|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nếu Mỹ suy thoái, thế giới sẽ chịu chung số phận

15:15 | 04/08/2022
Chia sẻ
Tình hình kinh tế Mỹ hầu như luôn có tác động đến các nước khác. Sự chậm lại của nền kinh tế này rất có thể sẽ giáng thêm đòn đau lên nền kinh tế thế giới trong lúc tai ương của chuỗi cung ứng và chiến sự Nga-Ukraine vẫn chưa chấm dứt. Hậu quả tệ nhất sẽ là một cuộc suy thoái toàn cầu.

Kể từ Thế chiến thứ hai, thế giới mới chỉ chứng kiến 4 cuộc suy thoái toàn cầu, được định nghĩa là các giai đoạn GDP bình quân đầu người thực tế hàng năm trên toàn thế giới suy giảm. Chúng xảy ra vào các năm 1975, 1982, 1991 và 2009. Trong cả 4 lần, suy thoái toàn cầu đều xảy ra sau khi Mỹ suy thoái. Lần tiếp theo cũng sẽ vậy.

Trên thế giới, chỉ có khoảng 6 quốc gia là ít phụ thuộc vào thương mại để thúc đẩy tăng trưởng hơn Mỹ. Điều này có nghĩa là Mỹ ít bị ảnh hưởng bởi các vấn đề toàn cầu hơn hầu hết các nước khác.

Song lần này, các rắc rối toàn cầu – và lạm phát mà chúng gây ra – lại đang tạo ra khó khăn không nhỏ cho Mỹ. Nếu Mỹ không khống chế nổi hậu quả mà những rắc rối này gây ra trong nước thì sự thất bại có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu. 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang gánh lấy trách nhiệm lớn lao là dập lửa lạm phát mà không tạo ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Nếu Fed thất bại, cả thế giới sẽ thua cuộc.

Tình hình tồi tệ đến đâu?

Tuy viễn cảnh trên rất đáng sợ, nhưng thực tế thì lần này, nền kinh tế Mỹ đang khá ổn định nhờ vào các dữ liệu gần đây. Dữ liệu kinh tế được công bố trong tháng qua cho thấy tăng trưởng của Mỹ chưa chạm đỉnh. Đúng là GDP của Mỹ đã tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp, đồng nghĩa với một cuộc “suy thoái kỹ thuật”. Nhưng thước đo này chủ yếu chỉ có ý nghĩa về mặt số liệu.

Suy thoái “thực” là sự suy giảm diễn ra trên toàn nền kinh tế. Và nó kéo dài đủ lâu hoặc đủ sâu để khiến mọi doanh nghiệp và hộ gia đình cắt giảm chi tiêu, dẫn đến các vụ vỡ nợ, phá sản và người lao động bị sa thải.

Ví dụ tiêu biểu là cuộc suy thoái vì đại dịch trong năm 2020. Suy thoái lan ra mọi ngóc ngách của nền kinh tế, có ảnh hưởng nặng nề. Nhưng nhờ các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ, suy thoái chỉ kéo dài hai tháng. Song dẫu sao đó cũng là một trải nghiệm kinh tế kinh hoàng.

Mỹ hiện chưa chứng kiến bất kỳ hiện tượng nào như vậy. Tiêu dùng, tiền lương, doanh số bán lẻ và việc làm đều đang trên đường lên đỉnh. Chỉ số chi phí việc làm tăng 1,2% trong quý II, chi tiêu cá nhân tháng 6 tăng 1,1% và thu nhập cá nhân đi lên 0,6%.

Đây đều là các con số mạnh mẽ và vượt quá kỳ vọng chung. Số liệu việc làm phi nông nghiệp và doanh số bán lẻ được công bố hồi đầu tháng cũng rất khả quan. Có thể thấy rằng túi tiền của người tiêu dùng Mỹ vẫn chưa cạn.

(Hình minh họa: Fox Business). 

Điều kiện tài chính có thể làm hỏng chuyện

Đáng tiếc là không chỉ việc làm, tiền lương và tiêu dùng thể hiện được sự vững vàng, mà lạm phát và các điều kiện tài chính cũng vậy. Đây là rắc rối lớn với Fed. Theo tờ Bloomberg, điều kiện tài chính hiện nay thậm chí còn lỏng lẻo hơn trước khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào đầu tháng 3.

Do đó, ngay cả những thành viên “bồ câu” nhất của Fed cũng đang ra mặt để cảnh báo rằng các nhà đầu tư đang khiến công việc của Fed trở nên khó khăn hơn.

Tuần trước ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, đã đưa ra một loạt bình luận “diều hâu” như sau: “Tôi ngạc nhiên trước sự diễn giải của thị trường”, “Fed sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết cho đến khi tin rằng lạm phát đang trên đường trở về mức 2% - và chúng ta vẫn còn cách xa mục tiêu đó”.  

Tóm lại, những gì ông Kashkari muốn truyền tải là lãi suất sẽ tăng nhiều hơn những gì thị trường đang phản ánh. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đang gửi đi thông điệp tương tự.

Tại cuộc họp báo tuần tước, ông nhiều lần nhắc đến dự báo kinh tế tháng 6 của Fed, trong đó lãi suất điều hành được ước tính là sẽ đạt 3,8% vào năm sau. Con số này cao hơn khoảng 0,5 điểm % so với những gì thị trường tài chính dự kiến hiện tại.

Tin đáng lo cho phần còn lại của thế giới

Ngoài nguy cơ suy thoái ở Mỹ, chúng ta còn đang chứng kiến một loạt rắc rối khác, từ khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, bất ổn chính trị vì an ninh lương thực tại các thị trường mới nổi hoặc tình trạng lộn xộn của thị trường nhà đất Trung Quốc. Những vấn đề này sẽ lại càng khiến sự suy giảm của kinh tế Mỹ dễ lan tràn ra phần còn lại thế giới.

Hiện tại, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) nói rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ 6,1% vào năm ngoái xuống 3,2% trong năm nay và 2,9% trong 2023, thấp hơn lần lượt 0,4 và 0,7 điểm % từ dự báo tháng 4. Nhưng dự báo mới nhất dựa trên giả định rằng ba nền kinh tế lớn – châu Âu, Mỹ và Trung Quốc – chậm lại nhưng không rơi vào suy thoái. Rủi ro tăng trưởng kinh tế thế giới giảm mạnh hơn dự báo của IMF là rất lớn.

Rủi ro đáng báo động nhất xuất hiện tại các nước nợ nần nhiều nhất. Khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ công châu Âu đã chứng minh rằng suy thoái toàn cầu thường phơi bày các vấn đề liên quan đến khối nợ phình to quá mức. Lần này, nếu thế giới thực sự rơi vào suy thoái, nhiều nhà quan sát cho rằng các thị trường mới nổi sẽ là một trong những khu vực đáng lo nhất.

Mỹ thì sao?

Theo tờ Bloomberg, vấn đề nợ nần của Mỹ ít đáng lo hơn phần còn lại thế giới. Và do Mỹ có ảnh hưởng quá lớn, đây có thể là điểm sáng tiềm năng. Tỷ lệ nợ trên thu nhập hộ gia đình của Mỹ hiện nay đang ở mức tương đối thấp trong 20 năm qua. Số vụ vỡ nợ của các doah nghiệp có xếp hạng tín dụng thấp cũng rất ít. Tình cảnh nợ nần của Mỹ còn lâu mới có thể coi là nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là điểm bắt đầu. Mỹ (có lẽ) chưa rơi vào suy thoái, do đó những con nợ chưa bị thử thách thực sự và còn rất nhiều ẩn số. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Mỹ có thể chứng kiến sự sụt giảm và rắc rối nợ nần trong tương lai. 

 

Ví dụ, hiện tại chúng ta không biết sẽ mất bao nhiêu thời gian để các đợt tăng lãi suất của Fed tác động lên nền kinh tế, hay Fed sẽ kéo lãi suất lên cao đến đâu.

Chúng ta cũng không biết được người tiêu dùng Mỹ sẽ phản ứng thế nào với tình cảnh mà hầu hết trong số họ chưa từng trải qua. Những người trong độ tuổi 45-50 tuổi ở Mỹ gần như chưa bao giờ nghe đến lạm phát 8-9%. Hai thành phần lớn của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - lương thực và năng lượng – phụ thuộc vào tình hình địa chính trị thế giới.

Chiến sự tại Ukraine lúc này khốc liệt hơn bất kỳ cuộc xung đột nào mà châu Âu từng chứng kiến kể từ Thế chiến thứ hai. Và đại dịch đã làm đảo lộn rất nhiều giả định trước đây về cuộc sống và cách nền kinh tế vận hành. Hơn bao giờ hết, có lẽ giờ là lúc mọi ánh mắt sẽ đổ dồn về người tiêu dùng Mỹ và Fed, để xem liệu họ có thể giúp thế giới tránh rơi vào hố sâu mới hay không.

Giang

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.