|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chính phủ Mỹ sắp phải vay hơn 1.000 tỷ USD, các chuyên gia lo hệ thống ngân hàng sẽ lâm nguy

07:15 | 08/06/2023
Chia sẻ
Bộ Tài chính Mỹ sắp phát hành một lượng lớn tín phiếu Kho bạc để bổ sung tiền mặt sau khoảng thời gian phải ngưng phát hành nợ vì tranh cãi trần nợ công. Nguồn cung lớn sẽ khiến lợi suất đi lên, làm mất sức hấp dẫn của các khoản tiền gửi trong ngân hàng, có nguy cơ khiến tiền gửi bị rút ra ào ạt.

(Hình minh họa: Getty Images). 

Cơn lũ đáng sợ

Cuộc tranh cãi dai dẳng về trần nợ đã khiến chính phủ Mỹ không thể đi vay trong một khoảng thời gian. Tuần trước, lượng tiền mặt trong tài khoản của Bộ Tài chính Mỹ đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017. Do cuộc khủng hoảng này đã được giải quyết, sắp tới Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải tìm cách để có đủ số tiền mặt cần thiết.

JPMorgan ước tính Washington cần phải vay 1.100 tỷ USD thông qua tín phiếu Kho bạc từ nay cho đến hết năm 2023. Ngân hàng này dự đoán chính phủ Mỹ sẽ phát hành ròng 850 tỷ USD tín phiếu Kho bạc trong 4 tháng tới.

Nỗi lo chính của các nhà phân tích là khối lượng tín phiếu chính phủ khổng lồ được tung ra thị trường sẽ kéo lợi suất lên cao, hút tiền gửi của người dân ra khỏi ngân hàng.

Ông Gennadiy Goldberg, chuyên gia của TD Securities, nói với tờ Financial Times: “Mọi người đều biết cơn lũ đang tới và sẽ kéo lợi suất các khoản nợ của chính phủ lên cao hơn. Tín phiếu Kho bạc sẽ rẻ đi, gây áp lực cho các ngân hàng”. 

Vị chuyên gia dự kiến lượng tín phiếu Kho bạc được phát hành trong thời gian tới sẽ có quy mô lớn nhất trong lịch sử, trừ những giai đoạn như khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch năm 2020. 

 *Số liệu hàng tuần, đến ngày 31/5/2023.  

Các nhà phân tích dự đoán số tín phiếu này sẽ có kỳ hạn từ vài ngày đến một năm. Ông Gregory Peters, đồng Giám đốc đầu tư tại PGIM Fixed Income, cho biết lợi suất tín phiếu Kho bạc Mỹ đã bắt đầu đi lên dựa trên kỳ vọng về sự gia tăng nguồn cung. 

Chuyển biến trên gây áp lực lên tiền gửi trong các ngân hàng. Trong năm nay, tiền gửi của nhiều ngân hàng đã đi xuống trong bối cảnh khách hàng tìm kiếm các sản phẩm sinh lãi cao hơn tài khoản tiết kiệm truyền thống. 

Tiền gửi bị rút ra mạnh hơn nữa và sự gia tăng của lợi suất có thể buộc các nhà băng tăng lãi suất, gây ra gánh nặng lớn đối với các ngân hàng nhỏ.

Ông Doug Spratley, trưởng bộ phận quản lý tiền mặt tại T Rowe Price, kết luận rằng việc Bộ Tài chính Mỹ vay nợ trở lại “có thể khuếch đại căng thẳng trong hệ thống ngân hàng”.

Rắc rối từ Fed

Trong quá khứ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là người mua lớn của nợ chính phủ Mỹ. Nhưng lần này, cú sốc nguồn cung tín phiếu Kho bạc diễn ra đúng lúc Fed đang giảm quy mô bảng cân đối kế toán.

Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo Global Management, cảnh báo: “Mỹ có thâm hụt ngân sách lớn. Fed thì đang trong quá trình thắt chặt định lượng. Nếu chúng ta phải đón nhận thêm một cơn lũ tín phiếu Kho bạc mới, nhiều khả năng thị trường nợ chính phủ sẽ rơi vào hỗn loạn trong những tháng tới”.

Sau vụ sụp đổ của vài nhà băng khu vực đầu năm nay, nhiều khách hàng đã chuyển tiền sang các quỹ thị trường tiền tệ chuyên đầu tư vào nợ của doanh nghiệp và chính phủ.

Dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Đầu tư cho thấy tài sản của các quỹ thị trường tiền tệ đã leo lên mức kỷ lục 5.400 tỷ USD vào tháng 5, tương ứng với mức tăng 600 tỷ USD so với đầu năm. 

Các quỹ thị trường tiền tệ thường là người mua lớn của tín phiếu Kho bạc Mỹ, nhưng các nhà phân tích nói rằng rất có thể lần này họ sẽ không hấp thụ hết nguồn cung. 

Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn hai năm được đông đảo nhà đầu tư dùng làm chỉ báo cho lãi suất quỹ liên bang của Fed. 

Các quỹ thị trường tiền tệ đang kiếm được lợi nhuận phi rủi ro từ những khoản tiền gửi để qua đêm tại Fed, với lãi suất tính theo tỷ lệ được chuẩn hóa hàng năm là 5,05%. Trong khi đó lợi suất của các tín phiếu Kho bạc có kỳ hạn tương tự chỉ là 5,2%, không cao hơn là bao nhưng lại rủi ro hơn.

Hiện tại, có khoảng 2.200 tỷ USD được gửi vào chương trình repo nghịch đảo (RRP) của Fed mỗi đêm, phần lớn đến từ các quỹ thị trường tiền tệ.

Giới phân tích cho rằng lượng tiền mặt đó có thể được chuyển vào tín phiếu Kho bạc nếu tín phiếu cung cấp lợi nhuận cao hơn đáng kể so với chương trình của Fed.

Nhưng lãi suất RRP biến động cùng chiều với lãi suất quỹ liên bang. Do đó nếu nhà đầu tư dự kiến Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, nhiều khả năng họ sẽ để tiền mặt qua đêm tại Fed, thay vì mua tín phiếu Kho bạc.

Số liệu việc làm mạnh mẽ được công bố vào tuần trước có lẽ đã khiến càng nhà đầu tư thêm kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất – và điều này sẽ làm giảm nhu cầu dành cho nợ chính phủ ở mức lợi suất hiện tại.

Giang