|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại sao nền kinh tế Mỹ mãi chưa suy thoái như dự đoán?

08:26 | 05/06/2023
Chia sẻ
Hơn một năm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa suy thoái như dự đoán của các chuyên gia.

Hiện tại, doanh nghiệp vẫn đang ráo riết tuyển dụng lao động, người tiêu dùng vẫn chi tiêu thoải mái, thị trường chứng khoán đang trên đà phục hồi và thị trường nhà ở dường như đang ổn định trở lại.

Theo nhận định của Wall Street Journal (WSJ), đây là những bằng chứng gần nhất cho thấy nỗ lực của Fed vẫn chưa làm suy yếu đáng kể nền kinh tế Mỹ.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sẽ hạ nhiệt nền kinh tế và áp lực giá cả theo thời gian, cuối cùng kích hoạt suy thoái vào cuối năm nay. Song, cho đến nay, dữ liệu tiếp tục nóng hơn dự báo.

Đặc biệt, số việc làm tạo mới vẫn tăng, giúp ích cho túi tiền của người dân. Cuối tuần trước, Bộ Lao động cho biết Mỹ đã tạo thêm 339.000 việc làm trong tháng 5 và mức tăng trong hai tháng trước đó cao hơn so với ước tính ban đầu.

Ông Justin Wolfers, giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Michigan, cho hay: “Tôi không nghĩ có bất kỳ khả năng nào là Mỹ đang rơi vào suy thoái”.

Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) là tổ chức chịu trách nhiệm xác định liệu Mỹ có suy thoái hay không. Ông Wolfers cho biết hầu hết các chỉ số của NBER đều có vẻ ổn định.

Công nhân làm việc gần Toà nhà Quốc hội Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Thị trường lao động vẫn phục hồi

Các lĩnh vực tuyển dụng mạnh vào tháng trước bao gồm kinh doanh, chăm sóc sức khoẻ, giải trí và khách sạn,... Đây là những ngành nghề từng chứng kiến tình trạng mất việc làm nghiêm trọng khi đại dịch mới bùng phát.

Công việc tại các cơ quan chính phủ và lĩnh vực giải trí - khách sạn vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch trong bối cảnh tình trạng thiếu lao động vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Trong tháng 4, số cơ hội việc làm tại Mỹ đã tăng lên 10,1 triệu, từ mức 9,7 triệu trong tháng 3 và vượt xa con số 5,7 triệu người thất nghiệp trong cùng tháng.

Tình trạng chênh lệch giữa số cơ hội việc làm và số người đang tìm việc đã tiếp tục thúc đẩy tiền lương tăng lên. Thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 5 vừa qua.

“Tôi từng không nghĩ rằng thị trường lao động sẽ vững vàng như vậy trong thời gian dài”, kinh tế trưởng Carl Tannenbaum của công ty dịch vụ tài chính Northern Trust cho hay.

Thị trường việc làm có thể sẽ tiếp tục bị thắt chặt, chủ yếu là do hàng triệu công nhân gần đến tuổi nghỉ hưu đã rời bỏ lực lượng lao động kể từ khi đại dịch xuất hiện. Tháng trước, tỷ lệ người Mỹ từ 16 tuổi trở lên đang làm việc hoặc tìm việc ổn định ở mức 62,6%.

 

Người tiêu dùng có tiền để chi tiêu

Theo báo cáo tháng 5 của Fed chi nhánh San Francisco, người Mỹ đang có khoảng 500 tỷ USD tiền tiết kiệm vượt mức - số tiền cao hơn dự kiến nếu các xu hướng trước đại dịch vẫn tiếp diễn.

Điều đó cho phép người Mỹ chi tiêu cho các chuyến du lịch mùa hè, vé xem concert bất chấp giả cả tăng cao, đồng thời giúp doanh nghiệp tiếp tục tăng giá bán hàng hoá hoặc dịch vụ.

CEO Bob Jordan của Southwest Airlines gần đây cho biết hãng hàng không này nhận thấy nhu cầu sẽ mạnh lên trong hai đến ba tháng tới. America Airlines đã nâng dự báo doanh thu cho quý II, với lý do nhu cầu mạnh mẽ từ hành khách.

Ông Brett Keller, CEO của trang web du lịch Pricelin, rất ngạc nhiên về nhu cầu đi lại mạnh mẽ của người Mỹ. Theo vị CEO, nhiều người tiêu dùng đang trả thêm tiền để đặt vé máy bay hoặc đặt phòng khách sạn.

 

Gây khó khăn cho Fed

Hoạt động kinh tế và lạm phát không chậm lại nhiều như các quan chức Fed dự đoán. Kể từ tháng 3/2022, Fed đã nâng lãi suất quỹ liên bang từ mức gần 0 lên phạm vi 5 - 5,25%, cao nhất trong 16 năm.

Chi phí đi vay tăng cao thường sẽ tác động sớm nhất đến các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất, chẳng hạn như cổ phiếu và nhà ở.

Kể từ cuối tháng 12/2021 đến tháng 10/2022, chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 25% khi Fed tăng mạnh lãi suất. Kể từ đó, S&P 500 đã đi lên khoảng 20%, mà điều này thường không xảy ra nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Doanh số bán nhà hiện có (existing home) và nhà mới (new home) giảm mạnh vào năm ngoái nhưng đã tăng kể từ tháng 1 năm nay. Tình trạng thiếu nhà ở để bán đã khiến giá nhà tăng cao trong thời gian gần đây.

Các công ty xây dựng đang cảm thấy tự tin hơn khi tình trạng thiếu hụt nhà ở hiện có sẽ kích thích nhu cầu nhà ở xây mới. Tháng trước, lĩnh vực xây dựng đã tạo thêm 25.000 việc làm, tăng so với mức trung bình 12 tháng trước là 17.000.

Những dấu hiệu phục hồi trên cho thấy Fed có thể cần phải tăng lãi suất lên cao hơn nữa để đẩy lạm phát từ con số hiện tại khoảng 5% xuống mức mục tiêu 2%.

 

Tuần trước, giới chức Fed đã báo hiệu sẽ tạm dừng tay tại cuộc họp vào giữa tháng 6. Tuy nhiên, báo cáo việc làm tháng 5 đã củng cố khả năng sau đợt tạm dừng này, Fed có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất vào cuối năm.

“Nếu chúng tôi quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách tại cuộc họp sắp tới, thị trường không nên diễn giải thành Fed đã chạm mức đỉnh của chu kỳ tăng lãi suất hiện tại”, Thống đốc Fed Philip Jefferson bày tỏ.

“Quả thực, bỏ qua đợt tăng vào tháng 6 sẽ cho phép chúng tôi đánh giá thêm dữ liệu trước khi đưa ra quyết định bổ sung”, ông Jefferson lưu ý thêm.

Theo WSJ, có một số dấu hiệu cho thấy lãi suất tăng cao đang dần phát huy tác dụng. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp đã chậm lại trong quý I năm nay, nhiều công ty đã cắt giảm các khoản chi cho thiết bị, máy móc.

Tuần làm việc trung bình đã giảm xuống còn 34,3 giờ vào tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 và có thể phản ánh rằng doanh nghiệp đang giảm giờ làm thay vì sa thải nhân viên.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức 3,4% của tháng 4 lên 3,7% vào tháng 5. Lĩnh vực công nghệ thông tin đã cắt giảm 9.000 việc làm trong tháng 5.

Nhiều chuyên gia và giám đốc điều hành doanh nghiệp cho rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chu kỳ tăng lãi suất của Fed làm suy yếu đáng kể nền kinh tế Mỹ. Các nhà kinh tế được WSJ vào tháng 4 dự đoán xác suất suy thoái trong 12 tháng tới là trên 50%.

Yên Khê