|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Moody’s hạ xếp hạng loạt ngân hàng nhỏ của Mỹ, đưa nhiều tên tuổi lớn vào diện quan sát

07:39 | 09/08/2023
Chia sẻ
Vào cuối ngày 8/8, Moody’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm của một loạt ngân hàng vừa và nhỏ của Mỹ, đồng thời đưa một số tên tuổi lớn của Phố Wall vào diện đánh giá tiêu cực.

 

Logo của Moody's Investors Service. (Ảnh: AFP).

Cuối ngày 8/8, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s Investors Service đã hạ xếp hạng của 10 ngân hàng vừa và nhỏ tại Mỹ xuống một bậc.

Đồng thời, Moody's còn đưa một số nhà băng lớn như Bank of New York Mellon, U.S. Bancorp, State Street, Truist Financial, Cullen/Frost Bankers và Northern Trust vào diện xem xét hạ cấp.

Moody’s cũng thay đổi triển vọng thành tiêu cực đối với 11 ngân hàng, trong đó có Capital One, Citizens Financial và Fifth Third Bancorp.

Một số tên tuổi nhỏ bị hạ xếp hạng chính thức có thể kể đến như M&T Bank, Pinnacle Financial, BOK Financial và Webster Financial.

Trong báo cáo đính kèm quyết định hạ xếp hạng, các nhà phân tích Jill Cetina và Ana Arsov của Moody’s viết: “Các ngân hàng Mỹ đang phải tiếp tục đối mặt với rủi ro lãi suất và quản lý tài sản - nợ (ALM)...

...[rủi ro trên] sẽ có tác động đến thanh khoản và vốn của các ngân hàng, khi chính sách tiền tệ lỏng lẻo đi đến hồi kết và hút cạn tiền gửi trên toàn hệ thống cũng như khi lãi suất tăng cao làm giảm giá trị của các tài sản có lãi suất cố định”.

“Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý II của nhiều ngân hàng đã cho thấy áp lực sinh lời ngày càng lớn, có thể hạn chế khả năng tạo nguồn vốn nội tại của họ. Diễn biến này xuất hiện trong bối cảnh Mỹ có thể suy thoái nhẹ vào đầu năm 2024...”, hai vị chuyên gia tiếp tục.

Các nhà băng khu vực của Mỹ đã trở thành tâm điểm chú ý vào đầu năm nay sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank. Vụ việc đã kích hoạt tình trạng rút tiền gửi trong toàn ngành.

Tâm lý hoảng loạn cuối cùng còn lan sang châu Âu và dẫn đến việc gã khổng lồ Thụy Sỹ Credit Suisse bị đối thủ lâu năm là UBS thâu tóm.

 

Mặc dù các nhà chức trách đã nỗ lực để khôi phục niềm tin, Moody’s cảnh báo rằng những nhà băng có khoản lỗ chưa thực hiện lớn mà tỷ lệ vốn pháp lý không thể bao phủ vẫn dễ bị ảnh hưởng đột ngột về mặt thị trường hoặc niềm tin của người tiêu dùng trong môi trường lãi suất cao.

Vào cuối tháng 7, nhằm kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất chuẩn lên mức 5,25 - 5,5%. Đây là đợt tăng thứ 11 kể từ tháng 3 năm ngoái.

“Chúng tôi cho rằng rủi ro ALM của các ngân hàng sẽ trở nên trầm trọng hơn do lãi suất chính sách của Fed đã tăng đáng kể, cũng như do dự trữ của các nhà băng tại Fed và lượng tiền gửi đang liên tục giảm”, Moody’s viết trong báo cáo.

“Fed có thể duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn cho đến khi lạm phát trở lại mức mục tiêu, và như đã lưu ý trước đó, lãi suất dài hạn của Mỹ cũng đang đi lên do nhiều yếu tố, điều này sẽ gây thêm áp lực lên các tài sản có lãi suất cố định của nhiều ngân hàng”, Moody’s cho biết thêm.

Các nhà băng khu vực có rủi ro lớn hơn vì họ có vốn pháp lý tương đối thấp, CNBC dẫn báo cáo của Moody’s cho hay.

Đồng thời, Moody’s còn lưu ý rằng các định chế có tỷ lệ tài sản có lãi suất cố định trên bảng cân đối càng cao thì sẽ càng dễ bị hạn chế về khả năng sinh lời cũng như năng lực tăng vốn và cho vay.

“Rủi ro có thể rõ ràng hơn nếu Mỹ rơi vào suy thoái - một kịch bản mà chúng tôi dự đoán sẽ xảy ra vào đầu năm 2024 - bởi khi đó chất lượng tài sản sẽ xấu đi và làm tăng khả năng xói mòn vốn tại các nhà băng”, hai nhà phân tích cảnh báo.

Khả Nhân

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.