|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Bắt bệnh’ suy thoái của Mỹ: GDP không phải dấu hiệu duy nhất

14:30 | 27/07/2022
Chia sẻ
Hầu hết mọi người nghĩ rằng GDP tăng trưởng âm hai quý liên tiếp đồng nghĩa với suy thoái, nhưng sự thực không phải vậy. Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ là tổ chức có tiếng nói cuối cùng trong việc xác định suy thoái, và họ đánh giá nhiều yếu tố phức tạp khi ra quyết định.

(Hình minh họa: The Street). 

Người quyết định suy thoái

Theo hiểu biết thông thường của công chúng, suy thoái xảy ra khi có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Tuy nhiên, đối với các học giả tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER), những người thực sự quyết định khi nào nền kinh tế ở trong suy thoái, thì định nghĩa rắc rối hơn nhiều.

NBER định nghĩa suy thoái là “sự suy giảm hoạt động kinh tế đáng kể, lan rộng khắp nền kinh tế và kéo dài hơn vài tháng”. Trên thực tế, các nhà phân tích của cục còn tuyên bố họ không dùng GDP làm thước đo chính.

Hiểu biết về suy thoái rất quan trọng, vì dữ liệu được công bố vào ngày 28/7 tới có thể cho thấy Mỹ đã bước vào quý tăng trưởng âm thứ hai liên tiếp. Tuy rằng kể từ năm 1948, hai quý tăng trưởng âm liên tiếp luôn trùng khớp với một cuộc suy thoái, nhưng lần này có thể khác bởi việc xác định suy thoái rất phức tạp.

Ông Dean Baker, đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Kinh tế nói với CNBC: “NBER sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ nếu họ nói Mỹ đang suy thoái, trong khi nền kinh tế tạo ra 400.000 việc làm mỗi tháng. Chắc chắn họ không nghĩ chúng ta đang ở trong suy thoái”.

Trong nửa đầu năm 2022, trung bình mỗi tháng Mỹ tạo ra thêm 475.000 việc làm. Với một thị trường lao động mạnh mẽ như vậy, Mỹ khó có thể bị đánh giá là đang ở trong giai đoạn kinh tế suy giảm. Hơn nữa, các doanh nghiệp có đến 11,3 triệu vị trí trống mà chỉ có 5,9 triệu người lao động đang tìm việc, cho thấy hoạt động tuyển dụng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. 

Tín hiệu suy thoái

Dữ liệu kinh tế gần đây của Mỹ không hoàn toàn báo hiệu điều tốt, mà có cả điềm gở. Thoạt nhìn, chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh mẽ, nhưng sau khi điều chỉnh cho lạm phát ở đỉnh 40 năm thì điều này không còn đúng.

Thâm hụt thương mại của Mỹ lập đỉnh trong tháng 3 – thêm một yếu tố tiêu cực tới GDP. Tốc độ tích lũy hàng tồn kho đang chậm lại, đè nặng lên mức tăng trưởng GDP mà Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) theo dõi.

Nhưng đối với công chúng, tính toán dữ liệu là công việc của các nhà kinh tế. Nếu tăng trưởng GDP quý II được công bố là âm mà báo chí và Nhà Trắng không tuyên bố suy thoái, thì chắc chắn nhiều người sẽ thấy khó hiểu và thậm chí là nổi giận vì nghĩ mình bị lừa. Không ít người đã bị tổn thương bởi lạm phát phi mã và sự suy giảm rõ rệt của một số khía cạnh trong nền kinh tế.

Đúng là có rất nhiều thứ khiến công chúng cảm thấy như thể Mỹ đang suy thoái, từ giá cả cao ngất ngưởng, thiếu hụt nhiều sản phẩm quan trọng, và các công ty như Walmart cảnh báo rằng lợi nhuận đang suy giảm bởi hành vi người tiêu dùng thay đổi.

GDP của Mỹ giảm 1,6% trong quý I, và công cụ theo dõi thời gian thực của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Atlanta cũng đang báo hiệu mức suy giảm tương tự trong quý II.

Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group nêu ý kiến: “Tôi nghĩ đây chỉ là trò chơi ngữ nghĩa. Quỹ đạo của nền kinh tế rõ ràng là đi xuống, dù chúng ta có tuyên bố suy thoái hay không. Nền kinh tế sẽ còn suy yếu hơn nữa trong quý III. Như vậy chúng ta có thể có ba quý GDP sụt giảm liên tiếp. Vậy thì về mặt kỹ thuật, có thể coi Mỹ ở trong suy thoái hay không?”

Tiêu chí xác định

NBER là một tổ chức khá kín đáo, chỉ nhóm họp riêng tư và thường chỉ gọi tên suy thoái vài tháng sau khi suy thoái đã bắt đầu, hoặc thậm chí là sau khi kết thúc. Cuộc suy thoái gần nhất mà NBER xác định diễn ra trong thời khủng hoảng COVID-19, bắt đầu vào tháng 2/2020 và kết thúc hai tháng sau đó.

Nhưng chính phủ Mỹ và hầu hết các hãng tin truyền thông đều coi lời của NBER là phán quyết cuối cùng khi xác định các giai đoạn mở rộng hay thu hẹp của nền kinh tế.

NBER thường được coi là sử dụng 6 yếu tố: thu nhập cá nhân thực tế trừ các khoản thanh toán, số việc làm phi nông nghiệp, số liệu việc làm được đo lường bởi khảo sát hộ gia đình của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chi tiêu tiêu dùng cá nhân thực, doanh số bán hàng đã điều chỉnh theo biến động giá cả và sản lượng công nghiệp.

Quy trình xác định của NBER rõ ràng phức tạp hơn nhiều cách xác định phổ thông là hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Ông Tim Quinlan, nhà kinh tế cấp cao tại Wells Fargo cho biết: “Nền kinh tế Mỹ chưa bao giờ ở trong suy thoái khi có ít nhất ba chỉ báo của NBER đi lên trong tháng. Tuy chúng ta chưa có doanh số bán hành thực cho đến tháng 5 nhưng số việc làm phi nông nghiệp, thu nhập cá nhân thực tế trừ các khoản thanh toán và sản lượng công nghiệp đều tăng trong tháng, cho thấy Mỹ chưa rơi vào suy thoái”.

Nếu sắp tới NBER không tuyên bố suy thoái, thì câu hỏi kế tiếp là điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Giám đốc đầu tư Boockvar cho rằng suy thoái là không thể tránh khỏi và việc NBER ra tuyên bố chỉ là vấn đề thời gian. Ông nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thời điểm bắt đầu suy thoái của NBER muộn hơn một chút”.

Giống như nhiều người khác, nhà kinh tế Baker lo rằng Fed có thể sẽ tăng lãi suất quá tay và đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái. Nhưng ông tin rằng tình hình kinh tế trong nửa đầu năm không thể hiện suy thoái. 

Giang