|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ càng thêm hùng mạnh sau khi mua First Republic Bank

21:24 | 01/05/2023
Chia sẻ
JPMorgan Chase – ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tổng tài sản – vừa tiếp nhận toàn bộ tiền gửi và mua lại phần lớn tài sản của ngân hàng sụp đổ First Republic Bank. Quy mô của JPMorgan Chase nhiều khả năng sẽ trở thành vấn đề gây tranh cãi trên chính trường Mỹ.

Văn phòng First Republic Bank tại San Francisco, ngày 26/4/2023. (Ảnh: AP).

Hôm nay 1/5, ngân hàng First Republic Bank có trụ sở tại thành phố San Francisco, bang California đã bị cơ quan quản lý đóng cửa và chịu sự tiếp quản của Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).

Ngay lập tức, FDIC tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận mua lại với ngân hàng JPMorgan Chase. Theo thỏa thuận này, JPMorgan Chase sẽ tiếp nhận tất cả tiền gửi và gần như toàn bộ tài sản của
First Republic.

Theo FDIC, nhiều tổ chức tài chính đã chào giá cạnh tranh để mua lại First Republic và JPMorgan Chase được chọn nhằm đưa đến phương án tốn ít chi phí nhất cho quỹ tiền gửi liên bang.

Trong ngày thứ Hai (1/5), tất cả 84 chi nhánh của First Republic tại 8 bang sẽ mở cửa theo khung thời gian như bình thường, với tư cách là các chi nhánh của JPMorgan Chase. Tất cả khách hàng gửi tiền của First Republic đều lập tức trở thành khách hàng của JPMorgan Chase, có thể gửi thêm tiền vào hoặc rút toàn bộ tiền ra nếu muốn.

Các khoản tiền gửi vẫn sẽ được FDIC bảo hiểm với hạn mức như cũ, khách hàng của First Republic sẽ tiếp tục thực hiện các giao dịch tại chi nhánh của First Republic. Sau khi JPMorgan Chase hoàn tất việc sáp nhập hệ thống công nghệ và vận hành, khách hàng của First Republic sẽ có thể thực hiện giao dịch tại các văn phòng và chi nhánh của JPMorgan Chase.

Tính đến ngày 13/4 vừa qua, First Republic có tổng tài sản khoảng 229 tỷ USD và tiền gửi trị giá 104 tỷ USD.

Tại ngày cuối quý I/2023, JPMorgan Chase có tổng tài sản khoảng 3.700 tỷ USD, là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Sau khi mua lại phần lớn tài sản của First Republic, quy mô của JPMorgan Chase sẽ càng khổng lồ hơn trước.

Tổng tài sản của JPMorgan Chase gia tăng nhanh chóng nhờ liên tục sáp nhập các ngân hàng khác. 

“Chính phủ mời chúng tôi và các tổ chức khác đứng lên giúp sức, và chúng tôi đã ra tay”, tỷ phú Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO của JPMorgan Chase, nói về việc mua lại First Republic ngày 1/5.

Các chính trị gia Đảng Dân chủ, nhất là những người có tư tưởng tiến bộ, từ lâu đã phản đối việc các ngân hàng trở nên ngày càng khổng lồ, vượt quá ngưỡng “too big to fail” (tức là quy mô lớn tới mức không thể để cho sụp đổ vì ảnh hưởng tới toàn hệ thống).

Do đó, việc JPMorgan Chase thêm lớn mạnh sau khi mua lại First Republic nhiều khả năng sẽ trở thành vấn đề gây tranh cãi trên chính trường Mỹ.

Các thượng nghị sỹ như Bernie Sanders của bang Vermont và Elizabeth Warren của bang Massachusetts là những người muốn chia nhỏ các ngân hàng, không để nhà băng nào có quy mô quá lớn.

Theo thống kê của companiesmarketcap.com dưới đây, JPMorgan Chase hiện cũng là ngân hàng được định giá cao nhất hành tinh với vốn hóa 404 tỷ USD. 

JPMorgan Chase hiện là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thế giới, bỏ xa các đối thủ.

Hơn 200 năm lịch sử

Lịch sử của JPMorgan Chase bắt đầu từ năm 1799 với sự thành lập của The Manhattan Company – công ty chuyên cung cấp nước sạch cho thành phố New York. Trong số các nhà sáng lập của công ty này có hai nhân vật nổi bật là Alexander Hamilton và Aaron Burr.

 Alexander Hamilton là Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của nước Mỹ, giữ chức từ năm 1789 đến 1795. Hình chân dung của Hamilton được in trên tờ tiền 10 USD hiện nay. Còn Aaron Burr là Phó Tổng thống thứ 3 của Mỹ, giữ chức từ 1801 đến 1805.

Vào năm 1804, hai người xảy ra bất đồng và giải quyết với nhau bằng cách đấu súng, kết quả là Burr bắn chết Hamilton. Hiện nay JPMorgan Chase đang sở hữu cả hai khẩu súng mà Hamilton và Burr sử dụng trong cuộc đấu định mệnh năm xưa. 

Không lâu sau khi thành lập, The Manhattan Company mở rộng từ lĩnh vực nước sạch sang ngành ngân hàng và ngày càng phát triển, liên tục sáp nhập thêm các đối thủ.

Năm 1877, Chase National Bank được một doanh nhân nổi tiếng là John Thompson thành lập tại New York. Thompson đặt tên ngân hàng của mình là Chase để tưởng nhớ người bạn thân Salmon P. Chase – Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Abraham Lincoln và là người xây dựng nên hệ thống ngân hàng quốc gia.

Năm 1955, Chase National Bank và the Manhattan Company sáp nhập với nhau và tạo nên Chase Manhattan Bank.

Còn lịch sử của JPMorgan bắt đầu từ giai đoạn 1868 – 1871 khi John Pierpont Morgan và Anthony Drexel cùng nhau thành lập ngân hàng của Drexel, Morgan & Co. Đến năm 1895, ngân hàng này đổi tên thành J.P. Morgan & Co.

Trong những năm cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, John Pierpont Morgan là người có uy tín rất lớn trong ngành tài chính Mỹ, được nhiều người trọng vọng.

Chính John Pierpont Morgan đã tập hợp các lãnh đạo ngân hàng lớn nhất Phố Wall khi đó để cùng bàn bạc và tìm ra giải pháp ngăn cuộc khủng hoảng năm 1907 lan rộng. Lúc này Mỹ chưa có ngân hàng trung ương nên rất cần những người có tầm ảnh hưởng và có khả năng đứng mũi chịu sào như John Pierpont Morgan.

Trong cuộc khủng hoảng ngân hàng 1907, nhất cử nhất động của John Pierpont Morgan, dù nhỏ nhặt đến đâu, đều được công chúng dõi theo. Tờ New York Times số ra ngày thứ Bảy, 26/10/1907 có đoạn tin vắn:

“J. P. Morgan bị cảm lạnh vì dự nhiều cuộc họp vào ban đêm trong mấy ngày qua.

J. Pierpont Morgan bị cảm nhẹ do tiếp xúc với khí lạnh về đêm. Trong tuần qua, ông Morgan đã dự nhiều cuộc họp đêm để giải quyết vấn đề của ngành ngân hàng. Trong quá trình làm việc này, ông đã phải nhiều lần di chuyển bằng ô tô lúc đêm muộn, có khi là cả sáng sớm.

Hệ quả là ông bị nhiễm lạnh khiến sức khỏe bị ảnh hưởng vào ngày hôm qua. Khi rời văn phòng tối muộn hôm qua, ông quàng một chiếc khăn quanh cổ”.

Hiếm có nhân vật nào lại được giới báo chí uy tín quan tâm tới mức đưa tin về việc bị cảm lạnh và đeo khăn quanh cổ như John Pierpont Morgan.

Tháng 3/1913, John Pierpont Morgan qua đời. 9 tháng sau, vào cuối năm 1913, Cục Dự trữ Liên bang – tức ngân hàng trung ương của Mỹ - được chính thức thành lập nhằm kiểm soát hệ thống ngân hàng, xử lý khủng hoảng trong tương lai.

Năm 2000, J.P. Morgan & Co. sáp nhập với Chase Manhattan trong một thương vụ trị giá 31 tỷ USD, được giao dịch bằng cách hoán đổi cổ phiếu. Trước sáp nhập, Chase Manhattan là ngân hàng có quy mô lớn thứ 3 nước Mỹ. Ngân hàng sau sáp nhập có tên là J.P. Morgan Chase & Co. với tổng tài sản khoảng 650 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Citigroup.

Năm 2004, J.P. Morgan Chase thâu tóm Bank One và giữ tên gọi JPMorgan Chase.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, theo yêu cầu của chính phủ Mỹ, JPMorgan Chase mua lại ngân hàng đầu tư lớn thứ 5 nước Mỹ là Bear Stearns vào tháng 3/2008 nhằm hạn chế tác động dây chuyền. Sau đó vào tháng 9/2008, JPMorgan Chase tiếp tục mua lại ngân hàng thương mại Washington Mutual.

Để đạt đến quy mô tài sản khổng lồ 3.700 tỷ USD như ngày hôm nay, JPMorgan Chase là kết quả của hàng trăm năm phát triển với sự sáp nhập của hơn 1.200 định chế tài chính lớn nhỏ. Những ngân hàng được kể ở trên chỉ là một số cái tên nổi bật.

 

Đức Quyền

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'cứu cánh' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, "cứu cánh" cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.