Goldman Sachs: Fed vẫn có thể khống chế lạm phát mà không gây suy thoái, nhưng khe cửa đang hẹp dần
Mới đây, đại gia ngân hàng Mỹ Goldman Sachs cảnh báo rằng con đường để Fed giảm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái hiện vẫn còn, nhưng đang ngày càng thu hẹp hơn.
Trong lúc ngân hàng trung ương Mỹ có vẻ sẽ tiếp tục tăng lãi suất, nền kinh tế đang phát đi nhiều tín hiệu trái chiều: số liệu việc làm tăng nhanh nhưng dữ liệu thị trường nhà ở lại giảm mạnh, giá xăng đi xuống nhưng chi phí thực phẩm đi lên, và tâm lý người tiêu dùng xuống thấp nhưng chi tiêu vẫn ổn định.
Nhìn chung, các nhà hoạch định chính sách tại Fed đang cố gắng cân bằng, làm sao để mọi thứ chững lại nhưng không được quá nhiều. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho rằng Fed đã có những thắng lợi rõ ràng, nhưng vẫn chịu một số tổn thất và bối cảnh phía trước đặt ra một vài thách thức lớn.
“Kết luận chung của chúng tôi là vẫn có một con đường khả thi [cho Fed] nhưng khó có thể dẫn đến một cuộc hạ cánh mềm…một số yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Fed có thể giảm bớt hoặc phức tạp hoá con đường đó, và làm tăng hoặc giảm khả năng thành công”, Goldman Sachs lưu ý cho khách hàng.
Con đường chông gai
Một trong các nguyên nhân lớn nhất gây ra lạm phát là tăng trưởng kinh tế quá mức, dẫn đến sự mất cân đối giữa cung và cầu. Fed đang cố gắng sử dụng lãi suất để kìm hãm nhu cầu để nguồn cung có thể bắt kịp, theo CNBC.
Goldman Sachs nói nỗ lực của Fed đã “diễn ra tốt đẹp”. Nhà kinh tế David Mericle của ông lớn ngân hàng Mỹ cho biết các đợt tăng lãi suất - tổng cộng 2,25 điểm % từ tháng 3 - đã “tạo ra sự giảm tốc rất cần thiết” cho tăng trưởng, cụ thể là nhu cầu.
Trên thực tế, Goldman Sachs dự đoán GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chỉ tăng trưởng với tốc độ khoảng 1% trong 4 quý tới, sau hai quý giảm liên tiếp 1,6% và 0,9% trong nửa đầu năm nay.
Mặc dù hầu hết các chuyên gia đều tin Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) sẽ không tuyên bố Mỹ suy thoái trong nửa đầu năm, tăng trưởng chậm lại trong tương lai sẽ khiến công việc cân bằng của Fed trở nên khó khăn hơn.
Mặt khác, ông Mericle nói các động thái của Fed đã giúp thu hẹp khoảng cách cung - cầu trên thị trường lao động, nơi mỗi người thất nghiệp vẫn có gần hai vị trí trống đang chờ. Song, ông nhấn mạnh nỗ lực đó “vẫn còn một chặng dài phía trước”.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là lạm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đi ngang so với tháng trước nhưng vẫn tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiền lương đang tăng mạnh, thu nhập trung bình hàng giờ cao hơn một năm trước khoảng 5,2%.
Do đó, những nỗ lực của Fed nhằm ngăn chặn một vòng xoáy giá - lương và lạm phát kéo dài dai dẳng “cho đến nay cho thấy rất ít tiến bộ mang tính thuyết phục”, nhà kinh tế Mericle nhận xét.
“Tin xấu là lạm phát đang xuất hiện trên diện rộng, các thước đo về giá cả đi lên, kỳ vọng của doanh nghiệp về lạm phát và dự định giá bán hàng đều ở mức cao”, vị chuyên gia bày tỏ.
Nghi ngờ về đường lối chính sách của Fed
Cuộc chiến chống lạm phát có thể buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải tăng lãi suất cao hơn so với dự đoán của thị trường hiện tại.
Theo Goldman Sachs, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1 điểm % nữa trước cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Mericle thừa nhận rằng “rủi ro đang lên cao hơn” do “gần đây điều kiện tài chính đã nới lỏng, tốc độ tuyển dụng mạnh mẽ và có dấu hiệu đáng ngại từ tăng trưởng tiền lương - lạm phát”.
Cựu Chủ tịch Fed chi nhánh New York - William Dudley đầu tuần này cho biết ông nghĩ rằng thị trường đang đánh giá thấp con đường tăng lãi suất trong tương lai và vì vậy, rủi ro về một cuộc hạ cánh cứng hoặc suy thoái là rất rõ ràng.
Theo quan điểm của ông Dudley, Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho đến khi chắc chắn lạm phát đang trên đường quay về mức mục tiêu 2%. Ngay cả khi tính toán nới tay nhất, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi mà Fed theo dõi sát sao vẫn đang ở mức 4,8%.
“Thị trường lao động đang thắt chặt hơn nhiều so với mong muốn của Fed. Tỷ lệ lạm phát tiền lương quá cao, không tương quan với mục tiêu lạm phát 2%”, ông Dudley nói thêm.
Cựu Chủ tịch Fed chi nhánh New York dự đoán lãi suất sẽ tiếp tục đi lên cho đến khi các động lực trên thị trường việc làm thay đổi, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức hiện tại là 3,5% “lên trên 4%”.
“Bất cứ khi nào tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 0,5 điểm % trở lên, kết quả luôn là suy thoái toàn diện”, ông nhấn mạnh.
Một thước đo về mối quan hệ giữa thất nghiệp và suy thoái được gọi là Quy tắc Sahm. Quy tắc này nói rằng suy thoái xảy ra khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình ba tháng tăng 0,5 điểm % so với mức thấp nhất trong 12 tháng trước đó.
Do đó, dựa theo Quy tắc Sahm, tỷ lệ thất nghiệp có thể phải chạm mức 4% thì mới thoả điều kiện xảy ra suy thoái. Trong các dự báo gần nhất, Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) không thấy tỷ lệ thất nghiệp phá vỡ mốc này trước năm 2024.