|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát chưa hạ dù Fed liên tục tăng lãi suất, các nhà kinh tế đề xuất ba phương án thay thế

14:23 | 23/09/2022
Chia sẻ
Sau nhiều đợt tăng lãi suất mạnh tay, Fed vẫn chưa thể ghìm cương được lạm phát. Trong bối cảnh đó, một số nhà kinh tế đã đề xuất ba lựa chọn chính sách thay thế, gồm áp trần giá, đánh thuế lợi nhuận bất thường và gia tăng sản lượng hàng hoá.

 

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Business Insider/Getty Images).

Báo cáo lạm phát nóng hơn dự kiến của tháng 8 đã xua tan hy vọng được giúp đỡ của người dân Mỹ, đồng thời làm dấy lên câu hỏi về chính sách tiền tệ của nước này trong việc khống chế áp lực giá cả.

6 tháng gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất mạnh tay để ghìm cương lạm phát. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có nguy cơ đẩy Mỹ vào suy thoái kinh tế và khiến hàng triệu người mất việc.

Một số nhà kinh tế cho rằng nâng lãi suất là công cụ tốt nhất để chống lạm phát nhưng Fed vẫn chưa tăng đủ mức. Tuần này, ngân hàng trung ương Mỹ vừa tăng thêm 75 điểm cơ bản, đưa lãi suất chuẩn lên phạm vi 3 - 3,25%.

 

Mặt khác, do việc tăng lãi suất vẫn chưa thể kìm hãm được đà tăng của giá cả, một số nhà chuyên gia khác đã đề xuất các lựa chọn chính sách thay thế mà họ cho là sẽ giải quyết gốc rễ của bài toán lạm phát và loại bỏ rủi ro suy thoái kinh tế.

Các biện pháp mà nhóm này đưa ra bao gồm kiểm soát giá, đánh thuế vào lợi nhuận bất thường của một số tập đoàn áp giá hàng hoá quá cao và mở rộng đáng kể sản lượng của Mỹ để cân bằng cung - cầu.

Dưới đây là một số thông tin liên quan đến các giải pháp chính sách , theo tổng hợp của ABC News:

Kiểm soát giá

Một trong các biện pháp được thảo luận nhiều và gây tranh cãi nhất là kiểm soát giá cả hay áp trần giá (price controls).

Ý tưởng đằng sau đề xuất này rất đơn giản: khi giá cả gây áp lực cho người tiêu dùng, chính phủ có thể ban hành quy định cấm các công ty bán hàng trên một mức giá nhất định (giá trần).

Bà Isabella Weber - giáo sư kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst và là người ủng hộ việc áp giá trần, cho rằng chính phủ có thể đặt ra giới hạn giá với một số mặt hàng cụ thể đã chứng kiến giá tăng quá mạnh, đặc biệt là hàng thiết yếu như xăng và thực phẩm.

Trao đổi với ABC News, bà Weber cho hay: “Việc kiểm soát giá sẽ giúp bạn tránh được một đợt bùng nổ giá”. 

 

Mỹ đã từng có tiền lệ về việc áp trần giá cả. Để ngăn chặn lạm phát do thiếu hụt nguồn cung trong Thế chiến thứ hai, Tổng thống Franklin Roosevelt đã trao quyền cho Văn phòng Quản lý Giá cả mới thành lập để giới hạn giá của một loạt sản phẩm.

Bước đi này được cho là đã giúp kiềm chế lạm phát trong thời chiến, nhưng nó cũng làm phát sinh thị trường chợ đen, nơi mà người tiêu dùng tìm đến để mua một số mặt hàng.

Vài thập kỷ sau, vào năm 1971, Tổng thống Richard Nixon đã áp đặt biện pháp kiểm soát giá lần nữa để hạ nhiệt lạm phát và đảm bảo cơ hội tái đắc cử vào năm sau. Các mức giá trần được duy trì cho đến năm 1974 nhưng bị nhiều người cho là không hiệu quả.

Kết quả khác biệt trong những năm 1940 và 1970 cho thấy việc kiểm soát giá giúp chống lại lạm phát nhưng không phải trong mọi trường hợp, bà Weber lưu ý.

Vị giáo sư nói thêm rằng giá trần chỉ áp chế lạm phát tạm thời trong khi các biện pháp khác sẽ giải quyết triệt để nguyên nhân gây ra áp lực giá.

“Nói việc kiểm soát giá luôn có hiệu quả hoặc không có hiệu quả là không đúng. Kiểm soát giá có thể phát huy tác dụng trong một số bối cảnh nhất định nếu được điều chỉnh theo hướng phù hợp”, bà Weber giải thích.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế khác đã bác bỏ đề xuất này.

Bà Catherine Pakaluk - giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Busch (thuộc Đại học Công giáo), cho hay: “Trong nền kinh tế Mỹ, giá cả của mọi mặt hàng đều có liên quan đến nhau.

Nếu bạn đặt một số sản phẩm ở mức giá hời hơn so với phần còn lại, người tiêu dùng có thể gom hàng với tốc độ nhanh hơn và điều đó gây ra sự thiếu hụt về nguồn cung”.

Bà nói tiếp, nỗi lo về những kệ hàng trống rỗng sẽ càng lớn hơn vì thiếu hụt nguồn cung vẫn là nguyên nhân cốt lõi của lạm phát tại Mỹ và áp giá trần chỉ khiến vấn đề gốc rễ trở nên trầm trọng hơn.

Áp thuế lợi nhuận bất thường

Thay vì giới hạn giá, một số nhà kinh tế muốn kiềm chế lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thuế lợi nhuận bất thường (windfall profit tax) được đề xuất dựa trên tiền đề là lạm phát bắt nguồn từ hành vi nâng giá sản phẩm của những doanh nghiệp đã báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong thời điểm áp lực giá cả tăng cao, chẳng hạn các đại gia dầu mỏ.

 

Về lý thuyết, đánh thuế vào phần lợi nhuận vượt mức của doanh nghiệp sẽ khiến họ từ bỏ việc trục lợi và từ đó hạ giá hàng hoá xuống.

Hồi tháng 5, hai thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Jeff Merkley đã ủng hộ một dự luật mới, trong đó trao quyền cho một cơ quan liên bang và chưởng lý của các bang thực thi lệnh cấm tăng giá sản phẩm quá cao.

Nhìn chung, các nhà kinh tế đang bất đồng quan điểm về ảnh hưởng của vấn đề lợi nhuận vượt mức đối với lạm phát. Tương tự, các chuyên gia trò chuyện cùng ABC News cũng có quan điểm khác nhau về hiệu quả của biện pháp này.

Ông Benjamin Powell - thành viên cấp cao của Viện Độc lập, đã bác bỏ giải pháp trên. Theo ông, nó gây rủi ro tương tự với việc áp trần giá: làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung, và qua đó khiến bài toán giá cả càng phức tạp.

Bà Lauren Melodia - Phó Giám đốc phụ trách các chính sách kinh tế và tài khóa tại viện nghiên cứu Center for New York City Affairs, lại đồng tình. Bà cho rằng vì doanh nghiệp luôn tìm cách tối ưu hoá lợi nhuận, Mỹ cần một biện pháp tự vệ để ngăn họ làm như vậy khi giá cả tăng cao.

“Có rất nhiều bằng chứng trong vài năm qua cho thấy các tập đoàn đã gia tăng lợi nhuận trên diện rộng - chứ không chỉ trong lĩnh vực dầu mỏ. Chúng tôi không muốn doanh nghiệp được quyền nâng giá bán chỉ vì họ có thể làm vậy”, bà bày tỏ.

Tăng cường sản lượng

Một chính sách khác để chống lạm phát tập trung vào việc mở rộng hoạt động sản xuất tại Mỹ để giải quyết vấn đề thiếu nguồn cung.

Như đã nói, lạm phát chủ yếu liên quan tới tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu, từ hàng hoá cho đến lao động. Cho nên, một số người cho rằng tăng đáng kể nguồn cung là lời giải hợp lý.

Các nhà kinh tế mà ABC News đã phỏng vấn phần lớn đều đồng ý về giải pháp nêu trên, nhưng cho biết nó sẽ không giúp triệt tiêu lạm phát ngay lập tức vì việc cải cách lĩnh vực sản xuất cần nhiều năm.

“Đó là điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm nếu muốn tăng trưởng bền vững mà không chịu áp lực về giá”, ông J. W. Mason - giáo sư tại trường John Jay College, cho hay. “Chúng ta nên đầu tư vào năng lực sản xuất”.

Dù vậy, ông lưu ý: “Đó không phải là giải pháp tức thời hay ngắn hạn. Rõ ràng, chúng ta không thể giới hạn đà tăng của giá cả chỉ trong vài tháng tới”.

Ông Powell của Viện Độc lập cũng đồng ý, nhưng phản đối đầu tư công. Thay vào đó, vị chuyên gia nói rằng Mỹ nên loại bỏ các chính sách hiện hành đang cản trở tăng trưởng của khu vực tư nhân.

Theo ông, chính phủ nên “giảm thuế và dỡ bỏ bớt các rào cản quy định ngăn doanh nghiệp tư nhân thực hiện đầu tư mới”.

Bất kể lập trường của mỗi người là như thế nào, nhiều nhà kinh tế cho rằng Mỹ cần một cuộc đối thoại công khai về việc có nên tiếp tục tăng lãi suất hay nên tìm kiếm các lựa chọn thay thế.

Yên Khê