|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ trưởng Công Thương: Cần có cơ chế đặc thù để phát triển điện hạt nhân

15:03 | 17/02/2025
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có quy mô rất lớn, công nghệ phức tạp, chưa có kinh nghiệm thực hiện ở Việt Nam nên rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh.

 

Phát biểu giải trình, tiếp thu tại Quốc hội sáng 17/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyên Hồng Diên cho biết nhu cầu điện cả nước trong những năm tới là rất lớn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng 8-10% trở lên đến năm 2030. 

Theo dự thảo quy hoạch điện VIII điều chỉnh, tổng công suất toàn hệ thống của chúng ta đến năm 2030 dự kiến khoảng 230.000 MW, tức là gấp 3 lần công suất hiện nay. 

Trong khi đó, Việt Nam đã cam kết với quốc tế là đạt trung hoà carbon vào năm 2050, nên phải phát triển rất mạnh các loại hình nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo để đáp ứng được nhu cầu điện năng tăng thêm và nhu cầu điện sạch để phát triển kinh tế đất nước.

Trong khi đó, điện hạt nhân là nguồn điện sạch, điện nền, công suất khả dụng cao, có khả năng cung cấp điện năng ổn định và giá thành hợp lý trong dài hạn.

“Đây là dự án có công nghệ phức tạp và chỉ một số ít quốc gia sở hữu và nhu cầu vốn đầu tư rất lớn. Thông thường trên thế giới, để hoàn thành đầu tư một dự án điện hạt nhân có quy mô tương tự, thời gian từ khi phê duyệt đầu tư đến khi vận hành trong khoảng 10 năm. Trong đó, dự án tiến độ nhanh nhất khoảng 7-8 năm và đều phải có cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện dự án này” ông Diên nói.

Tại Việt Nam, mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2030 - 2031, tức khoảng 5 - 6 năm. Do đó ông Diên cho rằng rất cần các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian thực hiện.

Các cơ chế, chính sách đặc thù nêu trên chỉ áp dụng cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần.

Trước đó Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 41 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong đó tại Điều 4 quy định: Chính phủ nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho phép chủ đầu tư tích luỹ nguồn vốn; cung cấp tín dụng; bồi thường, hỗ trợ tái định cư; ổn định đời sống nhân dân… để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ngày 8/2, Chính phủ đã có Tờ trình số 74 trình Quốc hội xem xét, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

 

H.Mĩ

TS. Nguyễn Tú Anh: 'Tăng trưởng tín dụng 16% nếu tăng trưởng GDP thấp sẽ gia tăng rủi ro nợ xấu'
Theo Chuyên gia Nguyễn Tú Anh, khi chúng ta cố gắng thúc đẩy tín dụng nhưng nếu kinh tế tăng trưởng thấp thì sức ép tăng trưởng cao cũng có thể khiến rủi ro về nợ xấu sẽ gia tăng.