Fed đã nâng lãi suất lên 5%, vì sao nhiều ngân hàng Mỹ vẫn trả người gửi tiền dưới 1%?
Ngày 17/4 vừa qua, Apple gây chú ý khi hợp tác cùng ngân hàng Goldman Sachs ra mắt một loại tài khoản tiết kiệm lãi suất cao cho các chủ thẻ tín dụng Apple Card, mức lãi suất ban đầu được công bố là 4,15% mỗi năm.
Trong tương lai, lãi suất có thể thay đổi tùy theo biến động của thị trường, nhưng con số 4,15% được Apple quảng cáo là rất hấp dẫn vì mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trung bình tại Mỹ hiện nay chỉ khoảng 0,37%. Bản thân Goldman Sachs cũng có chương trình tài khoản tiết kiệm lãi suất cao mang tên Marcus, nhưng lãi suất hiện nay (3,9%) vẫn thấp hơn còn số 4,15% đối với chủ thẻ Apple Card.
Theo thống kê của Bankrate, lãi suất 4,15% mà Apple đang mời chào là mức cao thứ 11 trên thị trường. Với danh tiếng của Apple và Goldman Sachs, sản phẩm này sẽ thu hút sự chú ý của không ít khách hàng.
Tuy nhiên, nhiều người gửi tiền cần lưu ý rằng mức lãi suất khoảng 4% vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát. Tháng 3 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất theo thống kê của Bankrate hiện nay là 5,02%, tức là vừa đủ để bù đắp tốc độ tăng của giá cả. Người gửi tiền vào tài khoản lãi suất cao của Apple và Goldman Sachs sẽ chứng kiến sức mua của mình bị bào mòn dần vì không theo kịp với lạm phát.
Các tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm thông thường tại các ngân hàng thương mại khổng lồ còn trả mức lãi suất thấp hơn nhiều so với tài khoản của Apple – Goldman Sachs.
Ví dụ, tài khoản tiết kiệm loại cơ bản của Wells Fargo có lãi suất chỉ 0,15%/năm. Nếu khách hàng cam kết duy trì số dư 3.500 USD trong tài khoản hàng ngày, lãi suất cải thiện thành 0,26%. Nếu số dư đạt từ 1 triệu USD trở lên, lãi suất là 2,5%.
Bank of America – ngân hàng lớn số 2 nước Mỹ - cũng đang chào mức lãi suất chỉ 0,01% - 0,04%. JPMorgan Chase - ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tài sản - đang chào mức lãi suất tiết kiệm 0,01% mỗi năm, kể cả khi số dư trên 500.000 USD. Nếu là khách hàng thân thiết, lãi suất chỉ là 0,02%/năm, bất kể số dư lớn tới đâu. JPMorgan Chase cũng không có chương trình tiết kiệm lãi suất cao như Goldman Sachs.
Tại sao mặt bằng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại Mỹ vẫn lẹt đẹt cho dù Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã nâng lãi suất quỹ liên bang 9 lần liên tiếp trong một năm, từ 0 – 0,25% vào tháng 3/2022 lên 4,75 – 5% vào tháng 3/2023?
Trong một thị trường tự do, giá là do cung và cầu quyết định. Khi nguồn cung nhiều, giá sẽ thấp. Ngược lại, khi nguồn cung khan hiếm, giá sẽ cao.
Lãi suất là giá của tiền. Khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020 và làm cho nền kinh tế tê liệt, Fed đã bơm thêm hàng nghìn tỷ USD để tài trợ cho chương trình cứu trợ kinh tế của chính phủ Mỹ, khiến cung tiền tăng vọt và lãi suất rơi về gần 0.
Năm 2022, Fed bắt đầu chiến dịch thắt chặt tiền tệ, cung tiền và quy mô bảng cân đối kế toán của Fed đã liên tục giảm xuống nhưng hiện vẫn còn cao hơn nhiều so với giai đoạn trước dịch.
Bản thân các ngân hàng – nhất là các nhà băng lớn - hiện cũng không thiếu thanh khoản. Thống kê của Fed cho thấy: Tính đến tháng 2 năm nay, các tổ chức nhận tiền gửi tại Mỹ có tổng cộng hơn 3.000 tỷ USD tiền dự trữ, giảm 28% so với đỉnh vào tháng 9/2021 nhưng vẫn cao hơn 75% so với ngay trước dịch.
Từ ngày 23/3, lãi suất mà Fed trả cho tiền dự trữ của các ngân hàng được nâng từ 4,65% lên 4,9%. Động thái này càng khuyến khích các ngân hàng duy trì thanh khoản tại Fed, có thể rút ra để đáp ứng nhu cầu tài chính bất cứ lúc nào cần.
Ngoài tiền dự trữ, các tổ chức tài chính còn để dành gần 2.300 tỷ USD trong các hợp đồng repo nghịch đảo với Fed.
- TIN LIÊN QUAN
-
Vũ khí bí mật 1.800 tỷ USD của Fed trong các cuộc chiến chống lạm phát, suy thoái 19/05/2022 - 12:37
Hợp đồng mua bán lại (repo) là công cụ để các ngân hàng đi vay tiền từ Fed. Hợp đồng repo nghịch đảo là công cụ để các ngân hàng cho Fed vay tiền. Từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2023, bên cạnh 9 lần nâng lãi suất quỹ liên bang, Fed cũng đã 9 lần nâng lãi suất repo nghịch đảo nhằm thu hút tiền của các ngân hàng, giảm lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế và qua đó hạn chế lạm phát.
Hiện nay, lãi suất repo nghịch đảo đang là 4,8%, cao hơn so với mức lãi suất quỹ liên bang tối thiểu 4,75% mà Fed đặt ra. Tính chung cả tiền dự trữ và tiền trong hợp đồng repo nghịch đảo, các tổ chức tài chính đang có khoảng 5.300 tỷ USD tiền mặt, nên nhu cầu thu hút tiền gửi nhìn chung là không lớn.
Sau các vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank hồi tháng 3, một số tiền gửi đã rời bỏ các ngân hàng nhỏ để chạy sang những ngân hàng lớn và được coi là an toàn hơn như JPMorgan Chase, Bank of America hay Wells Fargo, thậm chí rời bỏ các ngân hàng để sang các quỹ thị trường tiền tệ.
Tuy nhiên, tác động của sự chuyển dịch dòng tiền này vẫn chưa đủ để buộc các ngân hàng nói chung nâng lãi suất tiền gửi lên cao đáng kể.
Lãi suất tiền gửi thấp cũng đang gây những cản trở nhất định tới nỗ lực chống lạm phát của Fed. Lãi suất thấp không khuyến khích các tổ chức và cá nhân gửi tiền tiết kiệm, thay vào đó sẽ quyết định chi tiêu, làm tăng nhu cầu và giá cả.