'Fed nên ngừng thắt chặt tiền tệ sau một đợt tăng lãi suất nữa vào tháng 11'
Thị trường tài chính toàn cầu đang rung lắc và ngày càng lộ ra nhiều dấu hiệu bất ổn, bằng chứng là đồng USD đã tăng không ngừng nghỉ từ đầu năm nay.
Để xoa dịu thị trường, ông Ed Yardeni - Chủ tịch hãng tư vấn đầu tư Yardeni Research, khuyến nghị Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên cân nhắc dừng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ sau một lần tăng lãi suất nữa vào tháng 11.
Trao đổi với Bloomberg, nhà đầu tư kỳ cựu cho rằng các đợt tăng lãi suất mạnh tay, đồng USD quá mạnh và việc Fed thắt chặt định lượng thông qua giảm lượng trái phiếu nắm giữ đã khiến thị trường tài chính rơi vào căng thẳng.
Tình trạng khó khăn của thị trường đã diễn biến xấu đến mức các nhà hoạch định chính sách nên coi ổn định tài chính là ưu tiên hàng đầu, ông Yardeni - người từng sáng tạo ra các thuật ngữ như “mô hình Fed”, nhấn mạnh.
“Tôi bối rối, bất lực và ngạc nhiên khi các quan chức Fed dường như không nhận ra rằng việc chỉ tập trung vào lãi suất chuẩn để thắt chặt chính sách tiền tệ là một sai lầm”, Chủ tịch của Yardeni Research nói.
“…tôi nghĩ Fed nên tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 11 tới và sau đó nên kết thúc chu kỳ thắt chặt, bởi vì vấn đề ổn định hệ thống tài chính sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu”, vị chuyên gia gợi ý.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Yardeni cảnh báo rằng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nhiều khả năng sẽ tiếp tục can thiệp vào thị trường. Tuần trước, BoE đã phải hành động để ngăn chặn sự sụp đổ của đồng bảng và trái phiếu chính phủ Anh.
Đồng USD hiện đã đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ. Đà tăng của đồng bạc xanh đang siết chặt các điều kiện tài chính đối với người đi vay ở nhiều nước phát triển và mới nổi; đồng thời buộc Nhật Bản phải can thiệp đồng yen lần đầu tiên kể từ năm 1998.
“Trong quá khứ, đồng USD tăng vọt thường góp phần tạo ra khủng hoảng tài chính trên quy mô toàn cầu. Chúng ta phải hết sức cảnh giác…”, ông Yardeni cảnh báo. “Động thái can thiệp của BoE là hình mẫu cho những gì các ngân hàng trung ương khác có thể làm”.
Cũng phải lưu ý rằng cú lao dốc của thị trường tài chính Anh tuần trước chủ yếu liên quan đến kế hoạch cắt giảm thuế và kích thích tài khoá của chính quyền tân Thủ tướng Liz Truss ngay giữa thời điểm lãi suất tăng cao và khối nợ phình to.
Đi vay để kích thích nền kinh tế khi lạm phát lên đến hai chữ số và ngân hàng trung ương tăng lãi suất để khống chế áp lực giá đã khiến cho chính sách tài khóa và tiền tệ của Anh mâu thuẫn nhau, tờ Wall Street Journal nhấn mạnh.
Ở diễn biến khác, từ đầu tuần này, thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi sau một tháng 9 giảm điểm khốc liệt. Thị trường trái phiếu hạ nhiệt đã góp phần hỗ trợ cho diễn biến tích cực của giá cổ phiếu.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones vọt lên 765 điểm, tương đương 2,66%, và kết phiên ở gần 29.491 điểm. Chỉ số S&P 500 đi lên 2,59% và dừng ở 3.678 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,27% và kết phiên ở 10.815 điểm.
Theo ông Yardeni, đợt lao dốc mới nhất của thị trường chứng khoán phản ánh lo ngại của nhà đầu tư rằng một Fed “diều hâu” có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái nghiêm trọng.
“Hạ cánh mềm hiện không phải là dự báo cơ sở của chúng tôi. Yardeni Research nhận thấy suy thoái tăng trưởng (growth recession) sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm”, nhà đầu tư kỳ cựu cho hay.
“Song, lo ngại rằng Fed sẽ thực hiện một cuộc hạ cánh cứng đang ngày càng đè nặng thị trường trái phiếu và chứng khoán. Chúng tôi đang đánh giá lại xem liệu dự báo về thu nhập và định giá của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 có quá lạc quan hay không”, ông nói thêm.