|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

‘Để doanh nhân không phải bay sang Singapore, Mỹ lập doanh nghiệp rồi về Việt Nam tuyển người’

11:24 | 03/12/2024
Chia sẻ
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI nói chỉ khi chúng ta có đủ khung pháp lý về tài sản số mới có thể giữ chân nhân tài công nghệ ở lại Việt Nam.

“Tôi muốn mượn diễn đàn này để kiến nghị các cơ quan hữu quan có khung pháp lý cho tài sản số. Chúng ta cần khung pháp lý để tất cả những người đầu tư hay những người làm ra sản phẩm công nghệ được yên tâm làm việc và phát triển.

Để doanh nhân của chúng ta không phải bay sang Singapore hay Mỹ lập doanh nghiệp rồi lại về Việt Nam tuyển người và sản xuất tại chính Việt Nam nhưng doanh nghiệp lại không phải Việt Nam”, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI, chia sẻ tại sự kiện Vietnam Tech Impact Summit 2024 sáng 3/12.

Ông Nguyễn Duy Hưng. (Ảnh: SSI cung cấp).

Theo ông Hưng, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tài sản số. Các tổ chức giao dịch cũng thừa nhận thị trường Việt Nam có mức độ giao dịch tài sản số thuộc top 4 thế giới. Do đó, đây không còn là những giải pháp công nghệ hay câu chuyện ý tưởng mà đã hiện diện trong cuộc sống của từng gia đình, xã hội.

Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có khung pháp lý cho tất cả những điều đó, người đứng đầu SSI nêu quan điểm. 

“Chúng ta chưa có khung pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm để phát triển. Đồng thời tránh các thế lực xấu lừa đảo trên không gian mạng. Nếu như những tài sản hữu hình có biên giới, hải quan để ngăn chặn. Nhưng tài sản số không có biên giới. Người ta có thể mang ra bất cứ nước nào nếu chúng ta không có cơ sở pháp lý để giữ, phát triển và tồn tại”, ông Hưng nhấn mạnh.

Theo ông Hưng, Việt Nam cần khung pháp lý cho tài sản ảo để những người đang đầu tư, phát triển công nghệ được pháp luật thừa nhận và công khai đóng thuế. Chỉ khi được công khai đóng thuế, những tài sản đó mới là tài sản sạch và được bảo vệ.

Chủ doanh nghiệp nhấn mạnh rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong lĩnh vực này. “Chúng tôi (FPT, SSI) muốn bỏ tiền rất nhiều để hỗ trợ cộng đồng nhưng không biết làm thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển”, ông Hưng nói.

Ông cũng kể về vấn đề hợp tác quốc tế, khi chưa có khung pháp lý cho tài sản số, các nhà đầu tư nước ngoài không hiểu được rằng người ta có thể đóng góp được gì, kiếm lợi gì từ thị trường này.

“Ngày hôm nay nếu không có người đốt lửa thì không có đám cháy. Nếu tài sản số chúng ta bỏ lỡ thì không biết khi nào chúng ta mới có cơ hội để phát triển. Chúng ta không có nhiều lựa chọn, hoặc tiếp tục để cho tự phát, để con em chúng ta ra nước ngoài làm như hiện nay hoặc quản lý, giữ về mình, thu thuế, để con em chúng ta có đất để phát triển trên đất nước này”, vị chủ tịch chia sẻ.

Đồng quan điểm với ông Hưng, cũng tại sự kiện, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT, nói thời điểm này rất cần chính sách để phát triển công nghệ số. Ông Bình dẫn lại ý của Tổng bí thư Tô Lâm rằng cơ chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, nếu chúng ta không gỡ điểm nghẽn thì không có tương lai.

 Ông Trương Gia Bình. (Ảnh: SSI cung cấp).

Ông Bình cho biết chưa bao giờ thế giới trở nên khó đoán định và bất ổn như hiện tại. Trong bối cảnh đó, “Việt Nam là bến đỗ an toàn nhất trong cơn bão địa chính trị” - trích dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính.

“Việt Nam đã mở rộng ngoại giao, kết nối giao thương với nhiều nước trên thế giới. Cơ hội mở ra với các bạn quan trọng các bạn có nắm lấy cơ hội đấy hay không”, ông Bình nói.

Cơ hội ở đây theo Chủ tịch FPT là dữ liệu. AI, Fintech, Blockchain,… tất cả đều xung quanh dữ liệu. Dữ liệu trở thành nguyên liệu quan trọng nhất thế giới. Trật tự thế giới mới được thiết lập khi các quốc gia nào kiểm soát được dữ liệu tốt hơn.

Do đó, theo ông Bình, Việt Nam cần chính sách để hỗ trợ thúc đẩy công nghệ số, dữ liệu phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn.

Đức Huy