|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ mới chỉ bắt đầu, nguy cơ thực sự còn ở phía sau

16:51 | 15/04/2023
Chia sẻ
Sau khi Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank sụp đổ, hàng loạt biện pháp hỗ trợ của Fed và chính phủ Mỹ đã phần nào ổn định lại tình hình. Tuy nhiên, nguy cơ đe dọa hệ thống ngân hàng Mỹ - đặc biệt là các ngân hàng nhỏ - vẫn đang hiện hữu trong thị trường bất động sản thương mại.

“Hao hụt” 2.200 tỷ USD tài sản

Nguyên nhân trực tiếp nhất khiến cho các ngân hàng thương mại sụp đổ là khách hàng hoảng loạn và rút tiền hàng loạt. Các ngân hàng thường cho vay phần lớn số tiền gửi nhận từ khách hàng nên không thể có đủ tiền để trả khi tất cả người gửi tiền đều muốn rút ra.

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank là những ví dụ điển hình của việc ngân hàng không chống chịu nổi làn sóng rút tiền ồ ạt.

Nhưng nguyên nhân sâu hơn là gì? Điều gì đã khiến khách hàng lo sợ và đi đến quyết định tháo chạy? Một nhân tố quan trọng là giá trị tài sản.

Trong hai năm đầu đại dịch 2020 – 2021, các ngân hàng nhận tiền gửi với lãi suất bằng 0 rồi mua trái phiếu với lãi suất 1 – 2% và hưởng toàn bộ số lãi này. Từ tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nâng lãi suất để chế ngự lạm phát, giá trái phiếu liền suy giảm.

Đến tháng 3/2023, Fed đã tăng lãi suất trong 9 cuộc họp liên tiếp, giá trị các chứng khoán trên bảng cân đối kế toán các ngân hàng càng suy giảm mạnh.

Một nghiên cứu mới được các chuyên gia tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) công bố vào tháng 3 vừa qua cho thấy tổng giá trị tài sản thực tế của các ngân hàng Mỹ vào quý I/2023 đang thấp hơn khoảng 2.200 tỷ USD so với giá trị trên sổ sách.

Giá trái phiếu và lãi suất biến động ngược chiều: Lãi suất tăng làm cho giá trái phiếu giảm. 

Khi hạch toán đúng theo giá trị thị trường (mark – to – market), tài sản của các ngân hàng giảm đi trung bình 10%. Nhóm 5% ngân hàng yếu kém nhất có giá trị tài sản giảm tới 20% khi định giá theo thị trường. Đa phần sự hao hụt tài sản này không được phòng vệ bằng hợp đồng phái sinh.

Khi Silicon Valley Bank (SVB) bán 24 tỷ USD trái phiếu vào hôm 8/3, ngân hàng này đã phải ghi nhận lỗ 1,8 tỷ USD do giá bán thực tế thấp hơn so với giá ghi nhận trên sổ sách. SVB định phát hành thêm cổ phần để tăng vốn chủ nhưng không thành, đến ngày 10/3 thì sụp đổ.

Nhưng SVB không phải là trường hợp quá đặc biệt, khoảng 10% số ngân hàng trong nghiên cứu của NBER có giá trị tài sản suy giảm mạnh hơn SVB khi hạch toán lại theo giá thị trường.

Dòng tiền rút chạy

Khoản thua lỗ tiềm ẩn 2.200 tỷ USD chưa được hạch toán nói trên đã và đang khiến các chủ nợ của ngân hàng (trong đó có người gửi tiền) thêm lo lắng và muốn rút tiền ra để tìm tới những bến đỗ mới, an toàn hơn.

Một phương án thay thế tự nhiên là mua trái phiếu Kho bạc Mỹ để hưởng lãi suất 4 – 5%, thay vì chỉ chưa đầy 1% như khi gửi vào ngân hàng, mức độ an toàn cũng cao hơn.

Một lựa chọn khác là các quỹ thị trường tiền tệ. Nhờ đầu tư vào các tài sản với kỳ hạn rất ngắn, các quỹ này không gặp phải rủi ro lãi suất nghiêm trọng như ngân hàng, tỷ suất sinh lợi cũng cao hơn rất nhiều.

Làn sóng rút tiền xảy ra trên diện rộng, nhưng tình trạng của các ngân hàng nhỏ có phần nguy ngập hơn so với các ngân hàng lớn.

Thống kê của Fed cho thấy trong hai tháng 2 và 3 năm nay, lượng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại lớn tại Mỹ giảm 181 tỷ USD, tại các ngân hàng nhỏ giảm 154 tỷ USD. Nếu tính theo tỷ lệ tương đối, tiền gửi của các ngân hàng lớn giảm 1,7% trong khi các ngân hàng nhỏ mất 2,7%.

Theo định nghĩa của Fed, ngân hàng thương mại lớn bao gồm 25 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất nước Mỹ, ngân hàng thương mại nhỏ là tất cả số còn lại. 

Phân biệt ngân hàng lớn và nhỏ

Tỷ lệ rút tiền tại các ngân hàng lớn ít hơn so với các ngân hàng nhỏ, thậm chí nhiều khách hàng rút tiền khỏi các ngân hàng khu vực (regional bank) nhỏ để gửi vào các nhà băng khổng lồ như JPMorgan Chase, Wells Fargo hay Bank of America.

Số liệu: Fed. Đồ họa: Song Ngọc.

Nguyên nhân là các ngân hàng lớn được quản lý rất chặt chẽ sau cuộc khủng hoảng 2008 nên các rủi ro thường được phát hiện và xử lý từ sớm. Ngoài ra, các ngân hàng lớn còn được gán cho biệt danh “too big to fail”, tức là có khả năng ảnh hưởng tới an toàn của cả hệ thống. Khi các nhà băng này rơi vào khó khăn, chính phủ sẽ buộc phải ra tay giải cứu để ngăn cả hệ thống tài chính sụp đổ theo.

Các ngân hàng nhỏ không có được sự bảo đảm ngầm của chính phủ nên bị coi là rủi ro hơn.

Ngoài ra, tình hình tài chính của các ngân hàng nhỏ cũng tiềm ẩn nhiều điểm yếu nghiêm trọng.

Tiền mặt, chứng khoán do Kho bạc và tổ chức liên bang phát hành

Tính đến tháng 3 vừa qua, các ngân hàng lớn đang nắm giữ 4.531 tỷ USD tiền mặt và chứng khoán chất lượng cao, tương đương 35% tổng tài sản. Tỷ lệ này của các ngân hàng nhỏ chỉ là 22%. Khi khách hàng đến rút tiền, các ngân hàng có sẵn nhiều tiền mặt hơn để đáp ứng nhu cầu.

Ngoài ra, các trái phiếu do Kho bạc và tổ chức liên bang phát hành còn có thể được dùng làm tài sản thế chấp để vay nóng từ Fed thông qua cửa sổ chiết khấu hoặc Chương trình Cho vay Kỳ hạn Ngân hàng (BTFP) mà Fed mới lập ra sau khi Silicon Valley Bank sụp đổ.

Tỷ lệ chứng khoán/tài sản của các ngân hàng lớn cao hơn so với các ngân hàng nhỏ nên khả năng vay thanh khoản từ Fed cũng lớn hơn.

Tóm lại, các nhà băng nhỏ không có sẵn nhiều tiền mặt, cũng không vay được nhiều từ Fed khi phát sinh nhu cầu thanh khoản cao đột biến.

Chứng khoán Kho bạc là các trái phiếu và tín phiếu do chính phủ Mỹ phát hành. Các cơ quan liên bang khác cũng phát hành chứng khoán nợ bao gồm Hiệp hội Thế chấp Chính phủ (GNMA, Ginnie Mae), Hiệp hội Thế chấp Liên bang (FNMA, Fannie Mae), Tập đoàn Cho vay Thế chấp Mua nhà Liên bang (FHLMC), … 

Dự nợ cho vay

Xét theo tỷ lệ % của tài sản, các ngân hàng lớn nắm giữ nhiều tiền mặt và chứng khoán hơn, còn các ngân hàng nhỏ lại cho vay nhiều hơn.

Cụ thể, thống kê của Fed cho thấy các ngân hàng lớn chỉ cho vay lần lượt 50% tổng tài sản và 61% tiền gửi, trong khi các tỷ lệ của ngân hàng nhỏ lần lượt là 66% và 83%. 

 

Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, các ngân hàng lớn có tỷ lệ cho vay/tiền gửi vượt xa các ngân hàng nhỏ, như biểu đồ bên trên cho thấy. Sau khủng hoảng, các quy định quản lý với những tổ chức được coi là có tầm quan trọng đặc biệt tới toàn hệ thống (too big to fail) được thắt chặt, các ngân hàng lớn cho vay ít đi và các nhà băng nhỏ dần vươn lên dẫn trước.

Xét về tỷ lệ cho vay/tổng tài sản, các ngân hàng nhỏ vượt lên từ thời kỳ bong bóng công nghệ (dot com) năm 1999. 

 

Khi dòng tiền gửi chảy ra, tiền mặt đã cạn và lượng chứng khoán ít ỏi để vay thế chấp ở Fed cũng đã hết, các ngân hàng nhỏ sẽ buộc phải tính đến chuyện bán bớt các khoản vay.

Giá trị của những khoản vay này lại phụ thuộc vào chất lượng thực sự của chúng. Và hiện có nhiều lý do để tin rằng danh mục cho vay của các ngân hàng nhỏ rủi ro hơn nhiều so với các ông lớn trong ngành.

Cho vay bất động sản rủi ro

Bên cạnh việc có tỷ lệ cho vay/tổng tài sản cao hơn, các ngân hàng nhỏ còn tập trung vào cho vay bất động sản nhiều hơn các ngân hàng lớn.

Thống kê từ Fed cho thấy, tính đến tháng 3/2023, khoảng 37% tổng danh mục cho vay của các nhà băng lớn là nằm trong lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ này tại các ngân hàng nhỏ lên tới 65%. 

 

Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 xảy ra khi các ngân hàng cho vay dưới chuẩn trong lĩnh vực bất động sản dân cư, tức là cho các hộ gia đình với điểm tín dụng thấp vay tiền để mua nhà.

Hiện nay, tình hình đã thay đổi khi tín dụng trong trong lĩnh vực BĐS dân cư an toàn hơn nhiều so với trước, người mua nhà có thu nhập cao hơn, phải tự bỏ ra số tiền lớn hơn và tỷ lệ vay trên giá trị căn nhà nhỏ hơn.

Năm 2023, cho vay bất động sản thương mại mới là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. BĐS thương mại bao gồm các loại văn phòng làm việc, mặt bằng làm nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, …. Đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp thua lỗ và đóng cửa, mặt bằng kinh doanh bị bỏ không. Xu hướng làm việc từ nhà lan rộng càng khiến cho BĐS thương mại thêm ế ẩm.

Cuối tháng 3 vừa qua, tỷ phú Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla và là người giàu thứ hai thế giới, coi BĐS thương mại là “vấn đề nghiêm trọng nhất lúc này” của nền kinh tế Mỹ. Các nhà phân tích của Morgan Stanley thì cảnh báo BĐS thương mại Mỹ đang đối mặt với khó khăn “tồi tệ hơn cả khủng hoảng toàn cầu 2008”.

Giá trị cho vay BĐS thương mại tại các ngân hàng lớn chiếm 35% cho vay BĐS nói chung và chiếm 13% tổng dư nợ tín dụng. Các tỷ lệ này tại nhóm ngân hàng nhỏ lên tới 54% và 43%.

Khi thị trường BĐS thương mại lao dốc, các ngân hàng nhỏ sẽ chịu thiệt hại lớn nhất. 

 

Đức Quyền - Song Ngọc