|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: Không nên quá lo lắng trước tình trạng doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng mạnh

07:39 | 13/12/2024
Chia sẻ
Theo TS Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng CIEM, đây có thể xem là một bước thanh lọc thị trường, các doanh nghiệp yếu kém sẽ rút lui, các doanh nghiệp tốt sẽ tiếp tục phát triển.

 Tiến sĩ Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: Báo Đầu tư)

Tại Hội thảo "Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội" ngày 12/12, Tiến sĩ Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho hay mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp rút lui thị trường so với doanh nghiệp gia nhập thị trường đang ở mức rất cao so với trước đó. 

Cụ thể, thời điểm trước COVID-19, tỷ lệ này  là rất thấp chỉ khoảng trên 50%. Tuy nhiên, sau giai đoạn COVID-19 đến hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui thị trường so với doanh nghiệp gia nhập thị trường hằng năm tăng lên rất mạnh, đặc biệt là hai năm 2023 và 2024 đều ghi nhận trên mức 70%.

Trong 11 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ này đã tăng lên 79,25%, xấp xỉ với con số cả năm 2023 (79,27%) và có giảm so với tỷ lệ này trong 9 tháng đầu năm (89,4%).

Tuy vậy, theo TS Lương Văn Khôi, không nên quá lo lắng trước tình trạng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh như hiện nay. 

"Mặc dù số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, song đầu tư tư nhân vẫn tăng cao. Do đó, đây có thể xem là một bước thanh lọc thị trường, các doanh nghiệp yếu kém sẽ rút lui, các doanh nghiệp tốt sẽ tiếp tục phát triển", ông nói.

Ông cho rằng đây là một tín hiệu thanh lọc rất bình thường, nhiều quốc gia phát triển cũng tương tự như vậy. Một số nước thậm chí còn ghi nhận số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn rất nhiều so với số lượng gia nhập mới.

 Nguồn: Tài liệu trình bày của TS Lương Văn Khôi tại sự kiện.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu, cho biết hiện nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật phục hồi sau dịch COVID -19, nền kinh tế Việt Nam còn gặp khó khăn. 

Theo ông, mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, song sự hỗ trợ này là vẫn chưa đủ để giúp doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn. "Các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp không đủ điều kiện vay do nợ xấu tăng lên", TS Hiếu nói.

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường do không đủ vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh.

"Số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong năm 2024 cao hơn nhiều so với năm 2023, con số này trong năm 2023 cũng cao hơn so với năm 2022, xu hướng này có thể nói là rất đáng quan tâm", TS Hiếu nhận định.

Chuyên gia dự đoán, năm 2025 có thể chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng nếu không có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Theo chuyên gia, số doanh nghiệp phá sản tăng mạnh sẽ kéo theo rất nhiều hệ luỵ, đơn cử như số người lao động thất nghiệp tăng lên, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, khi mà những thành phần sản xuất kinh doanh rút lui khỏi thị trường. 

"Do đó, có lẽ cần phải có tất cả những biện pháp để cải thiện đối với việc nhiều doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động", ông Hiếu cho biết. 

Chuyên gia kỳ vọng Chính phủ sẽ có nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn, đặc biệt xem xét đến quỹ bảo lãnh tín dụng tại trung ương với vốn điều lệ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, để có thể bảo lãnh cho các doanh nghiệp đi vay vốn tại thị trường.

"Nếu chúng ta giúp các doanh nghiệp về mặt vốn thì có thể giảm thiểu số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường", ông nói thêm. 

Minh Nguyệt