|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Credit Suisse và SVB cùng bị rút tiền hàng loạt, nhưng vì các lý do khác nhau

11:06 | 17/03/2023
Chia sẻ
Sự sụp đổ của SVB xảy đến rất nhanh sau khi ngân hàng này bán tháo hàng chục tỷ USD trái phiếu để đáp ứng nhu cầu thanh khoản. Trong khi đó, Credit Suisse đã chìm trong khó khăn và bê bối suốt nhiều năm qua.

 

Logo ngân hàng Credit Suisse ở trụ sở chính tại thành phố Zurich, Thụy Sỹ. (Ảnh: Reuters).

Trong vòng một tuần giữa tháng 3/2023, ngành ngân hàng toàn cầu liên tiếp đón nhận nhiều tin dữ. Tại Mỹ, ba ngân hàng khu vực (regional bank) là Silvergate, Signature và Silicon Valley Bank sụp đổ. Mới đây tại châu Âu, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ là Credit Suisse cũng lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Hai ngân hàng Credit Suisse và Silicon Valley Bank là những công ty con quan trọng nhất, nắm giữ hầu hết tài sản của các tập đoàn tài chính Credit Suisse Group và SVB Financial Group.

Xét về quy mô tại ngày cuối năm 2022, Credit Suisse Group có tổng tài sản 531 tỷ franc (CHF), tương đương 570 tỷ USD, lớn gấp gần ba lần SVB Financial Group. Các nhân tố dẫn tới sự sụp đổ của hai định chế tài chính này cũng không giống nhau.

Silicon Valley Bank (SVB): Lãi suất liên tục tăng cao và khối trái phiếu khổng lồ

Khách hàng gửi tiền cũng như đi vay của SVB đa phần là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cũng như lãnh đạo của các doanh nghiệp này.

Khi cần vốn, các công ty đến SVB để vay. Khi được các quỹ đầu tư mạo hiểm rót tiền mua cổ phần, doanh nghiệp sẽ mang số tiền mới nhận được đến gửi ở SVB để chi tiêu dần.

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 8 lần liên tiếp trong giai đoạn tháng 3/2022 đến tháng 2/2023, ngành công nghệ rơi vào khó khăn, chỉ số cổ phiếu công nghệ Nasdaq lao dốc, nhà đầu tư hạn chế rót vốn.

Khách hàng của SVB mất đi một nguồn vốn quan trọng nên gửi tiền vào SVB ít dần đi, đồng thời phải tăng cường rút tiền gửi khỏi SVB để chi tiêu.

SVB phải bán bớt các loại tài sản như trái phiếu để có tiền mặt đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, lãi suất tăng cũng làm giá trái phiếu giảm đi.

Ngày 8/3, SVB thông báo đã bán gần như toàn bộ danh mục chứng khoán sẵn sàng để bán (AFS) để thu về 21,45 tỷ USD, đồng thời chịu lỗ 1,8 tỷ USD. Thông tin này đã khiến nhiều người lo lắng. Quỹ đầu tư mạo hiểm Founders Fund đã khuyến nghị tất cả doanh nghiệp mà mình góp vốn hãy rút tiền ra khỏi SVB.

Ngay ngày hôm sau (9/3), khách hàng và nhà đầu tư rút tổng cộng 42 tỷ USD ra khỏi SVB, tương đương 1/5 tổng tài sản tại ngày cuối năm 2022. SVB dự kiến huy động 1,75 tỷ USD thông qua chào bán cổ phần tăng vốn nhưng bất thành. Đến ngày thứ Sáu (10/3), Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản hoạt động của SVB.

SVB có lãi trong 55 quý liên tiếp trước khi sụp đổ, Credit Suisse thua lỗ trong 5/8 năm gần đây.

Credit Suisse: Thập kỷ bết bát

Sự sụp đổ của SVB diễn ra khá chóng vánh trong vài ngày, còn Credit Suisse đã chìm trong bê bối suốt nhiều năm qua. Trong tháng 9 và 10/2022, chi phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ (CDS) của Credit Suisse tăng vọt đã làm dấy lên lo ngại về sự tồn vong của nhà băng lớn thứ hai Thụy Sỹ này. Riêng trong tháng 9, giá cổ phiếu Credit Suisse đã lao dốc hơn 21%. So với cùng kỳ năm trước, giá cổ phiếu tại ngày 30/9/2022 thấp hơn 57%.

CEO Ulrich Körner đã phải gửi thư trấn an tất cả cán bộ quản lý cũng như khách hàng của Credit Suisse. Về sau, tình hình dần cải thiện khi cổ đông của ngân hàng này phê duyệt phương án huy động vốn thông qua chào bán cổ phần. Vào tháng 12, Credit Suisse hoàn tất thương vụ nói trên và thu về 4 tỷ CHF, tương đương 4,3 tỷ USD.

Đến tháng 3/2023, những lo lắng về Credit Suisse lại nổi lên sau khi các ngân hàng Silvergate, Signature và Silicon Valley Bank tại Mỹ sụp đổ. Nhưng nhân tố quan trọng nhất châm ngòi cho cuộc khủng hoảng lòng tin tại Credit Suisse là tuyên bố của ông Al Khudairy, Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Saudi – cổ đông lớn nhất của Credit Suisse.

Ngày 15/3, khi được hỏi Ngân hàng Quốc gia Saudi có xem xét bơm thêm vốn cho Credit Suisse hay không, ông Al Khudairy đã trả lời “tuyệt đối không”.

Ông Khudairy giải thích rằng ngân hàng của ông đang sở hữu 9,9% vốn của Credit Suisse và không thể nâng tỷ lệ nắm giữ lên 10% vì lý do quy định pháp lý. Ông cũng nói thêm rằng Ngân hàng Quốc gia Saudi rất hài lòng với kế hoạch cải cách của Credit Suisse và cho rằng ngân hàng Thụy Sỹ này nhiều khả năng sẽ không cần thêm vốn.

Tuy nhiên, tất cả những gì mà nhà đầu tư nghe được là câu nói “tuyệt đối không” trước đó và nghĩ rằng cổ đông lớn nhất đã quyết định bỏ rơi Credit Suisse.

Nhiều khách hàng và nhà đầu tư đã rút tiền khỏi Credit Suisse, nhưng không phải tập trung vào những ngày gần đây như với trường hợp SVB mà là từ quý IV năm ngoái.

Tiền gửi của Credit Suisse cắm đầu lao dốc trong quý IV/2022 giữa những lo ngại về nguy cơ sụp đổ.

Cuối năm 2022, Credit Suisse báo cáo “tình trạng rút tiền gửi tăng mạnh, nhiều khoản tiền gửi đáo hạn không được gia hạn tiếp, và giá trị rút ròng tài sản trong quý IV lên mức cao hơn nhiều so với quý III”. Tình trạng dòng tiền chảy ra quá mạnh đã khiến cho Credit Suisse không đảm bảo một số chỉ tiêu an toàn vốn theo quy định của cơ quan quản lý.

Báo cáo thường niên 2022 mới được công bố trong tháng 3 này cho thấy Credit Suisse có 233 tỷ CHF tiền gửi khách hàng tại ngày 31/12 năm ngoái, giảm 138 tỷ CHF so với cuối quý III cùng năm.

Tiền gửi sa sút là một trong những nguyên nhân khiến tổng tài sản của Credit Suisse lao dốc 30% trong năm 2022, từ 756 tỷ CHF còn 531 tỷ CHF. 

Tài sản của Credit Suisse cuối năm 2022 bằng chưa đầy một nửa năm 2008. 

Tiền gửi không phải là khoản mục duy nhất đi xuống trên báo cáo tài chính của Credit Suisse. Ngân hàng Thụy Sỹ này đang kỳ vọng sẽ tái cấu trúc toàn diện để tập trung vào mảng quản lý tài sản, nhưng các nhà đầu tư cũng đang mất niềm tin và không còn hào hứng với việc để cho một định chế tài chính thua lỗ quản lý tiền của mình.

Tại ngày cuối năm 2022, giá trị dưới quyền quản lý (AUM) của Credit Suisse là gần 1.294 tỷ CHF, giảm 320 tỷ CHF so với một năm trước đó.

Việc cả tiền gửi và tài sản dưới quyền quản lý đều sa sút đồng nghĩa với việc Credit Suisse sẽ mất đi thu nhập lãi ròng (NII) và các khoản phí quản lý đầu tư.

Cả năm 2022, Credit Suisse báo lỗ 7,3 tỷ CHF, mức cao nhất kể từ khủng hoảng toàn cầu 2008. Trong 8 năm gần đây, Credit Suisse có 5 năm thua lỗ. Một ngân hàng không biết quản trị tài chính của bản thân mình, không thể tự làm mình có lãi thì sao có thể quản lý hiệu quả tiền của giới siêu giàu? Việc nhà đầu tư rút tiền khỏi Credit Suisse là điều dễ hiểu.

Ở một thái cực khác, SVB Financial đã báo lãi 55 quý liên tiếp từ quý II/2009 đến IV/2022 trước khi bị khách hàng và nhà đầu tư rút tiền mạnh đột ngột đầu năm 2023. 

Credit Suisse thua lỗ trong 5/8 năm gần đây nhất.

Một lý do khác khiến công chúng mất lòng tin vào Credit Suisse là ngân hàng này liên tục vướng vào các vụ bê bối khổng lồ và phải nộp phạt tổng cộng hàng tỷ USD. Thực tế này cho thấy thực trạng quản trị nội bộ và kiểm soát rủi ro kém hiệu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngân hàng này.

Năm 2000, Credit Suisse bị Ủy ban Ngân hàng Liên bang Thụy Sỹ trách phạt vì tiếp nhận 214 triệu USD liên quan tới nhà độc tài quân sự Sani Abacha của Nigeria trong thập niên 1990.

Năm 2004, Credit Suisse bị cáo buộc rửa tiền cho cho băng đảng xã hội đen Nhật Bản (yakuza) với quy mô lên tới 5 tỷ USD.

Năm 2009, Mỹ phạt ngân hàng này hơn 500 triệu USD vì vi phạm các lệnh trừng phạt liên quan tới Iran và Sudan.

(Nguồn: Violation Tracker; Minh họa: Song Ngọc).

Năm 2011, Credit Suisse bị phạt 150 triệu USD vì trốn thuế. Năm 2012, Mỹ buộc tội 4 cựu nhân viên của nhà băng này do thổi phồng giá trái phiếu dưới chuẩn trong giai đoạn bong bóng bất động sản 2007 - 2008. Năm 2022, Credit Suisse đã nộp gần 500 triệu USD để dàn xếp vụ việc trên.

Năm 2014, Credit Suisse bị phạt 2,5 tỷ USD vì tội giúp công dân Mỹ trốn thuế, đồng thời trở thành ngân hàng đầu tiên trong hơn 10 năm nhận tội tại Mỹ. Năm 2018, ngân hàng này lại bị phạt 47 triệu USD vì hành vi tham nhũng tại Hong Kong. 

Sang năm 2019, Credit Suisse vướng vào vụ án gián điệp doanh nghiệp và thừa nhận đã thuê các thám tử tư để theo dõi hai lãnh đạo ngân hàng sắp nghỉ việc. Vụ điều tra đã khiến CEO Tidjane Thiam phải từ chức.

Năm 2020, công tố viên Thụy Sỹ cáo buộc Credit Suisse đã rửa tiền ít nhất 146 triệu USD cho một băng nhóm buôn bán ma túy tại Bulgari trong giai đoạn 2004 – 2008. Phiên tòa xét xử bắt đầu vào tháng 2/2022.

Năm 2021, sau vụ sụp đổ của quỹ đầu cơ Archegos, Credit Suisse ghi nhận khoản lỗ 5,5 tỷ USD.

Năm 2022, Chủ tịch António Horta-Osório buộc phải từ chức sau khi bị phát hiện từng hai lần vi phạm quy định cách ly COVID ở Anh và Thụy Sỹ để đi xem bóng đá và tennis tại London.

 

Đức Quyền