|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chủ tịch Fed hàm ý suy thoái là cái giá cần thiết để ghìm cương lạm phát

08:04 | 22/09/2022
Chia sẻ
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra tín hiệu rõ ràng nhất rằng họ sẵn sàng chấp nhận suy thoái kinh tế như một sự đánh đổi cần thiết để giành lại quyền kiểm soát lạm phát.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Bloomberg).

Fed đang tích cực hành động để khống chế lạm phát. Tại cuộc họp mới nhất, các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản - lần thứ ba liên tiếp trong năm nay. Đồng thời, họ còn dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm 125 điểm khác trước cuối năm.

Thái độ của Fed “diều hâu” hơn dự đoán của các nhà kinh tế. Ngoài ra, các quan chức của ngân hàng trung ương Mỹ còn cắt giảm dự báo tăng trưởng và nâng triển vọng thất nghiệp, theo đưa tin từ Bloomberg.

Chủ tịch Jerome Powell tiếp tục nhấn mạnh về cái giá đau đớn mà Fed cần để ghìm cương lạm phát đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm: sự giảm tốc của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trao đổi với Bloomberg, bà Seema Shah của hãng quản lý tài sản Principal Global Investors, nhận xét: “Ông Powell thừa nhận rằng nền kinh tế cần tăng trưởng dưới mức tiềm tăng trong một thời gian, điều này có thể được hiểu là Fed đang nói về ‘suy thoái’. Từ giờ, mọi thứ sẽ khó khăn hơn”.

Trên thực tế, các quan chức Fed không dự báo rõ ràng về một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, ông Powell đã nhiều lần nói rằng việc tăng lãi suất có thể có thể gây ra đau đớn cho người lao động và doanh nghiệp. Lập luận này đã dần trở nên sắc bén hơn trong những tháng gần đây.

Tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách ngày 21/9, Chủ tịch Fed cho biết hiện giờ, thực hiện một cuộc hạ cánh mềm với tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng khiêm tốn là một nhiệm vụ “rất khó khăn”.

Ông Powell bày tỏ: “Không ai biết liệu việc thắt chặt chính sác này có dẫn đến suy thoái hay không hoặc nếu có thì suy thoái sẽ nghiêm trọng đến mức nào”. Bình luận này được đưa ra sau khi Fed nâng lãi suất chuẩn lên phạm 3 - 3,25%.

“Cơ hội hạ cánh mềm nhiều khả năng sẽ thu hẹp bởi chính sách tiền tệ cần phải được thắt chặt hơn hoặc thắt chặt trong thời gian dài hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cam kết đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%”, ông nói thêm.

 

Đánh giá ảm đạm trên trái ngược hẳn so với 6 tháng trước, khi các quan chức Fed lần đầu tăng lãi suất từ mức gần 0 và khẳng định sức mạnh của nền kinh tế là rất lớn. Khi đó, niềm tin của Fed khiến mọi người không cảm thấy tác động của một nền kinh tế đang hạ nhiệt.

Giờ đây, các quan chức đã ngầm thừa nhận - thông báo những dự báo bi quan hơn về tỷ lệ thất nghiệp, rằng nhu cầu sẽ siết chặt ở mọi cấp độ của nền kinh tế vì lạm phát đang trở nên dai dẳng và phổ biến hơn.

Dự báo trung bình của 19 quan chức Fed cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ mức hiện tại là 3,7% lên khoảng 4,4% vào năm 2023 và duy trì ở đó đến năm 2024. Tuy nhiên, mức dự báo này có lẽ vẫn còn quá thấp.

Hầu hết tất cả các thành viên của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đều cho biết rủi ro có thể tăng lên. Họ dự kiến lãi suất sẽ chạm mức 4,4% trong năm nay và 4,6% trong năm 2023, trước khi điều chỉnh xuống 3,9% vào năm 2024.

“Chúng tôi luôn hiểu rằng việc khôi phục sự ổn định giá cả, trong khi khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng tương đối khiêm tốn và hoàn thành cuộc hạ cánh mềm sẽ rất khó khăn”, ông Powell nhấn mạnh tại cuộc họp báo. “Chúng ta phải khống chế được lạm phát. Tôi ước có một cách không đau đớn để làm điều này, nhưng thực tế là không có”.

 

Sự e ngại của các quan chức Fed về khả năng hạ nhiệt lạm phát cũng thể hiện rõ trong các dự báo khác. Ngay cả trong lộ trình tăng lãi suất hiện nay, các nhà hoạch định chính sách nhận thấy lạm phát chỉ có thể giảm xuống mức mục tiêu 2% vào năm 2025.

Nếu các quan chức Fed chỉ băn khoăn trong lòng về cuộc chiến chống lạm, họ sẽ không nói thẳng ra như vậy. Điều đó đồng nghĩa rằng nguy cơ suy thoái đang gia tăng, Bloomberg cho hay.

Bà Laura Rosner-Warburton - nhà kinh tế cấp cao tại hãng nghiên cứu MacroPolicy Perspectives, nhận định: “Tôi nghĩ Fed hiểu rằng khó khăn đang lớn dần…Hạ cánh mềm được hay không nằm ngoài tầm kiểm soát của họ và phụ thuộc vào các yếu tố như sự cải thiện nguồn cung”.

Chủ tịch Powell cũng nói với các phóng viên nhiều lần rằng một thị trường lao động yếu hơn có thể là điều cần thiết để kìm hãm nhu cầu. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng tỷ lệ tiết kiệm cao hơn cho thấy nền kinh tế vẫn còn khá mạnh. Theo ông, đây là một “điều tốt” sẽ giúp chống lại sự suy yếu của nền kinh tế.

Bình luận của Chủ tịch Fed đã vấp phải sự hoài nghi.

Ông Roberto Perli - trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách toàn cầu tại hãng Piper Sandler, cho biết: “Chưa bao giờ tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,5 điểm % mà không có suy thoái kinh tế. Do đó, suy thoái rất có thể xảy ra. Fed biết rõ điều này”.

Vị chuyên gia dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản khác trong tháng 11, sau đó tăng 50 điểm vào tháng 12. Một số nhà kinh tế khác đã nâng dự báo về mức đỉnh lãi suất của Fed sau cuộc họp mới đây.

Bank of America kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 11, 50 điểm vào tháng 12 và thêm hai lần 25 điểm vào đầu năm 2023 - qua đó đưa lãi suất chuẩn lên phạm vi 4,75 - 5%. Các chuyên gia tại Societe Generale dự đoán một “cuộc suy thoái nhẹ” vào năm 2024.

Kinh tế trưởng Stephen Stanley của Amherst Pierpont Securities đã nâng dự báo đỉnh lãi suất lên mức 5,25%. Ông không nghĩ dự báo lạm phát của Fed là thực tế và trong tương lai ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phải thắt chặt hơn nữa để kìm tốc độ tăng của giá cả.

Ông Stanley viết trong một ghi chú: “Tôi thấy nửa đầu năm tới là thời gian chật vật của Fed”.

 

Yên Khê