|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Financial Times: Thế giới đang bắt đầu ghét Fed

19:15 | 13/10/2022
Chia sẻ
Hành động tăng lãi suất của Fed cũng như sự thờ ơ của Mỹ đang khiến các quốc gia khác chịu ảnh hưởng.

Vào những năm 1960, cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp Valéry Giscard d'Estaing từng gọi đồng USD là “đặc quyền quá đáng” của Mỹ. Theo Financial Times, thế giới hiện đại có thể sẽ dùng những từ ngữ thẳng thắn hơn, chẳng hạn như “kẻ gây đau đớn” hoặc “quái vật xanh”.

Dù được gọi như thế nào, những nạn nhân của USD đều hướng mắt tới một thủ phạm: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngay cả ông Josep Borrell, Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh, cũng đang đổ lỗi cho ngân hàng trung ương của Mỹ.

Tuần này, ông vừa cảnh báo rằng Fed đang xuất khẩu suy thoái tương tự như cách chính sách của Đức sau năm 2008 gây ra khủng hoảng đồng euro. Ông Borrell cho rằng đa phần thế giới đang có nguy cơ biến thành Hy Lạp.

 

Những sự chỉ trích như vậy có phần không công bằng đối với Fed. Ngân hàng trung ương của Mỹ đã coi lạm phát chỉ mang tính tạm thời quá lâu nên phải tăng tốc thắt chặt để khôi phục uy tín của mình. Nhưng Fed cũng chỉ đang làm theo các quy luật kinh tế.

Việc vừa đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cùng thấp là một thử thách khó khăn. Nếu Fed phải quan tâm tới tình trạng của các quốc gia khác nữa thì công việc này sẽ trở nên quá phức tạp. 

Dù vậy, Fed vẫn là trung tâm gây ra suy thoái toàn cầu. Nỗi đau tiền tệ hiện chính là mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.

Ai là người giải quyết khủng hoảng?

Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ là người đứng ra giải quyết khủng hoảng mà Mỹ tạo ra. Trong thế giới đa khủng hoảng như hiện nay, Washington đang bỏ lỡ cơ hội để khôi phục hình ảnh nước Mỹ. Fed chỉ có một công cụ: chính sách tiền tệ, và lãi suất cao đang lan rộng khắp các quốc gia.

Nhưng nước Mỹ lại có nhiều lựa chọn hơn. Một trong số đó là các thể chế của hội nghị Bretton Woods: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank). Hai cơ quan trên đang nhóm họp tại Washington trong tuần này. 

Câu hỏi giờ đây là liệu Mỹ có muốn bảo vệ các nước đang phát triển khi chi phí thanh toán nợ đang tăng vọt.

Lịch sử đã chỉ ra cho Tổng thống Joe Biden con đường nên tránh. Vào cuối những năm 1970, dưới thời Thống đốc Paul Volcker, Fed đã tăng mạnh lãi suất, gây ra cuộc suy thoái sâu tại các nước đang phát triển ở Nam Bán Cầu (Global South).

Châu Phi và Châu Mỹ La-tinh đều chịu đựng một thập kỷ tăng trưởng chậm. Các điều kiện cứu trợ mang tính trừng phạt của IMF làm khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn. Những sự điều chỉnh về cấu trúc là giải pháp còn tồi tệ hơn cả bản thân cuộc khủng hoảng.

Vào thập kỷ 1970, nhờ nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ, các nước OPEC đẩy USD ra ngoài thị trường quốc tế, khiến việc vay nợ bằng đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn khó cưỡng lại. Trong thập kỷ qua, chính sách nới lỏng định lượng cũng mang lại kết quả tương tự.

Các quốc gia Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông và Đông Âu đang có mức lạm phát cao chóng mặt.

Điều an ủi nhỏ nhoi là lạm phát ngày nay đang ít hơn so với 40 năm trước. Nhưng ở một số mặt, các thị trường mới nổi đang đối đầu với nhiều điều khó khăn hơn. 

Châu Phi không chịu trách nhiệm cho đại dịch COVID hay cuộc xung đột Ukraine. Nhưng các cuộc khủng hoảng này đã xóa sổ những thành tựu trong nhiều năm về phát triển con người. Một làn sóng lạm phát thực phẩm và năng lượng cũng đã quét qua nhiều nước.

Giờ đây, Fed đang đổ thêm dầu vào lửa bằng cuộc khủng hoảng thanh toán nợ. Những sóng gió trên không xuất phát từ Nam Bán Cầu, nhưng khu vực này sẽ gánh chịu nhiều nỗi đau nhất.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng lớn nhất tới Nam Bán Cầu, khu vực có ít trách nhiệm nhất trong việc tạo ra khủng hoảng này.

Trách nhiệm của Mỹ

Cho tới nay, Mỹ chưa có nhiều động thái để đối phó với những thử thách trên. Tổng thống Biden từng hứa sẽ nỗ lực để giúp các nước đang phát triển tiếp cận công nghệ vắc xin COVID của Mỹ, tuy nhiên chính quyền của đã không hoàn thành lời hứa này.

Kết quả là ít nhất 1/3 dân số thế giới vẫn chưa được tiêm một liều vắc xin, trong khi đa số người dân phương Tây đã có ít nhất hai, một vài người thậm chí còn là 5 liều.

Châu Phi đang có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp.

Nếu Washington nỗ lực hơn, có thể những sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng gây ra lạm phát trên toàn cầu đã không kéo dài như vậy.

Gói hỗ trợ trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden trong đại dịch COVID đã khiến lạm phát tăng vọt. Kế hoạch xóa nợ sinh viên trị giá 500 tỷ USD hồi tháng 8 vừa rồi cũng có lỗi. Fed đáng lẽ đã phải phản ứng với lạm phát sớm hơn, đồng nghĩa với các giải pháp ít gây ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Financial Times cho rằng những sai lầm của Mỹ là ở vấn đề chính trị chứ không phải kỹ thuật. Washington có thể không để ý đến tác động lan tỏa của những hành động của mình ở quê nhà. Nhưng sẽ đến lúc những tác động này dội ngược lại chính nước Mỹ.

Minh Quang