|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

First Republic có thể là ngân hàng tiếp theo của Mỹ sụp đổ

10:49 | 27/04/2023
Chia sẻ
First Republic đã được JPMorgan gia hạn hạn mức tín dụng 70 tỷ USD vào tháng 3 và sau đó nhận được 30 tỷ USD tiền gửi của 11 ngân hàng lớn. Tuy nhiên, nỗ lực chung tay cứu giúp của các đại gia Phố Wall có thể cũng không thể giúp First Republic sống sót.

Bên ngoài một chi nhánh của First Republic. (Ảnh: Getty Images). 

Ngân hàng First Republic đang phải nỗ lực hết sức để tìm đường sống sót. Nhà băng này đã phải trải qua vài tuần cực kỳ tồi tệ. Giờ đây, một số nhà phân tích dự đoán rằng First Republic sắp sụp đổ.

Ông Don Bilson, nhà nghiên cứu cấp cao tại công ty cố vấn Gorden Haskett, viết trong lưu ý ngày 26/4: “Chúng tôi nhận thấy ngày càng rõ rằng First Republic đã tận số. Câu hỏi quan trọng duy nhất lúc này là liệu Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) sẽ hành động trước hay vào cuối tuần”.

Hôm 24/4, First Republic tiết lộ rằng tổng các khoản tiền gửi của họ đã giảm 41% - tương đương giảm hơn 100 tỷ USD – trong quý I. Giá cổ phiếu cắm đầu 49% vào ngày kế tiếp và tiếp tục giảm gần 30% trong phiên 26/4.

 

Trong buổi họp với cổ đông sau khi báo cáo kết quả tài chính, First Republic cho biết họ đang theo đuổi "các lựa chọn chiến lược". Theo cách nói trên Phố Wall, điều này có nghĩa là First Republic đang tìm kiếm một hiệp sĩ trắng, tức là người sẽ mua lại ngân hàng.

First Republic cũng lưu ý rằng họ đang “thực hiện các biện pháp để củng cố hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu bảng cân đối kế toán”.

Ông David Chiaverini, Giám đốc bộ phận nghiên cứu cổ phiếu tại công ty chứng khoán Wedbush Securities, nói với tờ CNN rằng First Republic chỉ còn ba phương án khả thi.

Lựa chọn thứ nhất: Tự chèo lái qua bão giông

First Republic có thể đương đầu với khó khăn “với tư cách là một công ty độc lập”. Điều này đồng nghĩa với việc First Republic sẽ phải chờ đến lúc các chứng khoán và khoản vay của họ đáo hạn.

Ông Chiaverini nhận xét: “Đó sẽ là một chặng đường dài, nhưng First Republic có thanh khoản đủ để tiếp tục hoạt động”.

CEO Michael Roffler của First Republic đã cố gắng trấn an nhà đầu tư và nói rằng ngân hàng có đủ thanh khoản để sống sót. Ông cho biết First Republic có thanh khoản gấp đôi số tiền gửi không được bảo hiểm (không bao gồm 30 tỷ USD đã nhận được từ các ngân hàng lớn).

Lựa chọn thứ hai: Bán tài sản cho các ngân hàng lớn hoặc quỹ đầu tư

First Republic cũng có thể bán bớt một số khoản vay và chứng khoán của họ bằng giá gốc. Đổi lại, người mua sẽ nhận được cổ phiếu ưu đãi.

Ông Chiaverini nhận xét rằng First Republic sẽ khó tìm được người mua theo kịch bản này, bởi có lẽ họ sẽ cố bán những tài sản đó với giá cao hơn giá thị trường. Các trái phiếu đáo hạn vào năm 2046 của First Republic hiện đang được giao dịch ở mức bằng 43% mệnh giá.

Nhưng các ngân hàng lớn đang bị mắc kẹt giữa hai lựa chọn khó khăn. Nếu First Republic sụp đổ, nhiều khả năng FDIC sẽ cố ngăn chặn rủi ro hệ thống bằng cách bảo vệ tất cả người gửi tiền, bao gồm cả những người không được bảo hiểm. Hoạt động này chắc chắn sẽ tốn kém và được tài trợ chủ yếu bởi các ngân hàng lớn, khiến họ tiêu tốn hàng chục tỷ USD.

Trong khi đó thì tháng trước, 11 nhà băng đã gửi 30 tỷ USD vào First Republic để cố giải cứu nhà băng này. Trước đó, vào đầu tháng 3, JPMorgan cũng đã gia hạn hạn mức tín dụng trị giá 70 tỷ USD cho First Republic.

Rốt cuộc, các ngân hàng phải quyết định giữa việc bỏ ra vài tỷ USD lúc này hoặc thêm vài tỷ USD nữa trong tương lai. 

Nhà nghiên cứu Bilson nhận xét: “Không thể loại trừ hoàn toàn khả năng các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cấp cho First Republic một gói giải cứu nữa. Nhưng chúng tôi không tin rằng CEO của JPMorgan, Bank of America và Citgroup sẽ đồng ý chi 5 tỷ USD để mua lại các khoản vay thế chấp mua nhà và trái phiếu Kho bạc với giá cao hơn hẳn giá thị trường”.

Ông Chiaverini nhìn nhận: “Các công ty đầu tư tư nhân có nhiều khả năng tham gia vào giao dịch kiểu đó hơn. Họ sẵn sàng chịu rủi ro, còn các ngân hàng lớn không đầu tư theo kiểu mua cổ phiếu ưu đãi của những nhà băng khác”.

Lựa chọn thứ ba: Bị tiếp quản

Theo ông Chiaverini, nỗi lo lớn nhất của các cổ đông là First Republic sẽ bị tiếp quản bởi một cơ quan chính phủ. Kịch bản này sẽ xóa sổ toàn bộ tiền của các cổ đông First Republic.

Sau khi SVB bị đóng cửa vào ngày 10/3 và Signature Bank vào ngày 12/3, FDIC đã tiếp quản hai ngân hàng này và bán chúng đi với giá chiết khấu cao.

Các khách hàng được tiếp cận toàn bộ tiền gửi của họ, nhưng các cổ đông thì mất sạch. Vào thời điểm đó, Tổng thống Joe Biden đã nói rõ rằng ông không muốn bảo vệ các nhà đầu tư, bởi họ đã quyết định chấp nhận rủi ro nên phải tự chịu trách nhiệm.

Tờ Bloomberg đưa tin rằng FDIC đang cân nhắc hạ xếp hạng tài chính của First Republic. Nếu quyết định này được đưa ra, First Republic sẽ gặp khó tiếp cậnchương trình cho vay qua đêm của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và chương trình cho vay khẩn cấp được áp dụng từ tháng trước (sau khi SVB sụp đổ).

Nhưng ông Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn RSM US, nói với CNN rằng “trong một cuộc khủng hoảng ngân hàng, ngân hàng trung ương là người có quyền chỉ đạo cao nhất”.  

Theo suy nghĩ của ông Brusuelas, nhiều khả năng giới chức Fed đang lo ngại rằng các tài sản đảm bảo của First Republic có thể sẽ không còn đủ chất lượng để đi vay và sẽ sớm gây gáp lực buộc ngân hàng này đóng cửa một cách có trật tự.

Hiện tại, nhà đầu tư có vẻ không mấy lo sợ rằng First Republic sẽ khiến các ngân hàng khác bị vạ lây. Kết phiên 26/4, giá chứng chỉ quỹ của SPDR S&P Regional Banking, quỹ ETF mô phỏng biến động của các ngân hàng khu vực, tăng 0,6%. Giá cổ phiếu Western Alliance Bancorp đi ngang còn PacWest tăng 7,5%.

Giang