|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dư âm của cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ lộ ra trong BCTC quý II: Rủi ro vẫn ở các nhà băng khu vực

08:28 | 18/07/2023
Chia sẻ
Một số nhà băng lớn nhất nước Mỹ đã báo lợi nhuận khủng trong quý II, nhưng vô tình lại khiến công chúng quên mất những rủi ro còn sót lại từ cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi đầu năm.

Một văn phòng của ngân hàng ủy thác State Street. Cuối tuần trước, sau khi ba đại gia JPMorgan Chase, Wells Fargo và Citigroup báo lãi lớn, cổ phiếu của State Street đã giảm 12%.

Lợi nhuận của một số nhà băng lớn nhất nước Mỹ tăng vọt có thể khiến công chúng quên rằng đã có một cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, ngay sau sân khấu, giới chuyên gia đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo. Sự chú ý có thể đổn dồn vào những lời nhắc nhở đó khi các ngân hàng khu vực bắt đầu báo cáo kết quả tài chính trong tuần này.

Hôm 14/7, hai đại gia JPMorgan Chase và Wells Fargo thông báo thu nhập ròng quý II lần lượt tăng 67% và 57% so với cùng kỳ năm trước. Khó ai có thể coi kết quả này là đáng ngại.

Tuy nhiên, chỉ số chứng khoán đại diện cho các nhà băng tại Mỹ là KBW Nasdaq Bank Index đã sụt hơn 2% trong cùng ngày và cổ phiếu của ngân hàng ủy thác State Street - cũng công bố kết quả kinh doanh vào ngày 14/7 - giảm 12%.

Theo Wall Street Journal, điều mà nhà đầu tư quan tâm trong các báo cáo là những số liệu xoay quanh tiền gửi. Chi phí tiền gửi tăng mạnh tại cả 4 ngân hàng công bố kết quả tài chính quý II vào cuối tuần trước (bao gồm cả Citigroup).

Tính trung bình, lãi suất tiền gửi trong quý II cao hơn khoảng 20% so với quý đầu năm. Nhìn chung, tốc độ này là chậm hơn so với mức tăng từ quý IV năm ngoái sang quý I năm nay.

Tuy nhiên, lãi suất cơ bản do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ấn định không tăng mấy trong quý II. Do vậy, đà đi lên của lãi suất tiền gửi đang nhanh hơn so với mức tăng của lãi suất quỹ liên bang trung bình.

Có vẻ như không ngân hàng nào an toàn trước áp lực. Tại sự kiện công bố kết quả kinh doanh, các nhà phân tích đã hỏi JPMorgan rằng liệu khách hàng có đang yêu cầu lãi suất tiền gửi cao hơn hay không.

Đáp lại, ông Jamie Dimon, CEO JPMorgan, khuyến nghị các nhà băng nên chuẩn bị cho xu hướng trên. “Trong hầu hết mảng kinh doanh của JPMorgan, chúng tôi có rất ít quyền định đoạt [trước khách hàng], beta tiền gửi đang tăng lên”, ông nói.

Beta tiền gửi là một thuật ngữ đo lường mức độ phản ứng của một ngân hàng với những thay đổi trong lãi suất hiện hành. Hệ số này có khả năng sẽ ở mức rất thấp trong vài đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed và sau đó tăng dần.

 

Ông Brian Foran, nhà phân tích tại hãng tư vấn Autonomous Research, cho biết triển vọng của các ngân hàng lớn nhất tại Mỹ “chắc chắn sẽ khiến bạn phải kiềm chế khoảnh khắc vui sướng của mình”.

Ngoài ra, Wall Street Journal còn nhận thấy người dân đang dần tháo chạy khỏi các khoản tiền gửi “vàng”, tức những khoản tiền gửi không chịu lãi (non-interest-bearing deposit).

Ngoại trừ JPMorgan với số liệu bị sai lệch do phải tiếp nhận khách hàng của First Republic Bank, tổng tiền gửi tại các nhà băng báo cáo kết quả kinh doanh vào ngày 14/7 đã giảm 1% so với cuối quý trước.

Tiền gửi không chịu lãi đã giảm hơn 7% tại các ngân hàng trên. Điều này làm tăng chi phí tiền gửi của các ngân hàng, vượt quá mức mà lãi suất tiền gửi trung bình chỉ ra.

Đối với các nhà băng lớn như JPMorgan, Citigroup và Wells Fargo, tình hình có thể không quá đáng lo ngại, bởi họ có nhiều loại hình cho vay để bù đắp cho đà tăng của chi phí tiền gửi, chẳng hạn như thẻ tín dụng với lãi suất thả nổi cao hơn.

Song, nhiều ngân hàng khu vực, hoặc những nhà băng phụ thuộc nhiều vào các khoản tiền gửi thương mại luân chuyển nhanh hơn, lại không có “tuyến phòng thủ” tương tự.

Tại ngân hàng ủy thác State Street, tiền gửi không chịu lãi suất đã giảm hơn 20% vào cuối quý II so với cuối quý đầu tiên. Số tiền gửi tương tự của Wells Fargo chỉ sụt khoảng 7%.

Khi các ngân hàng khu vực như PNC Financial Services, Western Alliance, Citizens Financial, M&T Bank, U.S. Bancorp và Zions Bancorp báo cáo kết quả tài chính quý II vào tuần này, đây sẽ là rủi ro mà nhà đầu tư cần đề phòng.

Khả Nhân

Chính phủ giao NHNN hoàn thiện phương án xử lý đối với Ngân hàng SCB trong tháng 12
Nội dung trên được đề cập tại Nghị quyết số 218 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tháng 12.