|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Mỹ có thể chỉ đang đình trệ chứ không suy thoái

16:53 | 29/08/2022
Chia sẻ
Tổng thu nhập quốc nội - một thước đo sản lượng kinh tế thay thế cho tổng sản phẩm quốc nội, cho thấy Mỹ chỉ đang đình trệ chứ không hề suy thoái.

Đình trệ chứ không phải suy thoái

Tháng trước, khi Bộ Thượng mại Mỹ công bố rằng sản lượng kinh tế đã giảm hai quý liên tiếp trong nửa đầu năm nay, nhiều người lo sợ là siêu cường lớn nhất thế giới có thể đã suy thoái.

Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal, dữ liệu mới lại đang phát đi một thông điệp khác: thay vì suy thoái, nền kinh tế Mỹ có thể đang ở trong một trạng thái gần giống với sự “đình trệ” hơn.

Sản lượng kinh tế có thể được đo lường theo hai cách khác nhau: tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng thu nhập quốc nội (GDI).

Nếu một cá nhân này chi 1 USD để mua hàng hoá hoặc dịch vụ nào đó - chẳng hạn như một bữa ăn nhà hàng, một chiếc xe ô tô hoặc một buổi khám bệnh, thì một cá nhân khác sẽ kiếm được 1 USD thu nhập để cung ứng hàng hoá hoặc dịch vụ đó.

Tóm lại, GDP phản ánh khía cạnh chi tiêu của các giao dịch nói trên, còn GDI là khía cạnh thu nhập.

Về lý thuyết, GDI và GDP phải bằng nhau. Tuy nhiên, về mặt thống kê thì luôn tồn tại một số khác biệt do hai thước đo sử dụng các bộ dữ liệu khác nhau. Năm nay, khác biệt giữa GDI và GDP lớn một cách bất thường.

Trong nửa đầu năm, GDP giảm 1,1% (đã điều chỉnh yếu tố lạm phát). Tuy nhiên, dữ liệu do Bộ Thương mại Mỹ mới công bố cho thấy, trong cùng giai đoạn, GDI tăng 1,6%. GDI được cấu thành từ lợi nhuận doanh nghiệp, tiền lương, phúc lợi,…

 

Rất khó để biết chính xác tại sao có sự khác biệt nói trên. Trong thời kỳ kinh tế có nhiều biến động, các số liệu thống kê có thể kém tin cậy hơn.

Để đánh giá bức tranh tổng thể hiệu quả hơn, một số nhà kinh tế đã lấy trung bình của GDP và GDI. Thước đo này hầu như không xê dịch mà chỉ tăng 0,2% trong nửa đầu năm (đã điều chỉnh yếu tố lạm phát).

Kết quả trên cho thấy, nền kinh tế Mỹ thực chất có thể đang đình trệ chứ không phải là đang suy thoái, Wall Street Journal nhận định.

Ông Robert Gordon, giáo sư Đại học Northwestern và là thành viên lâu năm tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), nhấn mạnh: “Nền kinh tế đang trì trệ, chứ không suy giảm”.

NBER là cơ quan quyết định liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có suy thoái hay không. Họ không tuân theo quy tắc chung là hai quý tăng trưởng GDP âm liên tiếp đồng nghĩa với suy thoái.

Trên thực tế, theo quan điểm của NBER, suy thoái là một sự co hẹp hoạt động kinh tế trên diện rộng, kéo dài và đáng kể. Các nhà kinh tế tại NBER thường xem xét các thước đo gồm việc làm, doanh số bán hàng, sản lượng công nghiệp và thu nhập.

Một trong các biện pháp ưa thích của NBER là tính trung bình của GDP và GDI. Nhìn vào số liệu mới, ông Gordon đánh giá: “Bạn không thể gọi đây là một cuộc suy thoái!”

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng GDI có thể là thước đo hoạt động kinh tế theo thời gian thực đáng tin cây hơn so với GDP.

Trong một báo cáo năm 2010, ông Jeremy Nalewaik - khi đó là nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhận thấy rằng theo thời gian, GDP có xu hướng điều chỉnh theo các thước đo thu nhập.

Nếu năm nay diễn ra theo mô hình nói trên, thì sự co hẹp của GDP có thể sẽ được điều chỉnh lại theo GDI trong những năm tới.

Quầy trái cây tại một siêu thị ở Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Ông Chris Varvares - đồng trưởng bộ phận kinh tế Mỹ tại S&P Global, đã liệt kê một danh sách dài các lý do khiến nền kinh tế có thể bị đình trệ.

Theo ông, các gói kích thích tài khoá khổng lồ được ban hành vào năm 2020 và 2021 đang giảm với tốc độ nhanh chóng; lạm phát cao hơn làm giảm sức mua của người tiêu dùng; Fed tăng lãi suất để đối phó lạm phát, khiến thị trường nhà ở bị siết chặt; và chuỗi cung ứng bị gián đoạn khiến doanh nghiệp khó tìm kiếm nguồn hàng hoá.

Do các yếu tố trên, nền kinh tế Mỹ từng bật dậy mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2020 và cả năm năm 2021 đã mất đà trong năm 2022.

“Nền kinh tế đã bị đẩy đưa bởi các lực lượng rất bất thường, chúng liên quan tới đại dịch, phản ứng chính sách thời dịch bệnh và giờ là chiến sự tại Ukraine. Bất luận tăng trưởng nông hay tăng trưởng co lại thì cảm giác vẫn rất tệ”, ông Varvares bày tỏ.

Vận mệnh kinh tế nằm trong tay lạm phát

Chuyện gì xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của lạm phát trong vài tháng tới. Theo thước đo ưa thích của Fed, tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm từ mức 6,8% trong tháng 6 xuống còn 6,3% vào tháng 7, một phần nhờ giá năng lượng hạ nhiệt.

Các chuyên gia hy vọng lạm phát sẽ chững lại một cách đáng kể và Fed có thể “hãm phanh” chiến dịch tăng lãi suất. Khi đó, chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và thị trường nhà ở sẽ phục hồi và nền kinh tế sẽ thoát khỏi tình trạng đình trệ.

Tuy nhiên, nếu giá năng lượng tăng trở lại bởi chiến sự giữa Nga và Ukraine hoặc bất kỳ yếu tố nào khác, đà đi xuống của lạm phát cũng có thể sẽ dừng lại.

Cuối tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo, “dữ liệu cải thiện chỉ trong một tháng là chưa đủ” để kết luận rằng lạm phát đang quay về ngưỡng mục tiêu 2% của Fed.

Lời cảnh báo của ông Powell khiến thị trường mất đi hy vọng. Nếu lạm phát không thuyên giảm và Fed phản ứng bằng các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn, thì Mỹ có thể sẽ thực sự rơi vào suy thoái.

Yên Khê