Cần có cơ chế để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Ngày 17/2, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cùng tán thành Dự thảo Nghị quyết, Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam, phát triển điện hạt nhân là yêu cầu tất yếu, khách quan và hợp quy luật.
Theo đại biểu, việc Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là quyết định đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, góp phần phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Đại biểu Mai cũng lưu ý bên cạnh những lợi ích, tiềm năng, dự án còn đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức như tài chính, công nghệ,... Do đó, đại biểu đề xuất chuẩn bị nhân lực bằng cơ chế, chính sách đặc thù về đào tạo, đãi ngộ, thu hút nhân lực,…
"Đây là lĩnh vực công nghệ chuyên sâu, trong khi thực tế trình độ nước ta ở một số lĩnh vực phụ trợ vẫn còn hạn chế. Vì vậy, dự án sẽ cần phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài và đặc biệt cần có chính sách cụ thể về đào tạo, thu hút và giữ chân nhân lực chuyên môn cao", đại biểu tỉnh Đắk Nông nhận định.
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ có phương án, giải pháp trong việc đào tạo nguồn nhân lực của dự án để đảm bảo sự chủ động tối đa.
"Cùng với đó, cần có cơ chế chính sách để huy động tối đa các nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước để tham gia vào dự án nhằm giảm bớt áp lực cho nguồn vốn Nhà nước", Đại biểu Mai nhấn mạnh.
Ninh Thuận sẵn sàng thực hiện dự án
Về tình hình triển khai dự án tại tỉnh Ninh Thuận, Đại biểu Trần Quốc Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, kể từ khi có Nghị quyết 41 Quốc hội khóa XII năm 2009 về đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân đến nay, người dân ở vùng lõi của dự án với hơn 1.300 hộ, trên năm 5.000 nhân khẩu vẫn đang chờ đợi, sẵn sàng bàn giao mặt bằng nhà ở, đất sản xuất, sinh kế để triển khai thực hiện dự án.
Tuy nhiên, Đại biểu Nam cũng lưu ý đây là số liệu của năm 2015 khi bắt đầu tiến hành giải phóng mặt bằng, số liệu này hiện nay đã có thay đổi và tỉnh đang cho tiến hành kiểm kê lại toàn bộ.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Ninh Thuận đã tiến hành các công việc để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Điện hạt nhân quốc gia, là toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của hai nhà máy phải hoàn thành trong năm 2025 để bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư.
Đồng thời, các công việc thực hiện dự án của tỉnh Ninh Thuận, chủ đầu tư và các Bộ, ngành Trung ương cũng đã được triển khai với mục tiêu đến năm 2030 - 2031 hoàn thành các nhà máy.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho rằng việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên là hết sức cần thiết và cấp bách. Theo đó, ngoài 7 chính sách đặc thù mà Chính phủ đề xuất trong dự thảo Nghị quyết, tỉnh Ninh Thuận đề nghị bổ sung thêm 5 nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng đây là những nội dung rất quan trọng cần phải có để tỉnh thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng. Địa phương cũng cam kết sẽ hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng và công việc, bảo đảm đúng tiến độ được giao.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/17/202502171011009883z63248123062668c9051978142a1a8f7cd918ec6c20d59-20250217155431813.jpg?width=700)
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).
Nêu ý kiến thảo luận, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, rất nhiều việc cần phải có cơ. chế, chính sách đặc thù để đảm bảo tiến độ cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đại biểu, hình thức "hợp đồng chìa khóa trao tay" tại dự thảo Nghị quyết là hoàn toàn phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay.
Nêu dẫn chứng từ một số quốc gia trên thế giới, Đại biểu Tú Anh cho biết, quốc gia đang nắm công nghệ điện hạt nhân là Hàn Quốc cũng chọn hình thức này cho nhà máy đầu tiên của họ vào 1972 - 1978. Tới năm 1998, Hàn Quốc hoàn toàn làm chủ công nghệ, sau đó xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân “made in Korea” cho UAE vào năm 2009.
Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng chọn hình thức hợp đồng “chìa khóa trao tay” như Balangdesh, Ba Lan,…