|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH: 77.000 DN rời khỏi thị trường là điều bất thường khi mọi năm đây là thời điểm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh

16:04 | 01/06/2023
Chia sẻ
4 tháng đầu năm có 77.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, Đại biểu Quốc hội cho rằng con số này cho thấy một số yếu tố bất thường rất đáng quan tâm về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Ngày 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho rằng cần rà soát, đánh giá chính xác thực trạng doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Theo đại biểu, 4 tháng đầu năm có 77.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, con số này cho thấy một số yếu tố bất thường rất đáng quan tâm về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Đó là số doanh nghiệp gia nhập thị trường và con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tương đương nhau. Đây là điều chưa từng thấy.

Số liệu thống kê từ năm 2020 khi Quốc hội sửa Luật doanh nghiệp đến nay, hàng năm số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Ngoài ra, trong số bình quân 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng là một mức tăng đột biến nếu so sánh với mức bình quân 11.900 doanh nghiệp năm 2022, 10.000 vào năm 2021.

Điều bất thường thứ ba là điều này xảy ra ngay từ những tháng đầu năm, là thời điểm thông thường doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh.  

Đại biểu cho rằng, trước tình trạng này cần được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, đánh giá, phân tích thấu đáo hơn để nhận diện rõ ràng, chính xác thực trạng của doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, đối mặt với những biến động khó lường, cần nghiên cứu có những chính sách ưu đãi căn cơ hơn nữa về thuế thu nhập, tiền sử dụng đất thay cho những chính sách hỗ trợ mang tính tạm thời, chưa đủ độ, tạo đà phục hồi cho doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam). (Ảnh: Quốc hội).

Thực tế doanh nghiệp khó khăn cũng được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại phiên họp hồi giữa tháng 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Dũng cho hay nhiều doanh nghiệp lớn phải bán rẻ tài sản, những gì bán được đã bán với giá bằng nửa giá trị thực và điều này là rất đáng lo ngại.

Giải trình một số vấn đề trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo có biện pháp thực thi chính sách phát triển mạnh hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn để hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người lao động để giúp hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau khi Quốc hội có Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP về miễn giảm thuế, theo đó đã có nhiều có nhiều chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường 50%. Bên cạnh các chính sách miễn giảm thuế, Chính phủ còn thiết kế các chính sách kích cầu, đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, hệ thống đường cao tốc thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế. 

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm,  có gần 33.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động cũng giảm 7,4% so với cùng kỳ; 55.200 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,3%; 25.500 doanh nghiệp chờ giải thể, tăng 34,1%; 7.300 doanh nghiệp hoàn tất giải thể. 

Bình quân một tháng có 17.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Các doanh nghiệp này chủ yếu thuộc nhóm kinh doanh bất động sản, vận tải kho bãi, công nghiệp chế biến chế tạo.   

Anh Đào