Silicon Valley Bank (SVB) chưa phá sản như nhiều người lầm tưởng
Theo thông cáo của Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), vào ngày 10/3, ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã bị Sở Bảo vệ Tài chính và Đổi mới California (CDFPI) đóng cửa. Sau đó, FDIC tiếp quản ngân hàng trên.
FDIC đã thành lập Ngân hàng Bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia Santa Clara (DINB) nhằm bảo vệ những người gửi tiền được bảo hiểm. Vào thời điểm ngân hàng SVB đóng cửa, FDIC ngay lập tức chuyển giao cho DINB tất cả tiền gửi được bảo hiểm tại SVB.
Trong đoạn thông cáo dài 345 chữ, FDIC không một lần nhắc đến từ “phá sản” (bankruptcy), mà thường sử dụng những từ như “đóng cửa” (close) hoặc “sụp đổ” (fail).
Tuy nhiên, một số tờ báo trong nước đang sử dụng từ “phá sản” để mô tả tình trạng của SVB. Vậy, sử dụng từ “phá sản” trong trường hợp SVB hiện nay có đúng hay không, và quy trình phá sản một ngân hàng diễn ra như thế nào?
Để trả lời thắc mắc trên, người viết đã liên hệ với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính và có kinh nghiệm hoạt động ngân hàng tại Mỹ, nhằm làm rõ thêm về định nghĩa “phá sản”.
“Từ phá sản, mà tiếng Anh gọi là 'bankruptcy' không phù hợp cho trường hợp của SVB. SVB đang bị FDIC kiểm soát, và có thể dùng từ “tiếp quản” thì sẽ đúng hơn”, ông Hiếu giải thích. “Vào hôm 10/3, FDIC đã đến nhằm tiếp quản ngân hàng SVB”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết ông đã từng chứng kiến một sự việc tương tự như trường hợp của SVB. Khi đó, FDIC đã đưa một đội ngũ các nhân viên, bao gồm cả những người được trang bị súng đến ngân hàng được tiếp quản.
Hàng trăm nhân viên công vụ của FDIC ập đến ngân hàng, "yêu cầu mọi người ngồi yên một chỗ, khóa trái cửa, kiểm soát ngân hàng, kiểm soát văn phòng của Tổng Giám đốc”, ông nói. Tới ngày thứ hai, FDIC sẽ thành lập ra một ngân hàng mới nhằm kiểm soát ngân hàng vừa bị đóng cửa, ông cho biết.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, sau khi tiếp quản ngân hàng gặp khó khăn, “FDIC sẽ xem xét tất cả sổ sách, mời những ngân hàng khác mua lại ngân hàng trên”.
“Đến cuối cùng, nếu không bán được ngân hàng thì mới đi đến giai đoạn thanh lý tài sản để trả những người đã cho ngân hàng vay”, ông giải thích. “Lúc bấy giờ mới là giai đoạn phá sản, tức là thanh lý tài sản để trả nợ cho người cho vay”.
Như vậy, việc sử dụng từ “phá sản” cho trường hợp của SVB tính đến thời điểm hiện nay là chưa hợp lý. Ngân hàng này mới chỉ bị “đóng cửa”, sau đó được FDIC “kiểm soát”.
Hiện nay, các ngân hàng khác vẫn có thể mua lại và sáp nhập với SVB, nếu SVB đã phá sản rồi thì sẽ không thể có chuyện sáp nhập nữa. Tại Việt Nam cũng từng có các ngân hàng âm vốn chủ sở hữu, bị kiểm soát đặc biệt và mua lại bắt buộc với giá 0 đồng, nhưng chưa thể bị coi là phá sản.
Cơ sở pháp lý
Theo Văn phòng Hành chính Tòa án Mỹ, thủ tục phá sản nhằm giúp những bên không có khả năng trả nợ làm lại từ đầu bằng cách thanh lý tài sản hoặc lập kế hoạch trả nợ. Luật phá sản được xây dựng nhằm giúp bảo vệ các doanh nghiệp khó khăn về mặt tài chính.
Một vụ phá sản tại Mỹ thường bắt đầu khi con nợ nộp đơn xin phép phá sản. Tuy nhiên, chủ nợ cũng có thể yêu cầu tòa án tiến hành thanh lý tài sản của con nợ nếu thỏa mãn một số điều kiện nhất định.
Trong trường hợp của doanh nghiệp, chủ nợ hoặc con nợ có thể nộp đơn phá sản lên toàn án theo Chương 7 trong Luật phát sản Mỹ để thanh lý tài sản, hoặc theo Chương 11 để tái cấu trúc. Hiện tại, SVB vẫn chưa nộp đơn phá sản, đồng thời chưa có tòa án nào tuyên bố ngân hàng này phá sản.
Vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ là ngân hàng đầu tư Lehman Brothers. Ngày 15/9/2008, Lehman nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11, hệ thống tài chính Mỹ và thế giới rơi vào hỗn loạn.