Một công ty niêm yết bị yêu cầu phá sản ngay cuối năm
Ngày 2/1, Tòa án Nhân dân TP HCM ra thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (Mã: RDP). Bên yêu cầu chính là Công ty cổ phần Rạng Đông Films.
Tòa án yêu cầu Rạng Đông Holding tròng vòng 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo phải nộp bản giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất thanh toán; báo cáo thực hiện các biện pháp khôi phục doanh nghiệp mà vẫn không khắc phục được thực trạng.
Bảng kê chi tiết các loại tài sản, địa điểm có tài sản, xác nhận tiền gửi ngân hàng; danh sách chủ nợ tính đến 2/1; danh sách những người mắc nợ, khoản cho vay hoặc tiền hàng cần thu hồi; giấy tờ thành lập doanh nghiệp...
Ngày 24/1, Thẩm phán Hoàng Thị Bích Thảo thực hiện tống đạt thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân TP HCM. Ông Bùi Đắc Thiện, đại diện công ty, đã đọc biên bản và ký xác nhận.
Đáng chú ý, bên yêu cầu mở thủ tục phá sản Rạng Đông Films lại chính là công ty con do Rạng Đông Holding sở hữu đến 97,7% cổ phần (theo báo cáo tài chính kiểm toán 2023).
Giấu lỗ khủng
Rạng Đông Holding được thành lập từ sau 1975 đến nay, là một trong những doanh nghiệp nhựa đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2005, công ty được cổ phần hóa với tên Nhựa Rạng Đông và đến tháng 2009 đưa cổ phiếu niêm yết HOSE. Công ty hiện có vốn điều lệ hơn 490 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh các năm 2016 về trước vẫn khá ổn định với doanh thu dao động quanh mức nghìn tỷ đồng và vẫn sinh lời vài chục tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, công ty gặp biến cố xảy ra khi thua kiện đối tác ngoại Tập đoàn Sojitz và phải trả lại gần 157 tỷ đồng cùng các chi phí liên quan. Vụ thua kiện này khiến chi phí dự phòng của công ty tăng vọt, dẫn đến kết quả thua lỗ.
Cụ thể, tháng 9/2017, công ty ký hợp đồng bán 20% cổ phần công ty con là Nhựa Rạng Đông Long An cho Sojitz với giá hơn 174 tỷ đồng. Đến tháng 3/2020, hai bên xảy ra xung đột và Sojitz quyết định hoàn trả lại cổ phần để đòi lại 90% số tiền (tức 157 tỷ đồng).
Những ảnh hưởng này tiếp tục kéo dài trong nửa đầu năm 2024. Công ty ghi nhận doanh thu bán niên giảm 45% so với cùng kỳ còn 753 tỷ đồng và thua lỗ tiếp 65 tỷ. Lỗ lũy kế theo đó đã lên 266 tỷ đồng.
Vào tháng 7/2024, Rạng Đông Holding quyết định tạm ngưng hoạt động 2 chi nhánh trong vòng một năm nhưng không nêu lý do cụ thể, gồm chi nhánh tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) và chi nhánh nhà máy bao bì nhựa số 1 tại huyện Củ Chi (TP HCM).
Trước đó, theo báo cáo tài chính công ty mẹ tự lập quý IV/2203, Rạng Đông Holding vẫn ghi nhận lợi nhuận năm 2023 hơn 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi có kiểm toán công ty mẹ, con số thực tế là lỗ gần 118 tỷ đồng.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt tổng số tiền 242,5 triệu đồng do các vi phạm công bố thông tin, bao gồm việc giấu lỗ bên trên. Công ty sau đó đã có văn bản đính chính và xác nhận mức lỗ khủng của năm 2023.
Lãnh đạo phân phối hơn 60% vốn
Rạng Đông Holding còn chứng kiến nhiều biến động về nhân sự và thay đổi căn bản về cơ cấu cổ đông, nhất là việc Chủ tịch HĐQT Hồ Đức Lam liên tục bán chủ động và bị bán giải chấp cổ phiếu RDP trong thời gian dài.
Ông Lam đã đăng ký bán và bị bán giải chấp nhiều lần để giảm sở hữu xuống 1,17 triệu đơn vị, tương ứng còn 2,39% cổ phần theo báo cáo gần nhất. So với đỉnh điểm từng năm 64,15% vốn vào đầu năm 2022, vị này đã để mất khoảng 62% cổ phần.
Lượng cổ phần này đã được phân phối sang tay các cổ đông nhỏ lẻ, bởi hiện tại công ty không còn xuất hiện cổ đông lớn.
Về nhân sự, ông Hà Thanh Thiên đã thôi làm Tổng giám đốc kể từ tháng 8/2024 và người thay thế là ông Huỳnh Kim Ngân. Vị trí Kế toán trưởng biến động mạnh hơn trong năm 2024 khi thay đổi từ ông Đỗ Minh Luân sang ông Nguyễn Việt Hà, đến ông Nguyễn Thanh Tùng và gần nhất là ông Nguyễn Thế Tư.
Ai là chủ nợ?
Sức khỏe tài chính đang yếu hơn khi tổng tài sản giảm 7% về dưới mốc 2.000 tỷ đồng tại tháng 6/2024. Riêng lượng hàng tồn kho giảm 7% còn 78 tỷ đồng; lượng tiền mặt và tiền gửi nắm giữ giảm 36% xuống mức 62 tỷ đồng.
Không chỉ thua lỗ, Rạng Đông Holding còn nặng gánh nợ vay. Công ty đối mặt với áp lực trả nợ lớn, khi nợ vay tài chính ngắn hạn lên tới hơn 1.034 tỷ đồng, còn nợ dài hạn gần 198 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính đang gấp 4,4 lần vốn chủ sở hữu.
Các khoản nợ này đa phần là nợ ngân hàng, chịu mức lãi suất dao động 6,5-12%. Các ngân hàng đang có số dư cho vay hàng trăm tỷ đồng là OceanBank, Kasikornbank, BIDV, MB, Vietcombank, Vietinbank và một số tổ chức, cá nhân khác.
Ngoài ra, Rạng Đông Holding có hơn 252 tỷ đồng nợ xấu từ nhiều đối tác khác nhau, như Công ty TNHH MTV Hoàng Hoàng Quỳnh, Công ty TNHH Đầu tư - Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Minh Phát Đạt, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ánh Hồng cùng nhiều đối tượng khác. Công ty phải trích lập dự phòng gần 61 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu này.
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) đã ra quyết định chuyển cổ phiếu RDP từ diện hạn chế giao dịch sang trường hợp đình chỉ giao dịch kể từ 28/11/2024 do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin.
Phía doanh nghiệp lý giải do công ty và đơn vị kiểm toán Nhân Tâm Việt không chốt được báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 đúng thời hạn. Công ty sau đó gặp khó khăn về nhân sự do kế toán nghỉ việc nhiều, vẫn chưa hoàn thành nộp báo cáo tài chính quý III/2024.
Tổng giám đốc Huỳnh Kim Ngân cam kết tập trung hoàn thành báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 và báo cáo tài chính quý III/2024 trong thời gian sớm nhất; cam kết giải trình và báo cáo định kỳ về phương án khắc phục theo quy định.
Mã chứng khoán này đứng tại 1.310 đồng/cổ phiếu trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch, giá trị vốn hóa chỉ còn 64 tỷ đồng.