|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sau SVB và First Republic, lại thêm ngân hàng Mỹ bị rút tiền hàng loạt dù có thừa thanh khoản, lỗ tiềm tàng thấp

21:11 | 12/05/2023
Chia sẻ
PacWest không vướng phải những vấn đề nghiêm trọng từ rủi ro lãi suất như những ngân hàng vừa sụp đổ, nhưng khách hàng vẫn tiếp tục rút tiền. Dường như nhà băng khu vực này đang rơi vào một vòng lặp, khi những tin xấu làm tiền gửi tháo chạy và tiền gửi tháo chạy lại tạo thêm tin xấu.

Theo CNBC, cổ phiếu của PacWest lại tiếp tục đi xuống sau khi ngân hàng này công bố lượng tiền gửi đã tiếp tục giảm xuống trong tuần đầu tiên của tháng 5. Cổ phiếu của nhà băng này đã giảm 22,7% trong phiên giao dịch ngày 11/5. Cổ phiếu PacWest đã cắm đầu hơn 50% so với đầu tháng và gần 80% nếu tính từ đầu năm.

 

Trong báo cáo 10-Q vừa công bố, PacWest cho biết tiền gửi đã giảm 9,5% trong tuần đầu tiên của tháng 5. Phần lớn tiền gửi được rút ra sau khi truyền thông đưa tin rằng nhà băng này đang xem xét "các lựa chọn chiến lược".

Trong báo cáo ngày 4/5, PacWest từng tuyên bố không gặp phải “dòng tiền gửi tháo chạy bất thường” và tổng tiền gửi thậm chí đã tăng so với cuối tháng 3. Tuy vậy, chỉ trong một tuần, tình hình tưởng chừng như đã ổn định tại PacWest lại một lần nữa dậy sóng.

Tiền gửi lại tháo chạy

Theo báo cáo 10-Q, vào cuối quý I/2023, PacWest có tổng tài sản 44,3 tỷ USD, cao hơn so với 41,2 tỷ USD hồi quý I/2022. 

Trong báo cáo này, PacWest cho biết việc First Republic bị kiểm soát và bán lại vào đầu tháng 5 “đã làm gia tăng nỗi lo của thị trường và khách hàng về sự sụp đổ của những ngân hàng khác, bao gồm cả PacWest”.

Ngân hàng cho biết giá cổ phiếu lên xuống đã làm tăng "nỗi sợ về sự an toàn của tiền gửi" và đẩy nhanh việc rút tiền. Theo New York Times, PacWest hiện có khoảng 25 tỷ USD tiền gửi, thấp hơn so với 28 tỷ USD vào cuối tháng 3. Ngày 24/4, tiền gửi của ngân hàng này từng tăng lên gần 29 tỷ USD.

Tiền gửi của PacWest từng tăng nhẹ nhưng sau đó lại giảm xuống.

Theo CNBC, một số nhà phân tích Phố Wall đã đưa ra giả thuyết rằng dòng tiền rút ra gần đây là bởi các nhà đầu tư mạo hiểm. 

"Mặc dù tin tức về tiền gửi không phải là điều mà ngân hàng muốn báo cáo, nhưng nếu dòng tiền được rút ra thực sự là từ những người gửi tiền mạo hiểm, chứ không phải tiền gửi cốt lõi, thì đây là tin tốt. Kết quả tài chính là PacWest đang vay nhiều hơn để thay thế các khoản tiền gửi đó", nhà phân tích Jon Arfstrom của RBC Capital Markets nhận định.

Sức khỏe tốt, cổ phiếu vẫn giảm

Ba ngân hàng khu vực Mỹ sụp đổ gần đây đều gặp sai lầm trong việc quản trị rủi ro lãi suất, gây ra các khoản lỗ tiềm tàng. Không giống như SVB hay First Republic, các khoản lỗ chưa thực hiện của PacWest không quá lớn. SVB sụp đổ một phần do ngân hàng này đã tích lũy 117 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ trong thời kỳ lãi suất thấp. 

First Republic cho những khách hàng giàu có vay với lãi suất cố định. Đến khi lãi suất tăng, những khoản vay này cũng bị giảm giá trên giấy tờ. Vào năm ngoái, khoảng 90% khoản cho vay thế chấp của First Republic là lãi suất cố định.

Khoản lỗ chưa thực hiện của PacWest đối với các loại chứng khoán chỉ khoảng 800 triệu USD. Vào cuối năm ngoái, chỉ 40% các khoản cho vay thế chấp và dưới 25% tổng các khoản cho vay của PacWest chịu lãi suất cố định. 

Lỗ chưa thực hiện của PacWest không quá lớn.

Trong quý I/2023, 5,7 tỷ USD hay 16,9% tổng tiền gửi đã chạy khỏi PacWest. Đa phần tiền gửi được rút đi là từ những người gửi tiền không được bảo hiểm bởi Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC). Kết quả là, tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm đã giảm từ 53% vào cuối năm 2022 xuống chỉ còn 27% vào ngày 24/4/2023.

Tính đến ngày 10/5, thanh khoản sẵn có (thanh khoản trên bảng cân đối kế toán và khả năng vay chưa sử dụng tới) của PacWest lên tới 15 tỷ USD, cao gấp gần 3 lần so với lượng tiền gửi không được bảo hiểm là 5,2 tỷ USD.

Như vậy, PacWest khó mà vướng phải vấn đề về thanh khoản như đã từng xảy ra đối với SVB hay Signature Bank hồi giữa tháng 3.

Tính đến quý I/2023, PacWest cũng chưa phải vay quá nhiều từ Fed, FHLB hay các ngân hàng khác. Cuối quý I năm nay, First Republic đã vay nóng hơn 100 tỷ USD với lãi suất cao từ các tổ chức như Fed, FHLB ... Số tiền này chưa tính đến khoản tiền gửi 30 tỷ USD mà 11 ngân hàng lớn nhất Phố Wall gửi vào First Republic - có mức lãi suất như thị trường. Tổng tài sản của First Republic vào thời điểm này là 233 tỷ USD. Tỷ lệ vay nóng trên tổng tài sản là khoảng 43%.

Trong khi đó, PacWest mới chỉ phải vay nóng khoảng 11 tỷ USD, với lãi suất trung bình 5,3%. Tổng tài sản của ngân hàng này là 44 tỷ USD. Tỷ lệ vay nóng trên tổng tài sản là 25%.

Lợi nhuận kém đi

Dòng tiền gửi tháo chạy buộc PacWest phải bù đắp bằng cách huy động thêm. Và khi các ngân hàng lớn trở thành nơi trú ẩn an toàn, những ngân hàng khu vực muốn thu hút thêm tiền gửi buộc phải nâng lãi suất. 

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi (CD) của PacWest hiện nay theo kỳ hạn 13 tháng là 5,05%. Trong khi đó, các ngân hàng lớn như JPMorgan đang huy động tiền gửi với mức lãi suất tối đa là 4%.

 

Khó khăn lớn nhất với PacWest hiện nay có lẽ đến từ kỳ vọng lợi nhuận thấp. Việc tiếp cận các nguồn vay đắt đỏ khiến lãi của nhà băng này giảm mạnh. Biên lãi ròng (NIM) của PacWest vào quý I/2023 chỉ còn 2,89%. Vào năm ngoái, tỷ lệ này là 3,43%.

Các nhà phân tích dự đoán chỉ số này sẽ giảm thêm xuống mức 2,5% trong năm nay, theo dữ liệu của Bloomberg. NIM đi xuống ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận. Hai quý vừa qua, PacWest ghi nhận lợi nhuận trước thuế thấp nhất kể từ quý III/2020. Hai quý tiếp theo được dự báo sẽ còn tồi tệ hơn.

Lợi nhuận của PacWest được kỳ vọng sẽ tiếp tục đi xuống trong hai quý tiếp theo.

Rơi vào vòng lặp

Kỳ vọng lợi nhuận của PacWest có thể tác động tới giá cổ phiếu. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản của nhà băng này vẫn tương đối tốt.

Các quan chức cũng như nhiều nhà đầu tư, doanh nhân đã lên tiếng trấn an về tình hình ngân hàng Mỹ. Chủ tịch kiêm CEO của JPMorgan, ông Jamie Dimon cho biết các ngân hàng khu vực “khá mạnh” và sẽ có kết quả tài chính tốt. 

Bất chấp những lời trấn an và cả những số liệu chứng minh rằng tình hình tài chính tại các ngân hàng khu vực tương đối ổn định, giá cổ phiếu vẫn giảm, và tiền gửi vẫn chảy ra.

Giá cổ phiếu sụt giảm sẽ khiến nhà đầu tư, người gửi tiền lo lắng. Tâm lý lo lắng sẽ khiến khách hàng rút tiền hàng loạt. Và khi tiền bị rút ra, giá cổ phiếu lại giảm và khiến thêm nhiều tiền bị rút ra. Vòng lặp cứ thế tiếp tục, có thể đẩy ngân hàng vào cảnh sụp đổ.

Một ngân hàng sụp đổ có thể khiến cổ phiếu ngân hàng khác cắm đầu theo, và người gửi tiền lại lo lắng. Kết quả là, cả hệ thống ngân hàng rơi vào khủng hoảng, dù trên thực tế, các nhà băng vẫn mạnh mẽ về cả khả năng thanh khoản lẫn thanh toán.

Minh Quang