|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

First Republic bị cơ quan quản lý tiếp quản, trở thành ngân hàng thứ ba của Mỹ sụp đổ kể từ tháng 3

16:18 | 01/05/2023
Chia sẻ
Cơ quan quản lý tài chính California đã nắm quyền kiểm soát First Republic Bank vào ngày 1/5 và trao quyền tiếp quản cho Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang.

Bên ngoài một chi nhánh của First Republic. (Ảnh: Reuters).

First Republic Bank bị cơ quan quản lý tài chính California tiếp quản vào ngày 1/5, sau khi các nhà chức trách không thể thuyết phục các ngân hàng đối thủ mua lại nhà băng có trụ sở tại San Francisco. Như vậy, đây đã là ngân hàng thứ ba của Mỹ sụp đổ kể từ tháng 3 năm nay.

JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tổng tài sản, sẽ mua lại toàn bộ tiền gửi của First Republic, bao gồm các khoản tiền gửi không được bảo hiểm. Ngoài ra, JPMorgan còn mua lại “lượng lớn tài sản” của First Republic, theo một thông cáo báo chí.

Cụ thể, Cục Bảo vệ và Đổi mới Tài chính California cho biết họ đã nắm quyền kiểm soát First Republic và chỉ định Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) làm đơn vị tiếp nhận. FDIC đã chấp nhận mức giá mà JPMorgan đề xuất để mua lại tài sản của First Republic.

“84 chi nhánh của First Republic tại 8 tiểu bang sẽ mở cửa trở lại với tư cách là chi nhánh của JPMorgan Chase Bank, Hiệp hội Quốc gia, vào hôm nay theo giờ làm việc bình thường”, FDIC cho hay trong một tuyên bố.

“Tất cả những người gửi tiền tại First Republic Bank sẽ trở thành khách hàng của JPMorgan Chase Bank, Hiệp hội Quốc gia, và sẽ có toàn quyền tiếp cần tài khoản của họ”, CNBC dẫn một đoạn khác trong tuyên bố.

Ông Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO JPMorgan, cho biết việc tiếp quản sẽ giúp giảm thiểu chi phí cho Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi.

 

Liên kết yếu

Kể từ cú sụp đổ đột ngột của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank hồi tháng 3, các nhà quản lý đã chú ý đến First Republic, coi đây là liên kết yếu nhất trong hệ thống ngân hàng Mỹ.

Tương tự như SVB, First Republic là một nhà băng phục vụ nhóm khách hàng đặc biệt. Trước khi sụp đổ, First Republic chủ yếu tập trung vào những cá nhân giàu có, lôi kéo họ bằng các khoản vay thế chấp nhà ở lãi suất thấp để khuyến khích họ gửi tiền tại nhà băng.

Tuy nhiên, mô hình trên đã lung lay sau khi SVB sụp đổ. Trong báo cáo tài chính quý I/2023, First Republic cho biết các khách hàng đã rút ra hơn 100 tỷ USD tiền gửi trong ba tháng đầu năm.

Các định chế tài chính có tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm cao như SVB và First Republic đã gặp rắc rối khi các khách hàng trở nên hoảng loạn và ồ ạt rút tiền tiết kiệm.

Từ đầu năm 2023 đến hết phiên 28/4, cổ phiếu của First Republic đã mất đến 97% giá trị. Xét theo tổng tài sản trước khi sụp đổ thì First Republic là ngân hàng lớn thứ 14 của Mỹ, còn SVB xếp thứ 16.

 

Việc khách hàng rút mạnh tiền gửi đã buộc First Republic phải vay rất nhiều tiền từ các chương trình cho vay của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để duy trì hoạt động, qua đó gây áp lực lên lợi nhuận của ngân hàng này.

Theo chiến lược gia trưởng Doug Peta của BCA Research, 72% khoản vay từ cửa sổ chiết khẩu của Fed thời gian gần đây đều về First Republic.

Hôm 24/4, tại buổi công bố kết quả kinh doanh, CEO Michael Roffler đã cố gắng chứng minh tình hình tại First Republic đã ổn định trở lại. Ông nói hiện tượng rút tiền gửi đã chững lại trong những tuần gần đây.

Song, cổ phiếu của ngân hàng này vẫn lao dốc sau khi ông Roffler từ chối trả lời câu hỏi của các nhà phân tích và cuộc họp cổ đông kết thúc chóng vánh.

Các cố vấn của First Republic đã hy vọng có thể thuyết phục các nhà băng lớn nhất nước Mỹ giúp đỡ một lần nữa. Tuy nhiên, cuối cùng, các ngân hàng lớn không thể đồng ý về kế hoạch giải cứu và cơ quan quản lý phải hành động, chấm dứt lịch sử 38 năm của First Republic. 

Khả Nhân