Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc bị yêu cầu phá sản, quỹ ngoại từ Oman và Thụy Sỹ lo mất vốn
Tháng 4/2024, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã ra quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2024/QĐ-MTTPS đối với Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc, có trụ sở tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Quản tài viên gần đây đã lập danh sách chủ nợ của doanh nghiệp tính đến 29/10/2024. Danh sách này có 189 chủ nợ với tổng cộng số nợ hơn 1.000 tỷ đồng; bao gồm ngân hàng, các đối tác và cá nhân.
Phá sản vì chưa thanh toán 1,42 tỷ đồng
Theo thông tin người viết tiếp cận được, CTCP Đầu tư Việt Nam Oman (VOI) đang "kêu cứu" vì đứng trước nguy cơ mất toàn bộ khoản đầu tư vào Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc và địa phương cũng mất đi một bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế do quyết định mở thủ tục phá sản.
Người yêu cầu mở thủ tục phá sản là ông Trần Văn Tưởng (sinh năm 1989 - cựu nhân viên kế toán thủ quỹ của bệnh viện), muốn bệnh viện thanh toán 1,42 tỷ đồng, bao gồm 1 tỷ đồng nợ gốc và 420 triệu đồng tiền lãi.
Quỹ ngoại cho biết chưa thanh toán số tiền này do đây là khoản có tranh chấp đang được thụ lý tại tòa án nhân dân TP Long Xuyên số 336/2023/TLTS-DS và chưa có căn cứ pháp luật để xác định là nghĩa vụ nợ của bệnh viện.
"Bệnh viện vẫn đang triển khai hoạt động khám chữa bệnh cho hơn 505 lượt bệnh nhân ngoại trú và 36 lượt bệnh nhân nội trú mỗi ngày trong tháng 11 và doanh thu trung bình đạt 20 tỷ đồng/tháng.
Khoản nợ gốc và lãi 1,42 tỷ đồng mà ông Tưởng nêu tại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là số tiền rất nhỏ so với vốn điều lệ của công ty hiện nay 350 tỷ đồng và tổng giá trị tài sản trên báo cáo tài chính gần nhất khoản 1.178 tỷ đồng", quỹ ngoại bổ sung.
Nhà đầu tư cũng cho rằng có một loạt sai phạm từ bà Lư Bích Nguyên (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty) như lợi dụng vay tiền hàng trăm cá nhân nhưng không đưa vào sổ sách công ty, thực hiện giao dịch giả với các công ty liên quan...
VOI cũng chỉ trích bà Nguyên yêu cầu 292 trong tổng số 554 nhân viên ký hợp đồng vay tín chấp với ngân hàng, sau đó yêu cầu toàn bộ nhân viên đưa lại tiền. Quỹ nói các nhân viên đang bị ngân hàng giục nợ dù không được sử dụng tiền vay, đang hoang mang và đã có đơn kêu cứu gửi đến VOI.
Nhiều hệ lụy
Nhà đầu tư cho rằng quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang sẽ gây thiệt hại cho người dân địa phương khi mất đi một địa chỉ khám chữa bệnh tiêu chuẩn quốc tế.
Theo báo cáo đến cuối 2023, công ty quản lý bệnh viện có vốn điều lệ 350 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 445 tỷ đồng và tổng tài sản 1.178 tỷ. Bệnh viện được 2 quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn gồm VOI và Quỹ đầu tư vì an sinh xã hội ResponsAbility AG của Thụy Sỹ.
Việc tuyên bố phá sản dẫn đến phải niêm phong, đóng cửa một bệnh viện có 300 giường bệnh là sự lãng phí đối với địa phương, nhất là những khách hàng đã đăng ký gói khám thai sản và bệnh nhân nội trú có bệnh mãn tính.
Công ty còn có tổng cộng 554 lao động với nhiều bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, hộ lý và nhân viên y tế gián tiếp. Việc giải thể sẽ làm mất việc làm của 554 nhân viên và ảnh hưởng gián tiếp đến gia đình.
Các đối tác cung ứng cho bệnh viện đã đồng loạt dừng mọi hoạt động với công ty và yêu cầu thanh toán công nợ gối đầu, gây ra gián đoạn nghiêm trọng công tác khám chữa bệnh, những xáo trộn về thủ tục khám chữa bệnh.
Việc phá sản cũng làm mất đi nguồn thu ngân sách, khi bệnh viện nộp trung bình 5 tỷ đồng tiền thuế mỗi năm trong giai đoạn 2019-2023. Sau khi nâng gấp đôi công suất từ 2023, số tiền thuế ước tính khoảng 10 tỷ đồng/năm.
Hai quỹ ngoại VOI và ResponsAbility AG cũng lo ngại tổn thất toàn bộ số tiền khoảng 470 tỷ đồng do đã rót vốn đầu tư vào Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc tại An Giang.
Nhà đầu tư cho rằng điều này gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, khả năng gọi vốn nhà đầu nước ngoài.
CTCP Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc đã nhiều lần làm đơn phản đối, đơn cầu cứu và lo ngại có các vi phạm trong việc áp dụng pháp luật khi giải quyết vụ việc.
VOI là liên doanh giữa Ủy ban Đầu tư Vương quốc Oman thuộc Chính phủ Oman và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), được thành lập năm 2008 đến nay. Công ty đầu tư chủ yếu thông qua VIAC No.1 Limited Partnership (quỹ VOI).
Từ khi thành lập, quỹ VOI đã giải ngân xấp xỉ 500 triệu USD vào các lĩnh vực trọng điểm ở Việt Nam. Một số khoản đầu tư tiêu biểu như CTCP Đầu tư hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII), công ty nước sông Hậu, điện mặt trời BCG Long An 1&2, Bệnh viện Hạnh Phúc, Aikya Pharma...