|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại sao các nhà kinh tế vẫn mải mê tranh luận Mỹ đã suy thoái hay chưa?

14:39 | 06/09/2022
Chia sẻ
Nền kinh tế Mỹ đã suy thoái hay chưa? Trong hơn một tháng kể từ khi có báo cáo GDP quý II, đây là câu hỏi mà các chuyên gia vẫn đang mải mê tìm câu trả lời.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden và nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều thử thách khó nhằn. (Ảnh minh hoạ: New York Post/Getty Images).  

Nền kinh tế Mỹ hiện không có bất kỳ dấu hiệu suy thoái nào? Hay trên thực tế, siêu cường lớn nhất thế giới đã rơi vào suy thoái?

Đã hơn một tháng kể từ khi Mỹ ghi nhận hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, các chuyên gia vẫn chưa thể đưa ra một câu trả lời xác đáng cho câu hỏi trên.

Giáo sư kinh tế học ứng dụng Steve Hanke của Đại học Johns Hopkins tin rằng nền kinh tế Mỹ đang đâm đầu vào một cuộc suy thoái “cực lớn” vào năm 2023.

Trong khi đó, ông Stephen Roach - giảng viên tại Đại học Yale, nhận định Mỹ sẽ cần một “phép màu” để tránh được suy thoái trong năm tới, nhưng ông nghĩ nó không tồi tệ như những năm 1980.

Tuy nhiên, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel Richard Thaler nói rằng ông không nhìn thấy “bất cứ điều gì giống như suy thoái” ở Mỹ ngay bây giờ.

Theo vị chuyên gia, tỷ lệ thất nghiệp gần đây khá thấp, số lượng vị trí trống cao và nền kinh tế vẫn đang phát triển - chỉ là không nhanh như đà tăng của chi phí sinh hoạt.

 

Và các nhà đầu tư cũng bất đồng ý kiến tương tự.

Bà Liz Ann Sonders - chiến lược gia đầu tư trưởng tại công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab, cho biết suy thoái có khả năng xảy ra hơn là một cuộc hạ cánh mềm.

Trái lại, ông Steen Jakobsen - CIO tại Saxo Bank, đã nói rõ trong một cuộc phỏng vấn rằng xét về mặt danh nghĩa (nominal terms), nền kinh tế Mỹ hiện không hướng tới suy thoái.

Các cuộc khảo sát gần đây cũng phản ánh quan điểm trái chiều nói trên.

Theo khảo sát hồi tháng 8 của Reuters, khả năng Mỹ suy thoái trong vòng một năm tới là 45% và hầu hết các ý kiến cho rằng đây sẽ là một cuộc suy thoái ngắn và nông. Khảo sát khác của Bloomberg thì đưa ra xác suất khoảng 47,5%.

Tín hiệu nhiễu loạn

Vậy tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Vấn đề phụ thuộc vào bộ dữ liệu mà các kinh tế đang đánh giá: tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hay thị trường việc làm.

Trong hai quý đầu năm nay, GDP của Mỹ lần lượt giảm 1,6% và 0,6% so với cùng kỳ năm trước - đáp ứng định nghĩa cơ bản về suy thoái. Tăng trưởng sụt giảm bắt nguồn từ một số yếu tố như tồn kho, đầu tư và chi tiêu liên bang cùng đi xuống. Thu nhập và tiết kiệm cá nhân (đã điều chỉnh theo lạm phát) cũng giảm.

Tuy nhiên, tại Mỹ, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) mới là cơ quan có quyền xác định suy thoái. Đa phần các chuyên gia đều nhất trí rằng NBER sẽ “án binh bất động” thêm một thời gian.

 

So với các giai đoạn mà nền kinh tế tăng trưởng âm hai quý liên tiếp kể từ năm 1947, thời điểm này có chút khác biệt khi thị trường việc làm đang khá vững chắc.

Báo cáo tháng 8 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, nước này đã tạo thêm 315.000 việc làm mới - một mức tăng ổn định (dù là mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 4 năm ngoái), CNBC lưu ý.

Xét thêm các báo cáo gần đây, ta có thể thấy tốc độ tăng biên chế trong khu vực tư nhân đang chững lại, nhưng tỷ lệ việc làm mới cao hơn nhiều so với dự kiến.

Ông William Fosster,  nhân viên cấp cao tại Moody’s, cho biết vấn đề việc làm so với GDP tiếp tục là cuộc tranh luận lớn giữa các nhà kinh tế, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ để giải quyết lạm phát.

Trao đổi với CNBC, ông Foster đánh giá: “Chúng ta đang bước ra khỏi một thời kỳ phi thường chưa từng có trong lịch sử”.

 

Thông thường, để xác định suy thoái, NBER sẽ xem xét thu nhập thực tế của các hộ gia đình, chi tiêu thực tế, sản lượng công nghiệp, thị trường lao động và tỷ lệ thất nghiệp. Đây là các biến số không đưa ra tín hiệu rõ ràng về suy thoái, ông Foster nói.

Vị chuyên gia của Moody’s nhận định: “Thị trường việc làm vẫn đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ”.

Các chỉ số rộng hơn

Ông Foster cũng lưu ý rằng người dân Mỹ vẫn chi tiêu tương đối mạnh, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Phần lớn là nhờ vào tiền tiết kiệm tích luỹ được trong thời kỳ đại dịch.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Ambrosetti (Italy) gần đây, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz cho biết ông đang lo ngại rằng bất chấp việc thị trường việc làm bị thắt chặt, tiền lương thực tế của người lao động lại sụt giảm.

 

Ngoài việc bất đồng về các bộ dữ liệu được dùng để đánh giá lạm phát, các nhà bình luận cũng không nhất trí về tình hình của một số lĩnh vực kinh tế nhất định.

Nhà đầu tư Peter Boockvar nói dữ liệu mới nhất về thị trường nhà ở và lĩnh vực chế tạo cho thấy lý do tại sao Mỹ sẽ không thể tránh được suy thoái. Một chỉ số quan trọng về thị trường nhà ở đã tụt xuống dưới ngưỡng trung tính 50 điểm vào tháng 8.

Song, theo ông Jakobsen của Saxo Bank thì “thị trường nhà ở cho thuê vẫn chứng kiến mức tăng hai con số…chứng tỏ suy thoái sẽ không xảy ra”.

“Hiểu đơn giản là, mọi người có đủ tiền trên bảng cân đối kế toán để mua một căn hộ, cho thuê lại và lãi từ 20% đến 30%. Suy thoái khó mà xuất hiện”, ông nhấn mạnh.

Thời kỳ biến động 

Ông Alexander Nutzenadel, giáo sư lịch sử kinh tế và xã hội tại Đại học Humboldt (Berlin), cho rằng có nhiều lý do khác dẫn đến các cuộc tranh luận hiện nay.

“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ có nhiều cú sốc - từ COVID đến giá năng lượng phi mã cho đến phi toàn cầu hoá. Các yếu tố này khiến việc dự đoán trở nên vô cùng khó khăn”, vị giáo sư nói.

Đồng thời, trong bối cảnh biến động như hiện giờ, hoạt động kinh tế của một quốc gia phát triển cao như Mỹ sẽ phụ thuộc nặng nề vào các yếu tố bên ngoài.

Ông Nutzenadel lưu ý thêm rằng tình trạng lạm phát đình trệ hiện tại là rất hiếm trong lịch sử, mặc dù không phải là hoàn toàn chưa từng xảy ra.

“Chúng ta từng trải qua một cuộc lạm phát đình trệ vào những năm 1970, nhưng từ trải nghiệm lần này, chúng ta mới biết rằng chính sách tiền tệ đang phải đối mặt với thách thức lớn - làm sao để tìm điểm cân bằng giữa khống chế lạm phát và ngăn chặn suy thoái”, ông lập luận.

Cuối cùng, vị giáo sư của Đại học Humboldt bày tỏ rằng lĩnh vực phân tích kinh tế học đã trở nên phức tạp và đa dạng hơn trong những năm gần đây.

“Chúng ta không còn ‘kinh tế học chính thống’ nữa…mọi thứ từ lý thuyết, dữ liệu đến phương pháp ngày nay đều dễ gây tranh cãi hơn”, ông nói.

Khả Nhân