|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed và 5 NHTW khác bơm thêm thanh khoản USD, trấn an thị trường sau thương vụ UBS – Credit Suisse

08:45 | 20/03/2023
Chia sẻ
Hôm 19/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và 5 ngân hàng trung ương (NHTW) khác đã thông báo các hành động phối hợp để thúc đẩy thanh khoản các thỏa thuận hoán đổi USD, giảm căng thẳng trong hệ thống tài chính toàn cầu.

 

Fed sẽ tăng cường cung cấp USD cho các ngân hàng trung ương khác, giúp cải thiện thanh khoản trên thị trường tài chính toàn cầu. (Ảnh: Getty Images).

Theo Bloomberg, các ngân hàng trung ương tham gia vào thỏa thuận thúc đẩy hoán đổi USD bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), NHTW của châu Âu (ECB), Canada, Anh, Nhật Bản, và Thụy Sỹ.

Thông cáo của Fed ngày 19/3 cho biết các NHTW tham gia thỏa thuận sẽ “tăng tần suất hoạt động hoán đổi USD kỳ hạn 7 ngày từ hàng tuần lên hàng ngày”. Các NHTW khác cũng ra thông cáo với nội dung tương tự.

Các NHTW đều cho rằng việc tăng tần suất hoán đổi USD sẽ “cải thiện cung cấp thanh khoản” và coi đây là “một biện pháp bảo đảm thanh khoản quan trọng để giảm những căng thẳng trên thị trường tiền tệ toàn cầu”.

Fed cho biết hoạt động hoán đổi hàng ngày sẽ bắt đầu ngay từ thứ Hai đầu tuần 20/3 và sẽ tiếp tục cho tới ít nhất là cuối tháng 4.

Fed thường cung cấp thanh khoản thông qua hợp đồng hoán đổi USD khi nguồn cung trên thị trường thiếu hụt. Các ngân hàng bên ngoài nước Mỹ thường có nghĩa vụ nợ phải trả bằng USD, trong thời kỳ hệ thống tài chính căng thẳng, việc tiếp cận USD trở nên khó khăn, Fed và NHTW các nước sẽ thúc đẩy thanh khoản để hỗ trợ các ngân hàng thương mại.

Việc tăng tần suất của hoạt động hoán đổi USD diễn ra đúng lúc hệ thống tài chính toàn cầu đang bất an vì ba ngân hàng Mỹ sụp đổ liên tiếp trong một tuần. Hôm 19/3, ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ là UBS đã đồng ý mua ngân hàng lớn thứ hai là Credit Suisse trong một thương vụ do ngân hàng trung ương và chính phủ Thụy Sỹ làm trung gian dàn xếp để tránh sụp đổ hệ thống.

Trong một thông cáo chung ngày 19/3, Fed và Bộ Tài chính Mỹ cũng hoan nghênh việc UBS và Credit Suisse có thể thống nhất được một thỏa thuận sáp nhập. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Fed Jermoe Powell cùng nhấn mạnh rằng tình hình vốn và thanh khoản của các ngân hàng Mỹ đều đang vững mạnh. 

Hợp đồng hoán đổi USD với Fed được các ngân hàng trung ương sử dụng nhiều để đảm bảo thanh khoản trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và khi thị trường tài chính lao dốc vì COVID-19 đầu năm 2020.

Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ (swap lines) là thỏa thuận giữa hai ngân hàng trung ương để đảm bảo hệ thống ngân hàng hai nước có thể dễ dàng tiếp cận tiền tệ của nhau.

Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với 5 ngân hàng trung ương khác của Canada, Anh, châu Âu (ECB), Nhật Bản và Thụy Sỹ. Các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ này được sử dụng rất nhiều trong thời kỳ khủng hoảng hay bất ổn về tài chính nhưng ít khi được đả động đến khi mọi việc đang diễn ra êm đẹp.

Việc các NHTW trực tiếp hoán đổi tiền tệ với nhau sẽ giúp tránh việc phải mua bán trên thị trường ngoại hối quốc tế, không tác động trực tiếp tới cung, cầu và giá cả của thị trường.

Sau khi lấy được ngoại tệ từ NHTW các nước khác, NHTW một nước sẽ phân phối số ngoại tệ đó cho các định chế tài chính của nước mình, đáp ứng nhu cầu thanh khoản. 

Đức Quyền