|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao Thụy Sỹ phải 'vay nóng' hơn 6 tỷ USD từ Fed?

11:17 | 20/10/2022
Chia sẻ
Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) đột nhiên có nhu cầu USD cao bất thường, cho thấy có rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng Thụy Sỹ.

Logo của Credit Suisse tại một chi nhánh ở Bern, Thụy Sỹ, tháng 9/2022. (Ảnh: Reuters). 

Theo số liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) đã rút 3,1 tỷ USD từ thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Fed trong tuần đầu tháng 10. Sang tuần thứ 2 của tháng 10, SNB tiếp tục rút thêm 6,3 tỷ USD với lãi suất 3,33% mỗi năm.

Swap lines là gì?

Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ (swap lines) là thỏa thuận giữa hai ngân hàng trung ương để đảm bảo hệ thống ngân hàng hai nước có thể dễ dàng tiếp cận tiền tệ của nhau.

Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với 5 ngân hàng trung ương khác của Canada, Anh, châu Âu (ECB), Nhật Bản và Thụy Sỹ. Các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ này được sử dụng rất nhiều trong thời kỳ khủng hoảng hay bất ổn về tài chính nhưng ít khi được đả động đến khi mọi việc đang diễn ra êm đẹp.

Việc các NHTW trực tiếp hoán đổi tiền tệ với nhau sẽ giúp tránh việc phải mua bán trên thị trường ngoại hối quốc tế, không tác động trực tiếp tới cung, cầu và giá cả của thị trường.

Sau khi lấy được ngoại tệ từ NHTW các nước khác, NHTW một nước sẽ phân phối số ngoại tệ đó cho các định chế tài chính của nước mình, đáp ứng nhu cầu thanh khoản.

Logo Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) ngày 13/3/2020. (Ảnh: Reuters).

Số tiền mà SNB mới rút trong tháng 10 này có kỳ hạn 7 ngày. Ban đầu, SNB tìm đến Fed để đổi franc Thụy Sỹ lấy 3,1 tỷ USD. Sau một tuần, lẽ ra SNB sẽ trả 3,1 tỷ USD cho Fed nhưng trong thực tế SNB lại muốn rút số tiền còn lớn hơn là 6,3 tỷ USD.

Theo Reuters, hai giao dịch này lớn hơn bất kỳ lần rút USD nào mà ngân hàng trung ương Thụy Sỹ thực hiện với Fed trong mùa xuân 2020 khi COVID-19 mới bùng phát và làm thế giới chao đảo.

Phải chăng tình hình kinh tế thế giới hiện nay còn nguy ngập hơn đầu năm 2020? Fed đã tăng lãi suất 5 lần liên tiếp với nhịp độ nhanh nhất kể từ những năm 1980, hàng chục ngân hàng trung ương khác cũng đang thắt chặt tiền tệ. Lạm phát ở Mỹ, Anh, châu Âu và các nước khác đang ở vùng cao nhất nhiều thập kỷ. Các chuyên gia và tổ chức lớn đua nhau dự báo nền kinh tế sắp suy thoái.

Phải chăng rất nhiều NHTW ở các nước khác cũng đang thiếu USD và đã tìm đến Fed để lấy thanh khoản tương tự như Thụy Sỹ đã làm?

Theo thống kê của Fed chi nhánh New York, ngoài SNB của Thụy Sỹ, chỉ còn một NHTW khác tham gia hoán đổi tiền tệ với Fed trong tuần trước để lấy USD, đó là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Số tiền mà ECB hoán đổi cũng rất khiêm tốn ở mức 211,5 triệu USD.

Như vậy, việc SNB hoán đổi lấy 3,1 tỷ và sau đó là 6,3 tỷ USD từ Fed là động thái bất thường khi so với lịch sử giao dịch của bản thân SNB cũng như khi so với các NHTW khác trong bối cảnh hiện nay. Tại sao ngân hàng trung ương của Thụy Sỹ đột nhiên cần nhiều USD đến vậy?

Rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng Thụy Sỹ

Sau khi nhận USD từ Fed, SNB sẽ phân phối số tiền này cho các ngân hàng trong hệ thống tài chính của Thụy Sỹ. SNB lấy số tiền lớn từ Fed cho thấy có ít nhất một ngân hàng Thụy Sỹ đang gặp khó khăn về thanh khoản và cần cứu trợ.

Một trong những cái tên được nhắc đến nhiều trong những tuần gần đây là Credit Suisse, nhà băng có trụ sở tại Zurich (Thụy Sỹ) nhưng hoạt động ở khắp nơi trên thế giới.

Từ cuối tháng 9, trên thị trường đã xuất hiện nhiều tin đồn về nguy cơ Credit Suisse sắp phá sản. Chi phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ (CDS) đối với Credit Suisse tăng vọt trong ngày 30/9 cho thấy nhà đầu tư đang rất lo lắng về tình hình tài chính của ngân hàng Thụy Sỹ này. Các lãnh đạo của Credit Suisse đã phải dành ra những ngày cuối tuần đầu tháng 10 để gọi điện trấn an các đối tác và khách hàng lớn.

Giá cổ phiếu Credit Suisse lao dốc trong 9 9 tháng đầu năm 2022.

Giá cổ phiếu Credit Suisse đã mất một nửa giá trị so với đầu năm 2022 nhưng CEO Ulrich Körner vẫn khẳng định: “Tình hình vốn, thanh khoản và bảng cân đối kế toán của Credit Suisse rất vững mạnh”.

Bên cạnh tin đồn phá sản, Credit Suisse còn vướng phải nhiều bê bối khác như cáo buộc thao túng tỷ giá ngoại hối, bị điều tra giúp khách hàng Mỹ trốn thuế, bị kết tội rửa tiền cho một băng nhóm buôn bán ma túy Bulgaria, …

Credit Suisse là ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ với tổng tài sản dưới quyền quản lý (AUM) vào cuối năm 2021 đạt trên 1.600 tỷ USD. Nếu Credit Suisse sụp đổ như tin đồn, không chỉ hệ thống tài chính Thụy Sỹ mà cả Mỹ cũng như toàn cầu sẽ chao đảo. Trong trường hợp Credit Suisse gặp khó khăn về thanh khoản USD, ngân hàng trung ương Thụy Sỹ cũng như Fed sẽ khó có thể khoanh tay đứng nhìn.

Credit Suisse là ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sỹ.

Song Ngọc - Đức Quyền