|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hai ngân hàng đóng cửa, Thượng Nghị sỹ Mỹ đổ lỗi cho Quốc hội và Fed

17:03 | 15/03/2023
Chia sẻ
Thượng Nghị sỹ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren của bang Massachusetts cho rằng Quốc hội và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ của các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.

Thượng Nghị sỹ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren của bang Massachusetts tham dự một phiên điều trần tại Đồi Capitol ở Washington, D.C. (Ảnh: Reuters)

Hủy bỏ Đạo luật Dodd-Frank

Trả lời phỏng vấn trang NPR ngày 14/3, bà Warren nói: "Hãy nhớ rằng sau vụ sụp đổ năm 2008, chúng tôi hiểu rằng nếu không đưa quy định khá nghiêm ngặt đối với các ngân hàng lớn, họ sẽ bất chấp rủi ro để gia tăng lợi nhuận".

Bà Warren nhắc lại rằng năm 2018, Đảng Cộng hòa dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã đề xuất nới lỏng quy định đối với các ngân hàng. Sau đó, họ đã nhận được sự giúp đỡ từ Đảng Dân chủ và cuối cùng một dự luật rút lại các biện pháp bảo vệ đối với các ngân hàng có khối tài sản từ 50 - 250 tỷ USD đã được thông qua.

Bà Warren nói: “Chúng ta đã thấy hậu quả của hành động trên vào cuối tuần qua”.

Tháng 3/2018, 16 đảng viên Dân chủ cùng với các đảng viên Cộng hòa đã thông qua Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng, nới lỏng quy định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với tỷ lệ 67 phiếu thuận và 31 phiếu chống.

Bà Warren đã bỏ phiếu chống lại đạo luật trên, giống như lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, người đã phát biểu ngày 14/3 rằng Thượng viện Mỹ sẽ xem xét nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của các ngân hàng.

Ông Schumer nói: “Nếu thiệt hại lan rộng khắp hệ thống tài chính của chúng ta, tiền gửi và tiền tiết kiệm của hàng chục triệu gia đình và doanh nghiệp nhỏ có thể gặp rủi ro nghiêm trọng.”

Ông nhấn mạnh người dân Mỹ có thể yên tâm rằng các cơ quan quản lý ngân hàng đã hành động nhanh chóng và đang làm mọi thứ có thể để bảo vệ người tiêu dùng. Trong những tuần tới, Quốc hội sẽ xem xét kỹ lưỡng nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của SVB và cách thức ngăn chặn các sự kiện tương tự trong tương lai.

 

Trả lời phỏng vấn NPR, ông Barney Frank, cựu Thượng nghị sĩ và cựu thành viên hội đồng quản trị của Signature Bank, cho biết việc hủy bỏ Đạo luật Dodd-Frank không dẫn tới sự sụp đổ của ngân hàng này, nguyên nhân chính là do tiền điện tử. Đạo luật Dodd-Frank được thông qua dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama năm 2010, nhằm giám sát các khía cạnh khác nhau của hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, bà Warren đã phản đối nhận định của ông Frank. Bà nói: "Trong cả hai trường hợp ngân hàng phải đóng cửa, nguyên nhân là do việc chấp nhận rủi ro để tăng lợi nhuận." Theo bà Warren, không chỉ Quốc hội, Fed cũng chịu trách nhiệm.

Giải pháp là gì?

Fed đã công bố bản đánh giá hoạt động giám sát của SVB ngày 13/3 sau khi SVB trở thành vụ ngân hàng thương mại sụp đổ lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Bà Warren chỉ trích Chủ tịch Jerome Powell không chỉ nới lỏng các quy định mà thậm chí còn đi xa hơn mức độ cho phép của luật. Do đó, bà phản đối việc tái đề cử ông Powell làm Chủ tịch Fed. Bà thậm chí còn cho rằng việc ông Powell nới lỏng giám sát là một động thái nguy hiểm.

Đối với những người sử dụng các ngân hàng nhỏ hơn, bà Warren cho rằng khách hàng không cần quá lo lắng.

Bà nói: "Chính phủ liên bang đã can thiệp và đảm bảo rằng những người gửi tiền được bảo vệ. Điều đó có nghĩa là mọi người nên thở phào nhẹ nhõm về vấn đề đó. Bây giờ, chúng ta cần thay đổi luật để vấn đề này không còn xảy ra nữa."

Phát biểu tại Thượng viện ngày 14/3, bà Warren nhấn mạnh rằng Quốc hội và Fed phải áp dụng lại các quy định nghiêm ngặt đối với các tổ chức tài chính để ngăn chặn thảm họa ngân hàng trong tương lai.

Bà nói: “Các vụ sụp đổ ngân hàng vào cuối tuần qua hoàn toàn có thể tránh được nếu Quốc hội và Fed hoàn thành công việc của họ và duy trì sự giám sát chặt chẽ đối với các ngân hàng lớn. Ngay bây giờ chúng ta phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiếp theo bằng cách bãi bỏ các quy định nguy hiểm dưới thời ông Trump khiến các ngân hàng yếu đi.”

Các quan chức liên bang đang cố gắng bán đấu giá khối tài sản trị giá 200 tỷ USD của SVB. Theo Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), bất kỳ khoản hỗ trợ tiền gửi nào không đến từ quỹ bảo hiểm, hoặc đấu giá tài sản, sẽ được bù đắp bằng một khoản phí đặc biệt từ các ngân hàng, hay nói cách khác là một loại thuế mà hầu hết các ngân hàng lớn hơn sẽ phải nộp.

Thượng Nghị sỹ đảng Cộng hòa, ông James Lankford của bang Oklahoma ngày 14/3 cho rằng khoản phí đặc biệt với các ngân hàng giống như "tăng thuế lén lút" đối với toàn bộ người Mỹ vì tiền đến từ tất cả các ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng tại bang của ông sắp trả một khoản phí đặc biệt để có thể cứu trợ các triệu phú ở San Francisco.

Trà My