|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngoài chuyện Fed tăng lãi suất còn 4 thông tin khác quan trọng với thị trường tài chính

16:18 | 22/09/2022
Chia sẻ
Đồng nhân dân tệ suy yếu, đảng cánh hữu lên ngôi ở Italy, Thụy Điển tăng sốc lãi suất và giá kim loại đồng mạnh lên là những câu chuyện mà nhà đầu tư có thể dễ dàng bỏ quên giữa những ồn ào quanh việc Fed nâng lãi suất 75 bps.

Ngày 21/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (bps) như thị trường đã kỳ vọng, đồng thời thể hiện quyết tâm sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ mạnh tay nhằm khống chế lạm phát.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp Fed mạnh tay tăng lãi suất thêm 75 bps. Mặc dù không phải mức tăng 100 điểm như một số dự đoán trước đó, nhưg tốc độ nâng lãi suất của Fed cũng đã và đang có nhiều ảnh hưởng lớn đến thị trường cũng như chiếm trọn các đầu báo.

Cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin đã thông báo về việc động viên thêm một phần nhân lực và vật lực, đánh dấu bước ngoặt lớn trong xung đột Ukraine. Bởi vậy, nhà đầu tư có thể bỏ qua nhiều thông tin hữu ích. Dưới đây là tổng hợp 4 câu chuyện thị trường ngoài việc Fed nâng lãi suất.

Đồng nhân dân tệ yếu đi

Theo Bloomberg, trong hai thập kỷ vừa qua, tỷ giá đồng nhân dân tệ (CNY) đã được thị trường quốc tế chú ý quan sát. Động thái để đồng nội tê tụt xuống dưới 7 nhân dân tệ đổi 1 USD vào năm 2019 của Trung Quốc đã bị Washington coi là “chiến tranh thương mại”.

Tuy nhiên, khi nhân dân tệ một lần nữa rơi xuống ngưỡng này vào 2022, Mỹ không hề có phản ứng gắt gao như ba năm trước.

Yen đang yếu đi nhiều so với nhân dân tệ, trong khi USD đang mạnh lên.

Hàng xóm của Trung Quốc là Nhật Bản vẫn chưa thắt chặt tiền tệ, khiến đồng yen (JPY) chạm đáy. Hiện tại, yen đang ở mức yêu nhất so với nhân dân tệ trong vòng 30 năm. Lần cuối cùng đồng nội tệ của Nhật Bản trở nên cạnh tranh tương đối so với Trung Quốc, Bắc Kinh đã phá giá tiền tệ và đưa thế giới đến nguy cơ khủng hoảng.

Tỷ giá hối đoái giữa các quốc gia không độc lập với nhau, và tỷ giá thực tế (tính đến lạm phát của các đồng tiền khác) là yếu tố quan trọng xác định tính cạnh tranh. Vấn đề là chênh lệch giữa tỷ lệ tăng giá tiêu dùng (lạm phát CPI) và tỷ lệ tăng giá sản xuất (lạm phát PPI) của Trung Quốc tương đối cao so với các quốc gia khác.

Nếu chỉ nhìn vào CPI, JPMorgan cho rằng nhân dân tệ đang được định giá khá cao. Nhưng khi tính đến PPI, chỉ số quan trọng đối với xuất khẩu, Trung Quốc vẫn đang rất cạnh tranh.

Cuộc bầu cử tại Italy

Ngày 25/9, người dân Italy sẽ bầu cử chính quyền mới lần đầu tiên kể từ năm 2018. Cuộc bầu cử trước đã kết thúc với việc thành lập một liên minh từ hai đảng lớn theo khuynh hướng chống EU, khiến thị trường trái phiếu châu Âu phản ứng dữ đội.

Các đảng cánh hữu của Italy đang chờ đợi chiến thắng. (Ảnh: Francesca Volpi/Bloomberg).

Sau vài năm khủng hoảng, liên minh trên đã tan rã và cựu Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Mario Draghi trở thành Thủ tướng. Cả hai đảng lớn từng thành lập liên minh vào năm 2018 đều đang thất thế trước Fratelli d’Italia (Đảng Anh em Italy: FdI).

FdI là một đảng cánh hữu và cũng có khuynh hướng chống EU. Lợi suất trái phiếu có kỳ hạn 10 năm của Italy đã tăng lên hơn 4%, chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 8 năm khi thị trường đang bán ra. 

Thụy Điển tăng sốc lãi suất

Thụy Điển cũng vừa có một cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, chính sách của ngân hàng trung ương nước này mới đáng chú ý.

Ngân hàng Riksbank quyết định nâng lãi suất 100 điểm cơ bản để chống lại lạm phát. Động thái này chưa từng có tiền lệ trong 30 năm qua. Việc ngay cả Ngân hàng trung ương Thụy Điển cũng phải nâng lãi suất lên tới 1 điểm % dường như là lý do khiến trái phiếu bị bán tháo trên toàn cầu vào hôm 20/9.

Việc Thụy Điển nâng lãi suất thậm chí đã ảnh hướng tới trái phiếu của Thụy Sỹ, một trong những nơi trú ẩn an toàn nhất trong các cuộc khủng hoảng kinh tế. Trái phiếu của Thụy Sỹ đang bị bán tháo với tốc độ như trong một cuộc khủng hoảng thật sự.

Và bất chấp những nỗ lực của Ngân hàng trung ương Thụy Điển, đồng krona (SEK) của nước này vẫn tiếp tục suy yếu so với đồng bạc xanh. Lần đầu tiên trong vòng 21 năm, 1 USD đã đổi được 11 krona.

Dường như quyết định tăng lãi suất mạnh tay của Riksbank vẫn chưa cứu nổi SEK.

Sức mạnh của đồng

Tâm lý trên thị trường toàn cầu đang nghiên về suy thoái khi các ngân hàng tìm cách kìm hãm tăng trưởng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Tuy nhiên, một thước đo truyền thống cho thấy niềm tin đang được phục hồi. Tỷ giá giữa đồng và vàng sau khi giảm mạnh hồi tháng 6 và 7 giờ đây lại đang tăng, cho thấy nhà đầu tư đang tự tin hơn.

Đồng đang phục hồi từ mức thấp hồi tháng 6 và tháng 7. 

Theo ông Jim Paulsen, Giám đốc chiến lược đầu tư của Leuthold Group: “Tỷ giá đồng/vàng đang gần mức đỉnh mới. Mặc cho các cú sốc từ thị trường, dường như niềm tin đang trở lại. Liệu Tiến sĩ Đồng có đang cảm nhận thấy điều tích cực trong tương lai?”.

Các nhà giao dịch thường gọi loại kim loại đồng là "Tiến sĩ Đồng" vì khả năng năng tiên lượng các “sự kiện thay đổi trong kinh tế toàn cầu”. Đồng là kim loại phổ biến với nhiều mục đích sử dụng, từ xây dựng cho tới năng lượng và thường được mua vào khi nhà đầu tư cảm thấy tự tin vào nền kinh tế.

Giá đồng đã tăng vào hôm 20/9, trong khi đó, vàng lại đang chạm ngưỡng thấp nhất trong vòng hai năm. Trong lịch sử, khi tỷ giá đồng/vàng ở mức thấp như hiện nay, ông Paulsen cho biết triển vọng lợi nhuận từ thị trường chứng khoán đang trở nên rất tốt.

Đồng trong những phiên gần đây đã củng cố đà tăng của mình bất chấp việc thị trường chứng khoán biến động, Fed thường xuyên đưa ra những luận điệu diều hâu và lợi suất trái phiếu tăng.

Minh Quang