|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed sẽ không sớm ngừng thắt chặt tiền tệ như ý muốn của nhiều chuyên gia

12:04 | 05/10/2022
Chia sẻ
Nếu Fed mất khả năng khống chế lạm phát, hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng. Nhiều khả năng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng vọt và những lao động thu nhập thấp nhất sẽ phải chịu thiệt hại lớn nhất.

 

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Shutterstock). 

Hãy thử tưởng tượng rằng trên sân đấu Olympic, một vận động viên thể dục dụng cụ đang chạy nước rút trên tấm thảm, nhún người, tung mình lên không, nhào lộn vài vòng và cố đảm bảo mình vẫn tiếp đất hoàn hảo.

Trên "sân khấu kinh tế", Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell - cũng như người vận động viên nói trên - đang cố gắng chèo lái chính sách tiền tệ sao cho phù hợp. Trong thời đại lạm phát phi mã, tăng trưởng suy yếu và nhiều người lo sợ rằng nền kinh tế có thể đi chệch hướng, nếu một sai lầm xảy ra, toàn bộ màn trình diễn đều có thể thất bại thảm hại.

Ông Joseph Brusuelas, kinh tế trưởng về thị trường Mỹ tại công ty tư vấn RSM, nhận định: “Fed phải cố gắng hạ cánh. Nếu Fed không đưa được nền kinh tế Mỹ hạ cánh chính xác thì những người thu nhập thấp sẽ phải chịu thiệt hại lớn nhất. Họ mất việc, giảm chi tiêu và phải dùng đến tiền tiết kiệm để sống qua ngày”.

Những người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát đã phải dùng đến tiền tiết kiệm để trang trải chi phí. Theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân ở nước này chỉ đạt 3,5% vào tháng 8, không cao hơn là bao so với mức thấp nhất trong 14 năm là 3% hồi tháng 6.

 

Trong năm nay, giá cả các mặt hàng thông dụng đã tăng với tốc độ đột biến. Giá trứng trong tháng 8 cao hơn 40% so với một năm trước, bơ tăng 30% và xăng tăng 25%, tờ CNBC cho biết. 

Thất bại trong việc kiểm soát lạm phát có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nhưng nếu Fed đi quá xa trên con đường ổn định lại giá cả thì nền kinh tế Mỹ cũng sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề.

Ông Brusuelas nói rằng trong trường hợp tệ nhất là Fed mất quyền kiểm soát lạm phát, doanh nghiệp sẽ sa thải nhân viên để đối phó với chi phí leo thang và nền kinh tế giảm tốc, khiến 3,5 triệu việc làm bị xóa sổ. Tỷ lệ thất nghiệp có thể lên đến 5,5%.

Rủi ro thất bại

Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế có vẻ chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái. Câu hỏi quan trọng hơn là cuộc suy thoái này sẽ tồi tệ đến đâu.

Fed không thể cứ tiếp tục tăng lãi suất khi nền kinh tế yếu đi. Fed phải tăng lãi suất cho đến khi đạt được điểm cân bằng, qua đó khiến cho nền kinh tế chậm lại đủ để điều chỉnh tình trạng chênh lệch cung-cầu, nhưng không đi quá xa đến mức tạo ra nỗi đau không cần thiết.

Theo dự báo gần đây nhất của Fed, các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ cho đến năm 2023, đẩy lãi suất chính sách lên cao hơn 150 điểm cơ bản (bps) so với mức hiện nay.

Ông Brusuelas cảnh báo: “Nếu Fed quá tay, Mỹ sẽ suy thoái nặng nề hơn và mất nhiều việc làm hơn nhiều mức cần thiết”. 

 

Nguy cơ Fed đi quá xa và kìm hãm nền kinh tế quá mức là nỗi lo chính của phe chỉ trích.

Ông James Paulsen, Giám đốc đầu tư tại The Leuthold Group khẳng định: “Fed có thể ngừng tăng lãi suất ngay ngày hôm nay và lạm phát sẽ quay về mức chấp nhận được vào mùa xuân năm sau. Tôi thực sự nghĩ chúng ta đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. Chỉ là chúng ta vẫn chưa nhận ra điều đó mà thôi".

Ông Paulsen chỉ ra giá cả hàng hóa, ô tô cũ và hàng nhập khẩu đều đang đi xuống. Ông nói rằng giá các mặt hàng liên quan tới công nghệ cũng đang sụt giảm, còn tồn kho của các nhà bán lẻ lại tăng lên.

Về thị trường lao động, ông nhận định sự cân bằng của tăng trưởng việc làm trong năm nay đến từ phía cung của nền kinh tế mà Fed muốn kích thích, chứ không phải là phía cầu – nguồn cơn thổi bùng lạm phát. Ông nói tiếp: “Fed có thể tạo ra một cuộc suy thoái vô nghĩa nếu muốn. Nhưng tôi không biết vì sao họ lại muốn làm vậy”.

Ông Paulsen không phải người duy nhất đưa ra chỉ trích tương tự. Trên Phố Wall, những lời kêu gọi Fed giảm tốc độ thắt chặt chính sách và quan sát diễn biến kinh tế ngày càng nhiều.

Fed đã phát đi thông điệp là họ sẵn lòng gây ra "một số nỗi đau" lên nền kinh tế. Ông Christopher Harvey, Giám đốc đầu tư cổ phiếu của Wells Fargo nói rằng thông điệp này đang được diễn giải là ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục hành động “cho đến khi có thứ gì đó đổ vỡ”.

Ông Harvey viết trong lưu ý gửi khách hàng: “Điều đáng ngại là Fed đang xem nhẹ tín hiệu của thị trường vốn khi theo đuổi mục tiêu lạm phát 2%. Do đó, những tín hiệu này sẽ phải trở nên rõ ràng hơn (cổ phiếu giảm và chênh lệch lợi suất lớn hơn nữa) thì Fed mấy thấy cần phải phản ứng.

Điều này cũng ngầm chỉ ra rằng nhiều khả năng suy thoái sẽ diễn ra dài hơn/nghiêm trọng hơn so với những gì các yếu tố cơ bản và rủi ro thị trường đang thể hiện”.

Giữ vững quan điểm

Đến cả Liên Hợp Quốc cũng phải lên tiếng cảnh báo về hậu quả mà các đợt tăng lãi suất có thể gây ra cho toàn thế giới.

Bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển kêu gọi: “Xu hướng lãi suất hiện nay đang làm tổn hại đến những người dễ bị tổn thương trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Chúng ta phải đổi hướng”.

Nhưng dữ liệu kinh tế cho thấy Fed vẫn còn việc phải làm. Dự kiến báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sắp tới sẽ cho thấy chi phí sinh hoạt tiếp tục đi lên trong tháng 9.

Theo công cụ Nowcast của Fed chi nhánh Cleveland, CPI lõi (không kể lương thực và năng lượng) của tháng 9 có thể tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn CPI toàn phần được cho là tăng 0,3% so với tháng trước và 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Nowcast theo dõi rổ hàng hóa mà các nhà phân tích sử dụng để tính toán CPI chính thức. 

Phe chỉ trích nói rằng những dữ liệu kiểu này phản ánh quá khứ chứ không phải chỉ báo tương lai. Mặt khác, Fed gặp vấn đề là năm ngoái cơ quan này đã coi nhẹ mối nguy lạm phát và chậm trễ trong việc ứng phó. Do đó, Fed sẽ không muốn một lần nữa bị đánh giá là xem thường áp lực giá cả và lại mắc sai lầm.

Như vậy, các nhà hoạch định sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách để tránh lặp lại kịch bản những năm 1970-1980. Khi đó, Chủ tịch Fed Paul Volcker đã phải kéo nền kinh tế vào một cuộc suy thoái sâu rộng để giải quyết dứt điểm lạm phát.

Về phần mình, các quan chức Fed giữ vững quan điểm chung là họ sẵn sàng làm mọi thứ có thể để khống chế lạm phát.

Hôm 4/10, bà Mary Daly, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco đã chia sẻ về hậu quả của lạm phát mà bà được người dân kể lại. Tại Hội đồng Đối ngoại Mỹ, bà Daly nói: “Ngay lúc này, những nỗi đau mà tôi nghe thấy, những nỗi khổ mà mọi người kể với tôi là do lạm phát gây ra. Họ lo lắng về cuộc sống thường ngày”.

Giang