|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chăn nuôi thuỷ sản tại Trung Quốc có thể đắt đỏ hơn vì căng thẳng thương mại

07:58 | 01/04/2025
Chia sẻ
Thức ăn cho cá có thể trở thành một trong những nạn nhân ít được chú ý hơn trong cuộc chiến thương mại toàn cầu. Những căng thẳng thương mại gần đây đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài từ các vùng thảo nguyên Bắc Mỹ đến hàng nghìn trang trại nuôi cá của Trung Quốc, theo Bloomberg.

 

Tôm, cua và cá chép – những nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực Trung Hoa – phụ thuộc nhiều vào bã hạt cải dầu (rapeseed meal), phần lớn được chế biến từ những cánh đồng cải vàng bạt ngàn ở Canada, nơi loại cây này được gọi là hạt cải dầu canola.

Tuy nhiên, ngành thương mại trị giá khoảng 780 triệu USD vào năm 2024 này đã trở nên kém hiệu quả về mặt kinh tế sau khi Bắc Kinh áp mức thuế 100% lên mặt hàng này để trả đũa việc Ottawa đánh thuế đối với ô tô điện, thép và nhôm của Trung Quốc.

Trung Quốc có ngành nuôi trồng thủy sản lớn nhất thế giới, sản xuất gần 60 triệu tấn cá và động vật có vỏ vào năm 2024, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Thức ăn cho hoạt động nuôi thuỷ sản đến từ bã hạt cải dầu, sản phẩm phụ thu được sau khi ép dầu từ hạt cải, và Canada hiện là nhà cung cấp lớn nhất của Trung Quốc.

Giá hợp đồng tương lai bã hạt cải dầu tại Trung Quốc đã tăng 3% kể từ khi thuế được áp vào ngày 10/3 – một phản ứng tương đối nhẹ cho đến nay. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể đẩy giá thủy sản tăng cao hơn nữa nếu Bắc Kinh thực hiện các mức thuế đối với chính hạt cải dầu – một mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn hơn nhiều so với bã hạt cải và hiện đang bị điều tra chống bán phá giá.

Điều này buộc các trang trại nuôi cá phải cân nhắc các lựa chọn: sử dụng nhiều hạt cải dầu nội địa hơn – đẩy giá tăng thêm; ép dầu nhiều hơn từ nguồn cải dầu nhập khẩu – và hy vọng rằng nó không bị đánh thuế; tìm kiếm các nhà xuất khẩu thay thế hoặc chuyển sang sử dụng các nguồn protein thay thế như bã đậu nành.

Đậu nành là một loại cây lấy dầu đắt đỏ hơn, thường được dùng làm thức ăn cho gia súc. Bã đậu nành có màu sáng hơn so với bã hạt cải dầu, và theo các chuyên gia trong ngành, một số loài cá có xu hướng ăn nhiều hơn khi được cung cấp khẩu phần thức ăn có màu sẫm hơn từ bã hạt cải dầu, do thói quen hoặc khẩu vị.

Dù vậy, một số nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh công thức, giảm tỷ lệ bã hạt cải dầu và thay thế bằng bã đậu nành, theo ông Meng Zhangyu, nhà phân tích tại Wuchan Zhongda Futures Co.

"Nhưng nếu quan hệ thương mại tiếp tục xấu đi và Trung Quốc áp thuế đối với hạt cải dầu Canada, đó sẽ là đòn giáng chí mạng," ông Meng nhận định. "Rất khó để tìm được nguồn cung thay thế."

Nga hoặc Australia có thể là những lựa chọn thay thế, nhưng không thể bù đắp hoàn toàn nguồn cung từ Canada, ông nói thêm. Nếu hạt cải dầu bị áp thuế, "giá các sản phẩm từ hạt cải dầu sẽ tăng đáng kể."

Theo bà Rosa Wang, nhà phân tích tại Shanghai JC Intelligence Co. Ltd., các biện pháp thương mại mới đối với bã hạt cải dầu của Canada dự kiến sẽ khiến nguồn cung trở nên khan hiếm hơn từ tháng 4. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn có vụ thu hoạch hạt cải dầu trong nước, nhưng loại này không được coi là phù hợp để làm thức ăn chăn nuôi và dù sao cũng không có sẵn với số lượng lớn cho đến tháng 5 hoặc tháng 6.

H.Mĩ

Bất động sản nhà ở vào giai đoạn 'uptrend' 10 năm
Các chuyên gia cho rằng giá bất động sản nói chung và giá nhà ở nói riêng đang bước vào giai đoạn "uptrend" (xu hướng tăng giá) trong 10 năm tiếp theo. Riêng trong năm 2025, giá sản phẩm được mở bán mới có thể tăng trưởng một chữ số. Lưu ý rằng đà tăng này không thể đột biến trong ngắn hạn mà cần trải qua giai đoạn tích lũy.