|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

4 nội dung chính của thương vụ lịch sử UBS - Credit Suisse

12:03 | 20/03/2023
Chia sẻ
Thỏa thuận thâu tóm Credit Suisse của UBS do chính phủ Thụy Sỹ làm trung gian và là một thương vụ mang tính lịch sử, phức tạp và độc đáo. Vụ sáp nhập của hai ngân hàng quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu được thực hiện chỉ trong vài ngày.

Theo Bloomberg, UBS trả 3 tỷ franc (CHF) để mua lại đối thủ lớn nhất của mình, trong khi chính phủ đảm bảo bù đắp tới 9 tỷ CHF các khoản thua lỗ mà UBS phải chịu. Bloomberg đã tổng hợp những điểm chính trong thương vụ lịch sử này:

Điều khoản thương vụ

Cổ đông của Credit Suisse sẽ nhận được cổ phiếu của UBS. Thỏa thuận mua lại định giá Credit Suisse ở mức 3 tỷ franc (CHF), tương đương 3,24 tỷ USD. Ngân hàng này từng có vốn hóa 7,4 tỷ CHF vào ngày 16/3, khoảng 20 tỷ CHF hồi một năm trước và hơn 100 tỷ CHF vào năm 2007.

Khoảng 16 tỷ CHF trái phiếu bổ sung vốn cấp 1 (AT1) sẽ bị xóa sổ, khiến trái chủ - những người thường được ưu tiên chi trả trước cổ đông - phải mất trắng. Nhiều trái chủ tỏ ra bất bình và nhiều khả năng sẽ có kiện cáo.

Chủ tịch UBS Colm Kelleher. (Ảnh: Stefan Wermuth/Bloomberg).

Credit Suisse cho biết thỏa thuận sáp nhập dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Chủ tịch UBS Colm Kelleher cho biết UBS không có lựa chọn rút lui khỏi thương vụ này. Chính phủ Thụy Sỹ đã sử dụng một sắc lệnh khẩn cấp nhằm thông qua thỏa thuận mà không cần sự chấp thuận của cổ đông.

Chủ tịch UBS Colm Kelleher và CEO UBS Ralph Hamers sẽ tiếp tục nắm giữ cương vị của mình sau vụ sáp nhập. Một đại diện của cơ quan quản lý tài chính Thụy Sỹ FINMA cho biết ban lãnh đạo của Credit Suisse sẽ giữ nguyên vị trí cho đến khi hoạt động sáp nhập hoàn thành. Sau đó, tương lai của những lãnh đạo này sẽ phụ thuộc vào UBS.

Ông Kelleher cho biết: "Việc mua lại này rất hấp dẫn với cổ đông của UBS, nhưng chúng tôi khẳng định rằng, đây là một giải pháp khẩn cấp". Ông Kelleher cũng nói rõ rằng UBS rất hào hứng với mảng kinh doanh tư vấn đầu tư của Credit Suisse cũng như hoạt động tại thị trường Thụy Sỹ.

Một thông cáo của UBS cho biết doanh nghiệp sau sáp nhập sẽ quản lý 5.000 tỷ USD tài sản của khách hàng. Chủ tịch Keller khẳng định UBS sẽ quyết tâm giữ lại hoạt động kinh doanh tại Thụy Sỹ của Credit Suisse, bất chấp những lo ngại về sự tập trung vào thị trường nội địa sau thương vụ này.

Mảng ngân hàng đầu tư dự kiến sẽ bị thu hẹp, có khả năng chấp dứt giấc mơ về việc tách CS First Boston ra khỏi Credit Suisse.

"UBS dự định thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh ngân hàng đầu tư của Credit Suisse và điều chỉnh sao cho phù hợp với văn hóa rủi ro của chúng tôi", ông Kelleher tuyên bố.

Hoạt động tại Thụy Sỹ đem lại lợi nhuận tốt, trong khi ngân hàng đầu tư gây thua lỗ lớn.

Cắt giảm việc làm

Chủ tịch Kelleher nói rằng còn quá sớm để biết con số việc làm bị cắt giảm. Tuy nhiên, UBS đưa ra những dấu hiệu cho thấy số người mất việc sẽ rất lớn.

Ngân hàng này tuyên bố có kế hoạch cắt giảm hơn 8 tỷ USD chi phí cơ sở hàng năm trong giai đoạn từ nay đến hết 2027. Con số này tương đương với một nửa chi phí của Credit Suisse vào năm 2022.

Ông Kelleher còn tiết lộ rằng những tháng tới sẽ rất "khó khăn" đối với nhân viên của Credit Suisse và hứa rằng UBS sẽ làm những gì có thể để hạn chế sự không chắc chắn.

Hỗ trợ của chính phủ

Cả hai ngân hàng đều có quyền tiếp cận không hạn chế vào hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB). Chính phủ Thụy Sỹ hứa sẽ hỗ trợ tới 9 tỷ CHF (gần 10 tỷ USD) để bù đắp các khoản lỗ "phát sinh từ một số tài sản mà UBS tiếp quản, nếu bất kỳ khoản lỗ nào trong tương lai vượt quá một ngưỡng nhất định".

Ông Kelleher nói rằng sự bảo đảm của chính phủ là cần thiết vì có rất ít thời gian để thẩm định và Credit Suisse có những tài sản khó định giá trên sổ sách mà UBS định thanh lý. Nếu việc bán tài sản dẫn tới thua lỗ, UBS sẽ phải chịu 5 tỷ CHF đầu tiên. Sau đó chính phủ Thụy Sỹ sẽ chịu 9 tỷ CHF tiếp theo. Những khoản lỗ cao hơn sẽ hoàn toàn do UBS gánh chịu.

Chủ tịch Kelleher mô tả rằng sự đảm bảo từ chính phủ là một "chính sách bảo hiểm".

UBS nhận được gì?

Theo Reuters, Chính phủ Thụy Sỹ, ngân hàng trung ương và FINMA đi đến kết luận rằng cho phép UBS thâu tóm sẽ tốt hơn là để Credit Suisse sụp đổ hoặc quốc hữu hóa ngân hàng này. Nhiệm vụ của Chủ tịch Kelleher sẽ là tránh để những rủi ro lây lan từ Credit Suisse.

3 tỷ CHF mà UBS phải trả để mua lại Credit Suisse thấp hơn 60% so với vốn hóa của ngân hàng ngân hàng này vào ngày 16/3, và bằng một phần nhỏ so với 45 tỷ CHF giá trị sổ sách của nhà băng lớn thứ hai Thụy Sỹ vào cuối năm ngoái. FINMA cũng cho phép UBS xóa sổ trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1), giúp vốn chủ sở hữu của ngân hàng mới tăng thêm 16 tỷ CHF.

 

Nhờ vào một quy định ngoại lệ trong luật cạnh tranh, UBS có thể giữ mảng kinh doanh nội địa của Credit Suisse. UBS sẽ có vị trí thống lĩnh tại Thụy Sỹ và có thể tiết kiệm được khoản chi phí khổng lồ. CEO Ralph Hamers dự kiến UBS có thể cắt giảm khoảng 8 tỷ USD chi phí hàng năm vào 2027. Những khoản tiếp kiệm này sẽ tạo ra giá trị hiện tại ròng khoảng 60 tỷ USD, tương đương với vốn hóa của UBS trước thương vụ thâu tóm.

Tuy nhiên, tình trạng khó khăn của Credit Suisse cũng khiến UBS đối mặt với nhiều rủi ro. Những khách hàng giàu có gửi tiền ở cả hai ngân hàng có thể rút một số tiền ra để phân tán rủi ro. Đồng thời, UBS cũng có thể phải từ bỏ một số khách hàng nhiều rủi ro của Credit Suisse.

UBS sẽ phải nhanh chóng thu hẹp hoạt động ngân hàng đầu tư của Credit Suisse, một nhiệm vụ khó khăn ngay cả trong bối cảnh thị trường ít biến động. Về lâu dài, các nhà chức trách Thụy Sỹ đã đưa rủi ro tài chính của đất nước tập trung vào một gã khổng lồ. Do vậy, giám sát và quy định đối với UBS sẽ trở nên chặt chẽ hơn nữa.

Quyết định xóa sổ 16 tỷ CHF trái phiếu AT1 của Credit Suisse cũng sẽ khiến các nhà đầu tư tại những ngân hàng khác cảnh giác hơn. Chỉ 4 ngày trước, cơ quan quản lý tài chính FINMA tuyên bố Credit Suisse đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu về vốn và thanh khoản.

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Năm 2025, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh, GDP có thể tăng trưởng trên 7%
Dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2025, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng ở kịch bản tích cực, năm 2025 tăng trưởng GDP có thể đạt trên 7% thậm chí tới 7,5% nếu tiêu dùng được cải thiện, đầu tư công được giải ngân mạnh mẽ.