|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

USD tăng mình Mỹ hưởng lợi, trong khi cả thế giới bị kéo vào rắc rối

15:29 | 21/09/2022
Chia sẻ
Đồng USD đang có đợt tăng mạnh nhất trong hàng chục năm, đe dọa khiến cú giảm tốc của nền kinh tế thế giới càng thêm trầm trọng và khuếch đại bài toán lạm phát của các ngân hàng trung ương toàn cầu.

 

Biến động của đồng USD có ảnh hưởng to lớn lên nền kinh tế trên thế giới. (Hình minh họa: Financial Times). 

Chống cự vô ích 

Với vai trò là đồng tiền chủ chốt trong thương mại và tài chính toàn cầu, USD có tác động sâu rộng lên các nền kinh tế trên thế giới. Sức mạnh của đồng USD đang xoáy sâu vào tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và thực phẩm ở Sri Lanka, lạm phát kỷ lục ở châu Âu và thâm hụt thương mại khổng lồ của Nhật Bản.

Dự kiến trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Nhiều khả năng động thái của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ lại càng thúc đẩy đà tiến của đồng bạc xanh.

Các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu đang cố sức bảo vệ đồng nội tệ trước đà tăng chóng mặt của USD. Nhưng điều đáng ngại là các nỗ lực của họ hầu hết đều gặp phải thất bại.

Tuần trước, đồng USD đã xuyên thủng một ngưỡng quan trọng so với đồng nhân dân tệ. Lần đầu tiên kể từ năm 2020, một USD mua được hơn 7 nhân dân tệ. Các quan chức Nhật Bản từng để mặc đồng yen mất giá 20%, nhưng giờ đã bắt đầu hoảng sợ rằng thị trường đang đi quá xa.

Số liệu lấy đến ngày 16/9.

Chỉ số U.S. Dollar của nền tảng giao dịch ICE, đo lường tỷ giá USD với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ, đã tăng hơn 14% trong năm 2022.

Cứ đà này, chỉ số trên sẽ ghi nhận năm tăng mạnh nhất kể từ khi thành lập vào năm 1985. Giá euro, yen Nhật và bảng Anh đã rơi xuống mức thấp nhất hàng chục năm khi so với USD. Tiền tệ của các thị trường mới nổi bị vùi dập: bảng Ai Cập lao dốc 18%, forint của Hungary mất 20% và rand Nam Phi sụt 9,4%.

Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed đã khuyến khích nhà đầu tư toàn cầu rút tiền khỏi các thị trường khác để đầu tư vào tài sản trả lợi suất cao của Mỹ. Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy lạm phát ở Mỹ vẫn cao dai dẳng, càng tăng thêm khả năng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất, qua đó kéo USD lên cao.

Triển vọng tăng trưởng mờ nhạt của phần còn lại của thế giới cũng là yếu tố thúc đẩy đà tăng của USD. Châu Âu đang ở trong cuộc chiến kinh tế quyết liệt với Nga. Trung Quốc thì đối mặt với thời kỳ kinh tế giảm tốc nặng nề nhất trong nhiều năm và sự đổ vỡ của thị trường bất động sản.

USD mạnh lên khiến hàng hóa nhập khẩu của Mỹ rẻ đi, giúp nước này được lợi trong cuộc chiến chống lạm phát và mang lại cho người tiêu dùng sức mua tương đối kỷ lục. Nhưng phần còn lại của thế giới phải chịu không ít căng thẳng.

Ông Raghuram Rajan, cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Ấn Độ nhận xét: “Tôi nghĩ chúng ta mới ở trong giai đoạn đầu. Thời kỳ lãi suất cao sẽ còn kéo dài thêm một khoảng thời gian nữa. Các điểm yếu sẽ tích tụ lại”. Khi còn tại chức, ông từng công khai chỉ trích tác động chính sách của Fed và ảnh hưởng của đồng USD đắt đỏ với nền kinh tế thế giới.

*Số liệu lấy đến ngày 15/9

"Giọt nước làm tràn ly"

Ông Rajan nói tiếp: “Nhiều nước chưa từng trải qua chu kỳ lãi suất tăng cao như vậy kể từ thập niên 1990. Các quốc gia đã tích tụ rất nhiều nợ nần trong đại dịch”. Theo ông, sự căng thẳng của các thị trường mới nổi sẽ lan ra thay vì được khống chế.

Đồng bạc xanh tăng giá khiến cho khối nợ mà chính phủ các nền kinh tế mới nổi và doanh nghiệp đã vay bằng USD trở nên đắt đỏ hơn. Dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy chính phủ các nền kinh tế mới nổi có số nợ 83 tỷ USD đến hạn thanh toán vào cuối năm sau.

Đồng thời, các loại thực phẩm và nhiên liệu trên thế giới đều được định giá bằng USD. Do đó, đà tăng của đồng bạc xanh càng khiến những mặt hàng này trở nên đắt đỏ hơn với phần còn lại của thế giới. Nhiều nước đang phát triển đã phải dùng đến dự trữ ngoại hối để tài trợ hoạt động nhập khẩu và ổn định đồng nội tệ, tờ Wall Street Journal cho biết. 

Ông Gabriel Sterne, chuyên gia nghiên cứu thị trường mới nổi tại Oxford Economics cảnh báo: “Nếu USD tăng giá hơn nữa thì đó sẽ là giọt nước làm tràn ly. Các thị trường cận biên đã cận kề bờ vực khủng hoảng, đồng USD mạnh lên sẽ chỉ gây thêm rắc rối cho họ”.

Ngân hàng trung ương nhiều nước đã thực hiện các bước đi quyết liệt để cản đà giảm của đồng nội tệ và trái phiếu trong nước. Hôm 15/9, Argentina tăng lãi suất lên 75% sau khi đồng peso giảm gần 30% so với USD trong năm nay.

Các nước đang phát triển không phải những nền kinh tế duy nhất trăn trở với sự mất giá của tiền tệ. Tại châu Âu, sự suy yếu của đồng euro đang khuếch đại mức tăng kỷ lục của lạm phát do cuộc chiến ở Ukraine và khủng hoảng năng lượng gây ra.

 

Tại cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hôm 8/9, Chủ tịch Christine Lagarde bày tỏ sự lo ngại về mức giảm 12% của euro trong năm nay và tác động của sự việc đến lạm phát. ECB đang báo hiệu lập trường chính sách cứng rắn hơn, và có thể nâng lãi suất lên 2,5%, theo dự báo của các nhà đầu tư. Nhưng những hành động này đã không mang lại sự trợ giúp đáng kể cho euro.

Ông Frederik Ducrozet, trưởng nhóm nghiên cứu vĩ mô tại Pictet Wealth Management cho biết ECB cũng bất lực trước sức mạnh của USD. Ông giải thích: “Dẫu ECB tăng lãi suất hay triển vọng kinh tế của khối được cải thiện, dù bất cứ điều gì xảy ra chăng nữa thì những yếu tố tích cực này thường bị che khuất bởi đồng USD tiếp tục mạnh lên”.

Các nhà đầu tư và giới chuyên gia đang bàn luận về khả năng chính phủ toàn cầu cùng phối hợp để khiến đồng USD suy yếu – dù khả năng này không cao.

Ông Paresh Upadhyaya, Giám đốc đầu tư ngoại tệ tại công ty quản lý tài sản Amundi cho biết: “Các nước có thể có lý do chính đáng để cùng phối hợp làm suy yếu USD. Bên ngoài nước Mỹ, đồng USD mạnh mẽ đang trở thành trở ngại khổng lồ với các ngân hàng trung ương”.

Ông Tommy Xie, trưởng bộ phận nghiên cứu về thị trường Trung Quốc tại OCBC Bank cho biết giới chức Trung Quốc lo rằng đồng nhân dân tệ mất giá so với USD có thể khiến niềm tin người tiêu dùng suy yếu hơn nữa. Ông nói: “Nhân dân tệ giảm giá có thể tạo ra vòng xoáy tai hại”.

Tại Nhật Bản, các nhà hoạch định chính sách cũng sợ rằng việc đồng yen rơi xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với USD sẽ gây tổn hại cho các doanh nghiệp. Thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda nói rằng sự mất giá mạnh của đồng yen “rất có thể khiến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trở nên bất ổn”.

Giang