Ninh Thuận muốn đẩy nhanh các dự án điện hạt nhân
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa đề nghị Chính phủ giao làm “Cơ quan có thẩm quyền” tổ chức thực hiện dự án thành phần di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, theo Báo Đầu tư.
UBND tỉnh Ninh Thuận lý giải, Luật Đầu tư công năm 2024 quy định, cấp có thẩm quyền khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có quyền quyết định việc tách hoặc không tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập.
Do đó, trường hợp dự án được Quốc hội cho phép tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập, nếu giao UBND tỉnh là chủ đầu tư thì Thủ tướng sẽ là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2024. Đồng thời trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án sẽ theo quy định tại luật này.
Như vậy, Thủ tướng sẽ phải thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định dự án nên thủ tục sẽ kéo dài, mất nhiều thời gian. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có điều chỉnh phải xin chủ trương và lập thủ tục trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh như khi phê duyệt dự án.
UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng điều này sẽ không đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong năm nay theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai các nhiệm vụ tiếp tục đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tại phiên họp thứ nhất tại Thông báo số 39 ngày 12/2 của Văn phòng Chính phủ.
Trong khi đó, nếu giao UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thì việc tổ chức thực hiện sẽ thuận lợi và chủ động triển khai thực hiện dự án thành phần di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong quá trình triển khai thực hiện lập, điều chỉnh quy hoạch; lập, thẩm định phê duyệt dự án; thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công xây dựng các dự án thành phần phục vụ các khu tái định cư nhà máy điện hạt nhật,... với yêu cầu “bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị được giao làm cơ quan có thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ hai nhà máy điện hạt nhân. (Ảnh minh hoạ).
Bên cạnh đó, để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư cho cả hai nhà máy điện hạt nhân, UBND tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho triển khai thực hiện đồng thời công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư song song với việc thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, Nghị quyết 189 của Quốc hội có ghi rõ, "tỉnh Ninh Thuận được phép triển khai đồng thời công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư song song với việc điều chỉnh dự án đầu tư dự án di dân, tái định cư của dự án".
Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Nhiệm vụ và dự toán lập điều chỉnh quy hoạch tỉnh; Kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập điều chỉnh Quy hoạch tỉnh và Kế hoạch triển khai lập Quy hoạch tỉnh với dự kiến hoàn thành thủ tục trước 30/6 và trình Thủ tướng theo quy định.
Vì vậy, nếu chờ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận và các quy hoạch khác có liên quan sẽ khó đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng trong năm nay như chỉ đạo của Thủ tướng.
Được biết, hiện Bộ Công thương đang dự kiến trình Thủ tướng giao UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện dự án thành phần di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo thẩm quyền phù hợp quy định.
Nhà máy điện hạt nhân có thể vận hành sớm nhất vào năm 2031
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt vào năm 2009 với tổng công suất 4.000 MW, gồm hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, có công suất lắp đặt mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW. Tuy nhiên, đến năm 2016, dự án đã bị tạm dừng do nhiều yếu tố khách quan.
Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Tại phiên bế mạc ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó bao gồm nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trong chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra hồi tháng 2 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tại dự thảo lấy ý kiến về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đã đề xuất hai kịch bản về cơ cấu nguồn điện. Theo đó, thời gian vận hành (phát điện) các nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ theo hai phương án.
Cụ thể, với kịch bản cơ sở, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I (2x1.200 MW) vận hành trong giai đoạn 2031 - 2035, Ninh Thuận II (2x1.200 MW) vận hành giai đoạn 2036 - 2040. Trong khi đó, với kịch bản cao, cả hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I, II (4x1.200 MW) cùng vận hành trong giai đoạn 2031 - 2035. Với hai kịch bản này, Việt Nam có thể vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sớm nhất vào 2031 và muộn nhất vào 2035.
Hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận dự kiến sẽ có tổng công suất 4 tổ máy 4.800 MW, cao hơn 800 MW so với kế hoạch của Chính phủ ban hành cuối năm 2009. Sau năm 2030, nhà điều hành cũng dự kiến phát triển lưới điện truyền tải để đấu nối, giải toả công suất từ các nhà máy điện hạt nhân.