|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?

06:51 | 16/12/2024
Chia sẻ
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm, cả nước có hơn 218,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Song, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 173,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

 Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nhìn nhận về các con số này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong xu hướng phát triển, số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn phải cao hơn số rút lui khỏi thị trường kể cả tốc độ và con số tuyệt đối.

Đặc biệt, vào thời điểm kinh tế có dấu hiệu tốt lên, số doanh nghiệp thành lập mới cũng bao giờ cũng tăng mạnh, còn số rút lui khỏi thị trường giảm dần.

Tuy vậy, trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao theo các tháng. Thậm chí, có những tháng còn cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường.

“Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này”, bà Thảo nhìn nhận.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh CIEM. (Nguồn: Nguyễn Ngọc

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao trong giai đoạn qua phần lớn là nhờ vào kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng và hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam hiệu quả vì tiềm lực, quản trị tốt hơn và chiến lược kinh doanh phù hợp.

Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, ngoài bất ổn với tình hình chính trị kinh tế thế giới, những xu hướng liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế đã và đang là rào cản lớn của quá trình xuất khẩu hàng hóa trong nước.

Đặc biệt, tốc độ tiêu dùng trong nước đang tăng chậm hơn so với tăng trưởng xuất khẩu và du lịch khiến các doanh nghiệp sản xuất hướng vào thị trường trong nước cũng phải đối mặt với khó khăn khi người dân vẫn thắt chặt chi tiêu khiến sức mua chưa phục hồi như kỳ vọng.

“Chi phí nguyên vật liệu tăng cao hay nhiều doanh nghiệp bị chậm hoàn hoàn thuế làm thiếu hụt về nguồn tiền, ảnh hưởng nghiêm trọng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường”, ông Tuấn nêu rõ

Trong lĩnh vực bất động sản, dù có tín hiệu tích cực, song thị trường này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn làm cho hệ thống doanh nghiệp trong lĩnh vực này (gồm vật liệu xây dựng, dịch vụ bất động sản) lúc đầu còn cầm cự nhưng sau đó ngày càng có nhiều doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường.

Không có hỗ trợ nào tốt nhất bằng cải cách thể chế  

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Dù khẳng định việc doanh nghiệp gặp khó khăn và rời bỏ thị trường là quy luật bình thường, song ông Tuấn cho rằng, làm sao để họ có được động lực quay trở lại để tiếp tục có phong trào khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh vẫn tiếp tục được phát huy.

“Tôi e ngại rằng tinh thần kinh doanh bị hao hụt. Vì vậy, hơn bao giờ hết cần có chương trình hỗ trợ hơn nữa cho sự ra đời và hoạt động của các doanh nghiệp. Đây là việc cấp bách”, ông Tuấn nêu rõ.

Trong bối cảnh nhiều bất định của thế giới, ông Tuấn cũng cho rằng điều doanh nghiệp cần nhất là nguồn lực cho sản xuất kinh doanh gồm vốn và đất đai. Bởi, khác với doanh nghiệp lớn, do quy mô bé và không có tài sản đảm bảo nên các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khó có thể vào các khu công nghiệp và tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.

Ngoài ra, nhiều DNNVV hiện cũng hướng về xuất khẩu song họ lại không có đội ngũ về phát triển thị trường xúc tiến thương mại mạnh như các tập đoàn lớn. Cùng với đó, các DNNVV rất khó thu hút được nhân lực có chất lượng tốt trong khi gặp nhiều vấn đề trong quản trị điều hành.

Vì vậy, Chính phủ và các bộ ngành cần có chương trình quốc gia tổng thể để thúc đẩy hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

"Trong thời gian qua, chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhưng phải nói rằng hiệu quả thực hiện là chưa cao. Qua nhiều khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp biết đến và hưởng thụ rất ít. Thời gian tới, hi vọng chúng ta thực hiệu quả hơn", ông Tuấn kỳ vọng.

Còn theo bà Phạm Minh Thảo, vừa rồi Quốc hội và Chính phủ đã sửa Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhưng những luật này chỉ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư công, đầu tư hạ tầng.

Còn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, có những dự luật có thể sẽ làm tăng thêm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp như dự Luật thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn có nhiều tranh cãi hay chưa điều chỉnh mức thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, với các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không chỉ chưa được giảm thiểu mà còn có xu hướng gia tăng, do động lực cải cách từ các bộ, ngành đang suy yếu. Do đó, cần có chính sách tốt hơn để doanh nghiệp có niềm tin và kỳ vọng về cơ hội kinh doanh trong tương lai.

“Không có hỗ trợ nào tốt nhất bằng cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Khi thiết lập nền tảng pháp lý minh bạch, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thì người dân sẽ có ý tưởng về kinh doanh, có động lực kinh doanh và dấn thân vào hoạt động kinh doanh”, bà Thảo khẳng định.

Nguyễn Ngọc