|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

PacWest bị rút mạnh tiền gửi trong một tuần, cổ phiếu ngân hàng khu vực Mỹ lại đỏ lửa

21:20 | 11/05/2023
Chia sẻ
Sau hai thông báo của PacWest về tiền gửi và tài sản thế chấp tại Fed, cổ phiếu của nhà băng này đã lao dốc hơn 20% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa. Cổ phiếu các ngân hàng khu vực khác cũng đi xuống.

Một chi nhánh của ngân hàng PacWest. (Ảnh: Reuters).

Hôm 11/5, PacWest cho biết lượng tiền gửi của ngân hàng đã sụt giảm vào tuần trước. Cũng theo PacWest, họ đã thế chấp nhiều tài sản khác cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tăng khả năng vay nợ từ ngân hàng trung ương.

Hai thông trên đã khiến cổ phiếu của ngân hàng có trụ sở tại California giảm hơn 20% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa, theo ghi nhận của Reuters. Cổ phiếu các nhà băng khu vực khác cũng đi xuống, trong đó Western Alliance và Zions Bancorp giảm từ 2,4% đến 8%.

Cụ thể, trong tuần kết thúc vào ngày 5/5, tiền gửi của PacWest đã sụt khoảng 9,5%. Phần lớn khách hàng rút tiền gửi trong hai ngày 4 và 5/5, sau khi truyền thông đưa tin PacWest đang cân nhắc các lựa chọn chiến lược.

PacWest cho biết ngân hàng hiện có khoảng 15 tỷ USD thanh khoản có sẵn ngay lập tức và họ nhấn mạnh con số này là quá đủ để trang trải 5,2 tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm.

Ông Rick Meckler, đối tác tại hãng tư vấn Cherry Lane Investments, nhận định: “15 tỷ USD thanh khoản mà PacWest vừa tiết lộ không hẳn là thông tin tiêu cực. [PacWest tiết lộ] là bởi họ đang phải cố gắng trấn an thị trường”.

“Các nhà đầu tư đã thấy trong thời gian qua rằng các ngân hàng phải liên tục đưa ra tuyên bố để củng cố niềm tin của khách hàng. Trong mắt nhà đầu tư, động thái đó cho thấy họ có vấn đề mới buộc phải làm vậy”, ông Meckler nói thêm.

Mặt khác, PacWest đã thế chấp thêm 5,1 tỷ USD tài sản tại Fed vào ngày 10/5. Theo nhà băng này, họ có thể sẽ được vay thêm khoảng 3,9 tỷ USD.

“Chúng tôi đã thế chấp tài sản bổ sung tại Fed để vay thêm tiền và gia tăng thanh khoản, phòng ngừa trường hợp khách hàng rút tiền gửi ồ ạt”, PacWest cho biết trong một hồ sơ gửi cơ quan quản lý.

 

Nỗi lo về sự ổn định của các nhà băng khu vực đã trở nên đáng ngại hơn trong vài ngày qua, khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của cả các ngân hàng khoẻ mạnh, bất chấp lời trấn an từ các cơ quan quản lý rằng hệ thống ngân hàng vẫn vững mạnh.

Từ đầu tháng 5 đến nay, cổ phiếu PacWest đã lao dốc gần 40% giá trị. Cổ phiếu của nhà băng này từng xuống mức thấp kỷ lục vào tuần trước, sau khi họ cho biết mình đang cân nhắc việc bán tài sản chiến lược. Reuters dẫn lời PacWest cho biết họ dự định sẽ hoàn tất quá trình bán tài sản vào quý II năm nay.

Tại thời điểm cuối quý I, PacWest có khoảng 341,7 triệu USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền. Con số này được cho là đủ để đáp ứng các nhu cầu về dòng tiền trong 12 tháng tới.

Các giám đốc cấp cao trên Phố Wall cùng nhiều nhà phân tích đã thúc giục các cơ quan quản lý tăng cường bảo đảm cho các khoản tiền gửi ngân hàng và cân nhắc các biện pháp hỗ trợ khác.

Giới chuyên gia lập luận rằng chỉ có một sự can thiệp mạnh mẽ mới có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng. Kể từ đầu tháng 3, ba ngân hàng khu vực đã sụp đổ, bao gồm Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank.

Công ty phân tích ORTEX cho biết tỷ lệ bán khống cổ phiếu PacWest đã giảm nhẹ trong 7 ngày qua, nhưng vẫn ở mức rất cao là 21,08%.

Trao đổi với Wall Street Journal, một số nhà phân tích cho biết đà suy giảm của cổ phiếu PacWest và các nhà băng khác cho thấy thị trường đang có xu hướng tiếp nhận thông tin theo hướng tốt hay xấu, chứ không thực sự lo lắng về PacWest.

So với quy mô của các ngân hàng sụp đổ thời gian qua thì PacWest nhỏ hơn. PacWest đang điều hành khoảng 70 chi nhánh, chủ yếu ở California.

Dữ liệu từ Fed cho thấy, tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, PacWest là ngân hàng lớn thứ 53 của Mỹ theo tổng tài sản. Western Alliance xếp thứ 40. Silicon Valley Bank và First Republic nằm trong top 20.

Khả Nhân