Thụy Sỹ than phiền Credit Suisse sụp đổ do cuộc khủng hoảng ngân hàng của Mỹ, thực tế có đúng không?
Thụy Sỹ đổ lỗi cho Mỹ
Giá cổ phiếu của Credit Suisse bắt đầu giảm mạnh sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, hai ngân hàng khu vực tại Mỹ.
Song, cú rơi trở nên nghiêm trọng hơn khi nhà băng 167 tuổi của Thụy Sỹ tuyên bố rằng họ đã phát hiện ra “những điểm yếu đáng ngại” trong quy trình báo cáo tài chính của mình.
Xác nhận không bơm thêm vốn từ nhà đầu tư lớn nhất là Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi là đòn đánh cuối cùng giáng xuống Credit Suisse.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB), tức ngân hàng trung ương, buộc phải công bố khoản vay lên tới 50 tỷ CHF (tương đương 54,2 tỷ USD) cho nhà băng lớn thứ hai của nước mình.
Tại thời điểm đó, cổ phiếu của Credit Suisse đã bốc hơi 98% giá trị so với mức cao nhất mọi thời đại xác lập vào tháng 4/2007, theo CNBC.
Sự can thiệp của SNB không thể khôi phục lòng tin của nhà đầu tư và chính phủ Thụy Sỹ đã môi giới để đối thủ UBS mua lại Credit Suisse với giá 3 tỷ CHF vào cuối tuần qua.
“Những diễn biến mới phát sinh từ hệ thống ngân hàng Mỹ đã tác động đến chúng tôi ở thời điểm bất lợi nhất.
Năm ngoái, chúng tôi đã vượt qua được bất ổn trên thị trường, nhưng không có lần thứ hai như vậy”, Chủ tịch Axel Lehmann của Credit Suisse phát biểu tại cuộc họp báo vào tối ngày 19/3.
“Thị trường nhanh chóng mất niềm tin với chúng tôi và sự leo thang trong vài ngày qua cho thấy rõ ràng rằng Credit Suisse không thể tồn tại ở mô hình hiện tại nữa”, ông Lehmann tiếp lời.
“Chúng tôi rất vui vì đã tìm ra giải pháp mà tôi tin rằng sẽ giúp mang lại sự ổn định và an toàn lâu dài cho các khách hàng, nhân viên, thị trường tài chính và cả Thụy Sỹ”, vị chủ tịch bày tỏ.
Ông Thomas Jordan, Chủ tịch SNB, cũng than thở về “cuộc khủng hoảng ngân hàng của Mỹ”. Ông cho rằng vụ việc đã đẩy nhanh “sự mất niềm tin của nhà đầu tư vào Thụy Sỹ”, từ đó ảnh hưởng đến tính thanh khoản của Credit Suisse.
Credit Suisse “tự bắn vào chân mình”
Tuy nhiên, việc giá cổ phiếu sụt giảm và tài sản tháo chạy khỏi Credit Suisse đã xảy ra từ trước khi SVB sụp đổ vào đầu tháng này.
Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sỹ (FINMA) đã hứng chỉ trích vì để tình hình trở nên tồi tệ, bởi Credit Suisse đã chìm trong thua lỗ và bê bối nhiều năm liền trước khi phải bán mình.
Chia sẻ với CNBC, ông Mark Yallop, Chủ tịch Hội đồng Tiêu chuẩn Thị trường Tài chính Anh và là cựu CEO UBS chi nhánh Vương quốc Anh, nhất trí với nhận định chung rằng sự sụp đổ của Credit Suisse là do vấn đề riêng của nhà băng này.
“Thật không may khi các vấn đề của một số ngân hàng nhỏ tại Mỹ trong hai hoặc ba tuần qua xảy ra cùng lúc với rắc rối của Credit Suisse. Song, hai chuyện này hoàn toàn khác nhau và hầu như không liên quan đến nhau”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Yallop, rắc rối của Credit Suisse phát sinh từ vấn đề quản lý ở cấp cao nhất cùng một loạt rủi ro trong quá trình hoạt động cũng như về việc tuân thủ quy định trong nhiều năm qua.
Vị chủ tịch nhấn mạnh rằng quạ tạ cuối cùng đè nặng lên cổ phiếu của Credit Suisse trước khi SNB cấp khoản vay 50 tỷ CHF là tuyên bố từ Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi.
“Người ta không bao giờ biết được khi nào một ngân hàng sẽ sụp đổ, nhưng tại thời điểm khủng hoảng xảy ra, các nhà đầu tư cuối cùng cũng sẽ buông tay và những diễn biến mà chúng ta thấy vào cuối tuần qua rõ ràng là không thể tránh khỏi”, ông Yallop nói thêm.
Hơn nữa, những hành động nhanh chóng từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ đã thành công ngăn chặn tác động từ vụ sụp đổ của SVB lan ra hệ thống tài chính Mỹ.
Điều này đặt ra câu hỏi là có bao nhiêu phần trăm trách nhiệm mà Mỹ phải chịu trong vụ việc của Credit Suisse. Ngược lại, công chúng đã chĩa mũi dùi vào các cơ quan quản lý của Thụy Sỹ.
Ông Steven Glass, Giám đốc cấp cao tại Pella Funds Management, cho rằng giá cổ phiếu của Credit Suisse tụt mạnh là chuyện đã được nhìn thấy từ lâu và khách hàng mất niềm tin vào nhà băng này là do mối liên hệ giữa họ với vụ sụp đổ của Greensill Capital vào năm 2021.
“Vụ Greensill là một vấn đề thực sự lớn, bởi Credit Suisse đã giới thiệu với nhiều khách hàng giàu có rằng quỹ này rất an toàn...Khi Greensill đóng cửa, rất nhiều khách hàng của Credit Suisse đã mất tiền và do đó mất niềm tin vào ngân hàng”, ông Glass lý giải.
Sau sự kiện 11/9 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, một số quy định mới buộc các nhà băng Thụy Sỹ phải tiết lộ thông tin khách hàng, mà bí mật ngân hàng lại là một yếu tố thu hút người giàu đến cất tiền tại quốc gia này.
Vì vậy, các ngân hàng như Credit Suisse phải chấp nhận rủi ro lớn hơn nhằm duy trì lợi nhuận và ngăn chặn các khách hàng giàu có chuyển tiền đến những nơi khác, ông Glass lập luận.
Trong bối cảnh như vậy, việc Credit Suisse đánh mất lòng tin của những vị khách giàu có còn lại sau vụ Greensill và hàng loạt vấn đề khác trong những năm qua đồng nghĩa rằng họ đã “tự bắn vào chân mình”.
“Vụ việc của Credit Suisse xảy ra cùng lúc với sự sụp đổ của SVB và Signature Bank và chúng tôi có thể hiểu tại sao người ta nói đây là một cuộc khủng hoảng ngân hàng trên quy mô lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi tin là chúng ta chỉ có vài ngân hàng gặp rắc rối trong kinh doanh, chứ không phải một cuộc khủng hoảng ngân hàng hiển nhiên”, ông Glass nhấn mạnh.
Bình luận của ông Glass cũng tương tự quan điểm của CEO Octavio Marenzi của Opimas. Ông Marenzi còn nói thêm rằng “danh tiếng được bồi đắp một cách cẩn thận” của Thụy Sỹ trên thị trường tài chính “đã tan thành mây khói”.