|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tâm điểm vĩ mô tháng: Doanh nghiệp rời thị trường cao nhất trong 10 năm

12:06 | 01/02/2024
Chia sẻ
Báo cáo kinh tế tháng 1 từ Tổng cục Thống kê cho thấy kinh tế có nhiều điểm sáng trong tháng đầu năm mới, bên cạnh đó có một số chỉ số không quá tích cực.

Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 1/2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 53.900 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, có 43.900 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; có 7.798 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14%; có 2.165 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,2%.    

Thống kê từ tháng 1/2022, 53.900 doanh nghiệp rời thị trường là con số cao nhất. Xét riêng tháng 1 giai đoạn từ 2015 khi cơ quan thống kê bắt đầu công bố chi tiết tình hình đăng ký doanh nghiệp, đây cũng là con số cao chưa từng thấy.  

 

 

 

Ngoài chỉ số trên không quá tích cực, nhiều chỉ số vĩ mô khác khả quan như PMI tháng 1 ngành sản xuất Việt Nam đã quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng đầu năm. Cụ thể, tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12. Kết quả chỉ số cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất cải thiện lần đầu tiên trong 5 tháng, dù đây chỉ là mức cải thiện nhẹ. 

 

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP), kim ngạch xuất, nhập khẩu ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ, một phần do tháng 1/2023 là tháng có Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng.

IIP tháng 1/2024 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều ngành tăng mạnh so với cùng kỳ như sản xuất giường, tủ, bàn ghế; sản xuất máy móc, thiết bị; dệt; sản xuất thiết bị điện.

Ngược lại, sản xuất điện tử, máy tính; sản xuất đồ uống tăng thấp trong tháng 1 so với tháng 1/2022.

 

Về hoạt động thương mại, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đang cho thấy sự cải thiện dần khi tăng trưởng đều đặn xét theo tháng và so với cùng kỳ. 

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng tăng trưởng cao so với cùng kỳ như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 89,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 74,6%.

 

 Về chính sách tiền tệ, nhiều tổ chức trong nước dự báo khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giảm lãi suất điều hành vào quý II. 

 

Chứng khoán VNDirect mới đây cho rằng NHNN không còn nhiều dư địa để giảm thêm lãi suất tiền gửi trong bối cảnh nhu cầu tín dụng phục hồi dẫn đến nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng lên; chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng và CPI đã thu hẹp đáng kể.

Tuy nhiên, lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức đáy trong suốt năm 2024 do NHNN đặt mục tiêu duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Do vậy nhóm phân tích nhận định NHNN sẽ xem xét cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm % trong quý II, đưa lãi suất tái cấp vốn về 4% và lãi suất chiết khấu về 2,5%.

Chứng khoán Maybank (MBKE) cũng dự báo NHNN sẽ cắt giảm chính sách lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2024, khả năng bắt đầu từ quý II khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.  

Hôm qua 31/1, Fed quyết định không nâng lãi suất sau phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày. Trong ba phiên họp trước, cơ quan này cũng giữ nguyên lãi suất. Hiện lãi suất tham chiếu tại Mỹ vào khoảng 5,25 - 5,5% và là mức cao nhất 22 năm.  

Chia sẻ tại cuộc họp sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói "Ủy ban không cho rằng thời điểm sắp tới là phù hợp để giảm lãi suất, cho đến khi tự tin hơn rằng lạm phát đang hạ nhiệt bền vững hướng về mục tiêu 2%".

Fed đã nâng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) chỉ tăng 2,6% tháng 12/2023. Điều này khiến giới chuyên gia kỳ vọng Fed có thể giảm lãi suất trong năm nay. Thị trường trước đó đặt cược lần giảm đầu tiên sẽ diễn ra vào phiên họp tháng 3. Tuy nhiên, thông báo hôm qua của Fed đã kéo tụt kỳ vọng này.        

Anh Đào