|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Pháp luật phá sản (Bankruptcy law) là gì? Vai trò của pháp luật phá sản

13:10 | 11/09/2019
Chia sẻ
Pháp luật phá sản (tiếng Anh: Bankruptcy law) là tổng hợp các qui phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
atl-bankruptcy-law-jumbo

HÌnh minh họa (Nguồn: abovethelaw.com)

Pháp luật phá sản (Bankruptcy law)

Khái niệm

Pháp luật phá sản trong tiếng Anh là Bankruptcy law.

Pháp luật phá sản là tổng hợp các qui phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phạm vi điều chỉnh của pháp luật phá sản

Phạm vi của pháp luật phá sản ở Việt Nam hiện nay áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và điều chỉnh chủ yếu hai nhóm quan hệ xã hội sau:

- Nhóm quan hệ xã hội phát sinh giữa các chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đây là nhóm quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng nhất, có vai trò quyết định trong quá trình mở thủ tục cũng như giải quyết tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong hoạt động kinh doanh, pháp luật luôn đề cao quyền định đoạt của đương sự, do vậy trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ nợ có vai trò quyết định việc tiếp tục duy trì hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Nhóm quan hệ xã hội phát sinh giữa cơ quan tố tụng với các đương sự trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đây là nhóm quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong nhóm quan hệ xã hội này, nhà nước thông qua cơ quan tố tụng của nhà nước đó là Tòa án nhân dân với một bên đương sự là các chủ nợ, con nợ và các chủ thể khác có liên quan như: đại diện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước, cổ đông trong công ty cổ phần, thành viên hợp danh trong công ty hợp danh,...

Vai trò của pháp luật phá sản

Pháp luật phá sản có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội nói chung và các chủ thể nói riêng, điều này được thể hiện ở những nội dung sau:

- Pháp luật phá sản bảo vệ lợi ích chính đáng của các chủ nợ, là cơ sở pháp lí để các chủ nợ thực hiện việc đòi nợ một cách hợp pháp

Khi doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, chủ nợ là những người đầu tiên có nguy cơ không đòi được các khoản nợ. Do vậy, pháp luật phá sản đã đặt yêu cầu bảo vệ lợi ích của các chủ nợ. 

Pháp luật phá sản qui định các chủ nợ có quyền chủ động yêu cầu mở thủ tục phá sản, đồng thời cho phép các chủ nợ được bảo vệ tối đa lợi ích của mình như: kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình, khiếu nại các quyết định của Tòa án,... nhằm mục đích thu hồi các khoản nợ của các chủ nợ.

Pháp luật phá sản bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp, hợp tác xã mắc nợ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã lâm tình trạng phá sản phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc rút khỏi thương trường một cách hợp pháp.

- Pháp luật phá sản bảo vệ quyền và lợi ích cho doanh nghiệp, hợp tác xã mắc nợ thông qua các qui định như: ấn định thời gian ngừng trả nợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã thương lượng với các chủ nợ để được xóa nợ, mua nợ, giảm nợ… 

Đồng thời qui định cơ chế, biện pháp để doanh nghiệp, hợp tác xã khôi phục lại hoạt động kinh doanh, thanh lí tài sản nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc rút khỏi thị trường.

- Pháp luật phá sản bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người lao động

Bằng các qui định cụ thể, pháp luật phá sản xác định rõ cơ sở pháp lí để người lao động bảo vệ lợi ích của mình thông qua việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, tham gia hội nghị chủ nợ, qui định thứ tự ưu tiên phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã.

-  Pháp luật phá sản góp phần tạo động lực cạnh tranh, cơ cấu lại nền kinh tế

Khi doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, pháp luật phá sản qui định thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Phục hồi kinh doanh được coi là biện pháp thiết thực và hiệu quả nhằm giúp doanh nghiệp, hợp tác xã thoát khỏi tình trạng phá sản, góp phần tạo dựng một nền kinh tế ổn định.

Khi việc tổ chức lại hoạt động kinh doanh không khả thi thì thủ tục thanh lí doanh nghiệp, hợp tác xã và đi đến chấm dứt hoạt động kinh doanh là kết quả tất yếu. Như vậy, thủ tục thanh lí nhằm loại bỏ những doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh kém hiệu quả góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, thông qua đó góp phần cơ cấu lại nền kinh tế.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Pháp luật kinh tế, NXB Tài chính)

T.H