|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thêm nhiều dữ liệu chứng tỏ kinh tế Mỹ đang nghiêng ngả bên bờ vực suy thoái

10:29 | 26/07/2022
Chia sẻ
Nếu như chính quyền Tổng thống Joe Biden không tin về nguy cơ suy thoái, thì một loạt dữ liệu từ các chi nhánh của Fed lại chỉ ra một bức tranh u ám hơn, cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chao đảo bên bờ vực suy thoái.

Nhà Trắng chắc chắn rằng nền kinh tế Mỹ hiện tại không suy thoái và cũng không hướng tới một cuộc suy thoái. Phố Wall bây giờ cũng kỳ vọng không có suy thoái kinh tế, dù không thực sự lạc quan về triển vọng sắp tới.

Nhìn vào dữ liệu, bức tranh kinh tế lại phức tạp hơn nữa. Hiện chưa có gì cho thấy suy thoái đang cận kề, dù có một số tín hiệu lẫn lộn. Thị trường việc làm vẫn ổn định, lĩnh vực sản xuất yếu đi nhưng vẫn đang mở rộng và người tiêu dùng vẫn còn khá dư dả tiền mặt.

Hồi cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh: “Nền kinh tế không suy thoái, chúng ta chỉ đang ở trong một giai đoạn chuyển tiếp, tăng trưởng chỉ chậm lại một chút. Suy thoái là một sự co rút trên diện rộng và ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế”.

(Ảnh minh hoạ: Financial Times).

Tuy nhiên, ông Kevin Hassett - người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đã bác bỏ quan điểm đó và khẳng định rằng Nhà Trắng đã mắc sai lầm khi không nhìn nhận đúng thực tế hiện nay.

“Chúng ta đang ở trong một cuộc suy thoái nào đó… Trong trường hợp này, nếu là Nhà Trắng, tôi sẽ không phủ nhận việc nền kinh tế đang suy thoái”, ông Hassett chia sẻ trên một chương trình của CNBC.

Giữa các luồng ý kiến trên, khi dữ liệu GDP quý II được công bố vào ngày 28/7 tới, liệu nền kinh tế chỉ đơn thuần là chững lại sau một năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ hay đang trong một cuộc suy thoái lớn sẽ là câu hỏi lởn vởn trong tâm trí nhiều người dân Mỹ.

Chao đảo

Trước mắt, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có nguy cơ suy thoái kỹ thuật, tức hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Quý đầu tiên chứng kiến GDP sụt giảm 1,6% và một thước đo của Fed chi nhánh Atlanta cho thấy quý thứ hai có thể ghi nhận con số tương tự.

Song, Phố Wall lại đang nhìn nhận mọi thứ hơi khác một chút. Mặc dù nhiều nhà kinh tế, bao gồm các chuyên gia từ Bank of America, Deutsche Bank và Nomura, nhận thấy nguy cơ suy thoái trong tương lai, dự báo lại cho thấy GDP quý II sẽ tăng trưởng 1%, theo Dow Jones.

Hiện tại, vận mệnh của nền kinh tế Mỹ có thể đang nằm trong tay người tiêu dùng - bộ phận chiếm 68% tổng hoạt động kinh tế trong quý đầu tiên. Tuy nhiên, chi tiêu tiêu dùng đã giảm dần trong quý II.

Chi tiêu thực tế (sau lạm phát) đã giảm 0,1% trong tháng 5, sau khi chỉ tăng 0,2% trong quý đầu năm. Trên thực tế, thước đo này đã giảm 3 trong 5 tháng đầu năm nay, bởi lạm phát tăng nóng.

 

Chính lạm phát tiêu dùng là rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Mỹ hiện nay. Trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên truyền về việc giá xăng dầu hạ nhiệt, thì có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đang lan rộng ra các nhóm hàng hoá khác.

Chỉ số giá tiêu dùng “cố định” của Fed chi nhánh Atlanta - dùng để đo lường những hàng hoá có giá ít biến động mạnh, đã tăng liên tục và thậm chí có phần đáng báo động, CNBC cho hay.

Một số người hy vọng rằng lạm phát sẽ đi xuống khi người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ nhiều dịch vụ hơn là hàng hoá, qua đó giúp giảm bớt áp lực lên chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, lập luận này dường như cũng có một số lỗ hổng.

Trên thực tế, chi tiêu cho dịch vụ chiếm 65% tổng chi tiêu của người tiêu dùng trong quý đầu tiên. Cùng kỳ năm 2019 - tức trước đại dịch, con số này là 69%. Vì vậy, sự chuyển dịch trong hành vi của người tiêu dùng có thể sẽ không tạo ra biến chuyển lớn.

 

Nếu lạm phát tiếp tục neo ở mức cao, điều đó sẽ kích hoạt chất xúc tác suy thoái mạnh nhất: các đợt tăng lãi suất của Fed. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất 1,5 điểm % và có thể tăng gấp đôi trước cuối năm nay.

Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, sẽ nhóm họp trong hai ngày 26 và 27/7. Dự kiến, uỷ ban sẽ thông qua một đợt tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % nữa.

Lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed đang khiến Phố Wall nháo nhào. Giám đốc của các doanh nghiệp thì cảnh báo rằng giá cả tăng cao hơn có thể buộc họ phải giảm quy mô hoạt động và thị trường việc làm - lý do chính để nhiều người tin rằng suy thoái kinh tế sẽ không xảy ra, có thể không còn đứng vững.

Goldman Sachs bình luận: “Fed càng tăng lãi suất và kìm hãm nền kinh tế, thì càng có khả năng cái giá của việc khống chế lạm phát là suy thoái. Lạm phát cao dai dẳng càng làm tăng rủi ro này, bởi điều đó buộc Fed phải đánh đổi hơn nữa giữa tăng trưởng và lạm phát…”

Thị trường tài chính vẫn đang đề cập đến rủi ro suy thoái. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn hai năm đã tăng lên trên lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm vào đầu tháng 7 và giữ nguyên cho đến nay. Hiện tượng này gọi là đường cong lợi suất đảo ngược, là một chỉ báo suy thoái đáng tin cậy trong nhiều thập kỷ.

Dù vậy, Fed thường theo dõi sát hơn mối quan hệ giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 3 tháng. Đường cong này chưa đảo ngược, mà còn có xu hướng phẳng hơn so với những ngày đầu của đại dịch.

Nếu Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 3 tháng có thể tăng lên và cuối cùng vượt qua lợi suất trái phiếu 10 năm do kỳ vọng tăng trưởng giảm dần.

 

Mặt khác, thị trường việc làm - bức tường thành chính giúp nền kinh tế Mỹ chống lại suy thoái, cũng đang chao đảo.

Gần đây, số hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã đạt mức 250.000 lần đầu tiên kể từ tháng 11/2021. Theo CNBC, đây có thể là một dấu hiệu tiềm ẩn cho thấy tình trạng sa thải đang gia tăng.

Số liệu vào tháng 7 hàng năm thường không mấy tích cực vì các nhà máy ô tô thường sa thải nhân công trong giai đoạn này, cũng như người lao động bắt đầu kỳ nghỉ Quốc khánh.

Song, có các chỉ số khác cho thấy hoạt động tuyển dụng đang đi xuống. Chỉ số hoạt động quốc gia của Fed chi nhánh Chicago đã rơi xuống mức âm tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 7 vừa qua. Chỉ số sản xuất của Fed chi nhánh Philadelphia đạt -12,3, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Nếu bức tranh việc làm không ổn định và một khi hoạt động đầu tư lẫn chi tiêu của người tiêu dùng chững lại thêm chút nữa, thì Mỹ rất khó tránh khỏi một cuộc suy thoái toàn diện.

Ông Hassett, cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Trump, đánh giá: “Không thể lập luận rằng thị trường lao động vững mạnh thì phần còn lại của nền kinh tế cũng mạnh. Đó không phải là một lập luận hay, mà chỉ là một lập luận coi thường lịch sử”.

Khả Nhân

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.