael Barr, Phó Chủ tịch Fed cũng đã phải trở về Washington sớm giữa kì nghỉ.

Sáng 10/3, bà Yellen đã gặp ông Powell, ông Gruenberg và các nhà quản lý hàng đầu khác. Bà tỏ ra lo ngại rằng cuộc khủng hoảng SVB sẽ lan rộng. Các quan chức Mỹ hy vọng có thể chuẩn bị bán SVB vào cuối tuần để trấn an người gửi tiền. Tuy nhiên, Washington nhận ra sự cần thiết của kế hoạch dự phòng nếu khủng hoảng lan rộng.

 

Bà Brainard cho rằng vào đầu tuần sau, người gửi tiền có thể ồ ạt rút tiền tại các ngân hàng cỡ trung khác như SVB, gây nguy hiểm đến hàng nghìn tỷ USD tiền gửi. Các quan chức cũng lo ngại việc không tiếp cận được tiền gửi sẽ khiến các doanh nghiệp gửi tiền ở SVB không thể trả lương cho nhân viên.

Dữ liệu theo thời gian thực của Fed cũng cho thấy lượng yêu cầu rút tiền ngày càng tăng. Tối 10/3, một cuộc khủng hoảng khác lại diễn ra. Sau khi SVB đóng cửa, Signature Bank bắt đầu chứng kiến dòng tiền bị rút ồ ạt. 

Tới ngày 11/3, dòng tiền gửi tại ít nhất 20 ngân hàng hạng trung cũng đang bị rút ra. Những dấu hiệu này thuyết phục các quan chức rằng khủng hoảng ngân hàng mang tính hệ thống và cần có sự can thiệp khẩn cấp.

Không còn lựa chọn khác

Các cơ quan quản lý từng cân nhắc cho phép người gửi tiền không bảo hiểm được tiếp cận ít nhất 50% tiền gửi của mình vào ngày 13/3. Tuy nhiên, sau sự cố của Signature Bank và những căng thẳng khác, họ quyết định tỷ lệ này chưa đủ.

Đến sáng 11/3, bà Yellen đã kết luận rằng đảm bảo cho toàn bộ tiền gửi tại SVB là cần thiết. Bà Brainard cũng đồng ý với đánh giá của Bộ trưởng Tài chính sau những diễn biến vào cuối tuần.

Vào năm 2008, chiến thuật được các nhà quản lý sử dụng là để những ngân hàng tư nhân như JPMorgan và Bank of America mua lại các đối thủ gặp khó khăn, bao gồm Countrywide Financial, Bear Stearns và Washington Mutual.

Tuy nhiên, lần này, khi FDIC tổ chức đấu giá SVB, các ngân hàng lớn đã không tham gia. PNC Financial đã cân nhắc mua lại SVB, nhưng thỏa thuận không thành. Ngoài ra, FDIC cũng không có đủ thời gian để cung cấp thông tin đầy đủ cho người mua, khiến việc đấu giá gặp khó khăn.

Cuối cùng, các quan chức nhận ra rằng, ngay cả khi người mua xuất hiện, họ cũng không đủ thời gian để kết thúc việc đấu giá SVB trước khi thị trường châu Á mở cửa. 

Chiều ngày 12/3, cả 4 lãnh đạo hàng đầu của Fed, FDIC, Bộ Tài chính và Hội đồng Kinh tế Quốc gia đi đến kết luận rằng không có lựa chọn nào khác, ngoài việc áp dụng ngoại lệ, và bảo đảm toàn bộ tiền gửi cho khách hàng của SVB và Signature Bank.

Minh Quang