JPMorgan '5 lần 7 lượt' đóng vai vị cứu tinh nhưng cũng có thể là rủi ro lớn nhất của ngành ngân hàng Mỹ
Vị cứu tinh của ngành ngân hàng
JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, đang ngày càng lớn mạnh hơn. Và khi quy mô của JPMorgan ngày càng phình to, rủi ro tiềm tàng mà họ có thể gây ra cho hệ thống tài chính quốc gia cũng tăng theo.
Đầu tuần này, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) thông báo JPMorgan đã mua hầu hết tài sản của First Republic Bank sau khi nhà băng khu vực này sụp đổ do cổ phiếu lao dốc và báo cáo tài chính tiết lộ khách hàng đã rút hơn 100 tỷ USD tiền gửi trong quý I.
Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng việc JPMorgan tiếp tục can thiệp thị trường trong thời kỳ khủng hoảng sẽ gây ra những tác động to lớn đối với lĩnh vực ngân hàng, hệ thống tài chính và hệ thống quy định của Mỹ.
Chưa kể, JPMorgan còn là một trong 30 ngân hàng quan trọng với hệ thống tài chính toàn cầu do Ủy ban Ổn định Tài chính công bố hàng năm, bên cạnh các cái tên như Bank of America, Morgan Stanley, Goldman Sachs, UBS,... Do đó, ảnh hưởng của JPMorgan đến hệ thống tài chính toàn cũng rất lớn.
Tính đến cuối quý I, JPMorgan đang nắm giữ khối tài sản hơn 3.670 tỷ USD. Trong mắt công chúng, với quy mô khổng lồ như vậy, JPMorgan là một đầu tàu kinh tế và là một định chế tài chính “quá lớn để có thể sụp đổ”.
JPMorgan nổi tiếng là phương án đầu tiên mà giới chức trách nghĩ đến trong các cuộc khủng hoảng vì ngân hàng này thường xuyên ra tay can thiệp khi bất ổn xảy ra, theo CNN.
Khi Bear Stearns sụp đổ vào năm 2008, JPMorgan đã mua lại nó. Khoảng 6 tháng sau, khi Washington Mutual sụp đổ, nhà băng do CEO Jamie Dimon dẫn dắt đã mua lại tài sản của ngân hàng có trụ sở tại Seatle.
“....giờ đây, bất kỳ quyết định chiến lược nào mà JPMorgan đưa ra để phát triển hoạt động kinh doanh của chính mình về cơ bản đều sẽ định hình hướng đi của toàn bộ lĩnh vực ngân hàng và tài chính Mỹ”, giáo sư luật Saule Omarova tại Đại học Cornell đánh giá.
Một “món quà từ Chúa”
Mặc dù quy mô tiền gửi của First Republic khá khiêm tốn so với của JPMorgan, thương vụ mua lại nhà băng vừa sụp đổ vẫn mang lại lợi ích đáng kể cho bảng cân kế toán vốn đã khổng lồ của JPMorgan.
Theo CNN, JPMorgan dự kiến sẽ chi 2 tỷ USD cho quá trình tái cấu trúc First Republic từ giờ cho đến cuối năm tới. Tuy nhiên, đại gia ngân hàng Mỹ có thể có thêm 500 triệu USD lãi ròng mỗi năm từ vụ mua lại, bên cạnh khoản lãi một lần trị giá 2,6 tỷ USD.
Theo thoả thuận, JPMorgan sẽ không tiếp nhận trái phiếu của First Republic. Mặt khác, ngân hàng này sẽ nhận được khoản hỗ trợ 50 tỷ USD từ FDIC. Từ đó, JPMorgan sẽ thanh toán 10,6 tỷ USD cho First Republic.
Đồng thời, liên quan đến khoản tiền 30 tỷ USD mà 11 ngân hàng gửi vào First Republic hồi tháng 3, JPMorgan sẽ hoàn trả 25 tỷ USD cho 10 ngân hàng còn lại và loại bỏ 5 tỷ USD của chính mình.
Ông Dick Bove, chiến lược gia tài chính trưởng tại Odeon Capital Group, nhận xét: “Đây là món quà Chúa ban cho JPMorgan”.
JPMorgan cũng sắp chuyển đổi một số chi nhánh của First Republic trên toàn quốc thành các trung tâm tư quản lý tài sản và kế thừa nhóm khách hàng giàu có của nhà băng vừa mới sụp đổ.
Qua đó, JPMorgan có thể giành thị phần từ các ngân hàng đang gặp khó khăn khác. Và khi thị phần tăng lên, JPMorgan càng trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các nhà băng tại Mỹ.
“Có khả năng một lần nữa, đây là tín hiệu cho thế giới rằng JPMorgan là một pháo đài, là đấng tối cao. Muốn giải quyết vấn đề gì thì một là tìm đến JPMorgan, hai là không ai cả. Điều này thật đáng lo ngại”, giáo sư Omarova bày tỏ.
Làm xói mòn niềm tin
Trong khi JPMorgan trở thành vị cứu tinh trong vụ First Republic, các cơ quan quản lý lại không khiến công chúng ấn tượng bằng. Một số chuyên gia lo ngại việc JPMorgan nhiều lần ra tay giải cứu hệ thống tài chính đang làm xói mòn lòng tin của công chúng vào các cơ quan quản lý.
Ông Bove của Odeon Capital nói FDIC có xu hướng “tìm đến bất cứ nơi nào có tiền và cầu xin sự giúp đỡ". Vị chuyên gia nói: “Nếu bạn đã về phe JPMorgan, Bank of America hoặc Morgan Stanley, bạn có thể ngồi đó và dàn xếp thoả thuận có lợi nhất cho mình”.
Song, ông Nicolas Véron, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết giải pháp thay thế để JPMorgan không can thiệp nữa không hẳn sẽ giúp ích cho lĩnh vực tài chính hoặc nền kinh tế.
Mỹ vẫn có các lựa chọn khác như chính phủ nắm quyền sở ngân hàng vừa sụp đổ hoặc thanh lý toàn bộ tài sản của ngân hàng đó. Song, các phương án này đều chứa đựng rủi ro chính trị và tài chính, có nguy cơ gây ra những mối đe doạ nguy hiểm, tức thời hơn đối với sự ổn định của hệ thống.
Ông Véron nhận định: “Trên thực tế, rất khó để giải quyết một ngân hàng lớn mà không tính đến phương án để một nhà băng khác mua lại hoạt động kinh doanh của ngân hàng đó”.
Mỹ có các chính sách và quy định để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng trước khi chúng thực sự xảy ra. Tuy nhiên, sự sụp đổ gần đây của các nhà băng khu vực và những bước đi sai lầm dẫn đến thất bại của họ cho thấy hệ thống tài chính đang có những lỗ hổng lớn.
“Đây là một vấn đề có hai mặt. Các cơ quan quản lý có thể ban hành hệ thống quy định hợp lý hơn. Song, nếu không tăng cường giám sát một cách hiệu quả, viết ra những luật định tốt hơn sẽ không giúp giải quyết vấn đề”, ông Aaron Klein, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, cho hay.