|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thụy Sỹ điều tra vụ UBS thâu tóm Credit Suisse, nghi ngờ chính phủ phạm luật

08:39 | 03/04/2023
Chia sẻ
Thỏa thuận sáp nhập chưa từng có tiền lệ trong nền tài chính Thụy Sỹ đã thu hút sự chú ý của các cơ quan công tố.

Biểu tượng của Credit Suisse và UBS tại Thụy Sỹ. (Ảnh: Denis Balibouse/Reuters).

Theo Reuters, cơ quan Công tố Liên bang Thụy Sỹ đã mở một cuộc điều tra về hoạt động thâu tóm Credit Suisse bởi UBS do nhà nước hậu thuẫn. 

Cơ quan công tố có trụ sở tại thủ đô Bern đang xem xét các hành vi có khả năng vi phạm pháp luật hình sự của các quan chức chính phủ, cơ quan quản lý và lãnh đạo ở cả hai ngân hàng. Tháng trước, UBS đã phải thâu tóm Credit Suisse nhằm tránh một cuộc khủng hoảng trong hệ thống tài chính của Thụy Sỹ.

Trong một tuyên bố, cơ quan này cho biết có “nhiều khía cạnh của các sự kiện xung quanh Credit Suisse” cần được điều tra và phân tích “để xác định bất kỳ hành vi phạm tội nào thuộc thẩm quyền của [cơ quan công tố]”.

“Văn phòng Tổng chưởng lý muốn chủ động hoàn thành nhiệm vụ, góp phần tạo nên một trung tâm tài chính Thụy Sỹ trong sạch và đã thiết lập một hệ thống giám sát để có thể hành động ngay lập tức đối với bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi trách nhiệm của mình”, thông báo cho biết thêm.

Cơ quan này không tiết lộ những khía cạnh cụ thể nào của thỏa thuận sáp nhập có thể được xem xét hoặc cuộc điều tra sẽ kéo dài bao lâu. Cả UBS và Credit Suisse đều từ chối bình luận.

Khác thường

Ông Mark Pieth, giáo sư danh dự giảng dạy về luật hình sự và tội phạm học của Đại học Basel, cho biết: “Thật ngạc nhiên khi cơ quan công tố đưa ra bình luận”. Nhưng cuộc giải cứu đúng là “quá khác thường đến nỗi họ phải nói gì đó”.

Ông Pieth cho rằng cơ quan công tố có thể đang điều tra hành vi vi phạm điều khoản bảo mật của các quan chức hoặc giao dịch sử dụng thông tin nội bộ (giao dịch nội gián). Ông nói thêm rằng việc xóa sổ một lượng lớn trái phiếu AT1 trong thỏa thuận sáp nhập cũng là một vấn đề.

Vào ngày 19/3, trong thỏa thuận được hậu thuẫn bởi chính phủ Thụy Sỹ, ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý thị trường tài chính (FINMA), UBS đồng ý mua lại đối thủ là Credit Suisse với giá 3 tỷ franc (3,3 tỷ USD). Các nguồn tin của Reuters cho biết UBS đang cố gắng hoàn tất thỏa thuận, sớm nhất là vào cuối tháng 4.

Công chúng và chính trị gia Thụy Sỹ đã bày tỏ quan ngại về mức độ can thiệp của nhà nước cho thương vụ này. Chính phủ và ngân hàng trung ương sẵn sàng bơm gần 260 tỷ USD để hỗ trợ UBS tiếp quản Credit Suisse.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến, một nửa các nhà kinh tế Thụy Sỹ cho rằng để UBS tiếp quản Credit Suisse không phải là giải pháp tốt nhất, đồng thời cảnh báo tình hình đã làm giảm uy tín của Thụy Sỹ với tư cách là một trung tâm tài chính.

Theo một nhà quản lý cấp cao giấu tên của UBS, dự kiến sẽ có khoảng 30% nhân viên bị sa thải sau vụ sáp nhập. Việc UBS thâu tóm Credit Suisse cũng làm dấy lên lo ngại về quy mô của ngân hàng mới được sáp nhập, với tổng tài sản lên tới 1.600 tỷ USD và 120.000 nhân viên toàn cầu.

Ngân hàng sau sáp nhập sẽ nắm thế độc quyền quá lớn tại Thụy Sỹ, nhưng để thương vụ được diễn ra, chính phủ đã miễn áp dụng luật chống độc quyền đối với UBS. Một số quỹ hưu trí và tổ chức tài chính nhỏ đang tỏ ra lo ngại sẽ không thể cạnh tranh nổi với UBS sau khi thâu tóm Credit Suisse.

Ngoài ra, chính phủ Thụy Sỹ còn ra sắc lệnh cho phép ban lãnh đạo UBS và Credit Suisse tự quyết định thương vụ sáp nhập mà không cần lấy ý kiến cổ đông như luật quy định. Động thái này có thể vấp phải sự phản đối của nhà đầu tư.

 

Minh Quang