|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

USD tăng giá chóng mặt, có thể trở thành nỗi đau mới của nền kinh tế toàn cầu

08:32 | 18/07/2022
Chia sẻ
Đồng USD tăng giá có thể là nỗi đau của nền kinh tế toàn cầu, và dựa trên quỹ đạo hiện tại của nó, thế giới có thể còn phải khó chịu thêm rất nhiều.

Vòng lặp tai ương

Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu gần đây đã đưa chỉ số Dollar Index của Bloomberg lên kỷ lục mới. Đồng USD đang ở mức cao nhất hàng thập kỷ so với các đồng tiền như euro và yen.

Tuy nhiên, đà đi lên của USD có thể trở thành một sự việc tai hại vì phần lớn giao dịch thương mại xuyên biên giới hiện nay vẫn thực hiện theo đồng tiền này và USD mạnh lên thường gây tác động lớn tới nền kinh tế thế giới.

 

5

Theo ông Jon Turek - nhà sáng lập hãng tư vấn JST Advisors, trong bối cảnh lạm phát leo thang vượt kỳ vọng và giá hàng hoá vẫn còn cao, thị trường lo sợ rằng đồng USD sẽ bước vào một “vòng lặp tai ương” chưa từng xảy ra trong quá khứ.

Ông Turek bày tỏ, giữa lúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, không rõ thứ gì có thể phá vỡ được vòng lặp tai ương của đồng USD trong vài tháng tới.

Trong quá khứ cũng từng có những giai đoạn mà đồng USD tăng mạnh, chẳng hạn như vào năm 2016 hoặc 2018. Đồng bạc xanh tăng giá khi Fed tìm cách thắt chặt chính sách tiền tệ và dừng lại khi ngân hàng trung ương Mỹ ngừng tay.

Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm nay tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, Fed nhiều khả năng sẽ không đảo ngược hướng đi chính sách chỉ vì đồng USD tăng cao so với rổ tiền tệ.

Vì vậy, câu hỏi quan trọng bây giờ là việc đồng USD mạnh lên có thể làm giảm quyết tâm tăng lãi suất của Fed trong những tháng tới đến đâu. Nếu Fed nới tay, các nhà xuất khẩu và người đi vay có đòn bẩy trên khắp thế giới có thể thở phào đôi chút.

“Hơi khó để biết liệu điều gì sẽ ngăn cản đà tăng của đồng bạc xanh. Tôi đoán là có thể chính việc USD tăng quá mạnh có thể cắt đứt đà tăng của nó. Chúng ta nên suy nghĩ về điều này, đặc biệt là sau cuộc họp tháng 9 của Fed và cả giai đoạn cuối năm”, ông Turek cho hay trong một podcast.

“…tuỳ thuộc vào điều kiện tăng trưởng trở nên tồi tệ ra sao, đặc biệt là ở châu Âu mà liệu Fed có thể ngừng tăng lãi suất để ưu tiên cho các điều kiện kinh tế toàn cầu”, nhà sáng lập của JST Advisors nói tiếp.

(Ảnh minh hoạ: Bloomberg).  

Vòng lặp tai ương của đồng USD có rất nhiều cách để tác động đến nền kinh tế chung. Các nhà nghiên cứu như Gita Gopinath của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Hyun Song Shin của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết xét vai trò của đồng USD trong thương mại toàn cầu, đồng tiền này mạnh lên có thể thắt chặt các điều kiện tài chính và tác động đến đầu tư thực.

USD có một vị trí đặc biệt trên thị trường thế giới. Khi các nhà đầu tư lo lắng, họ có xu hướng đổ xô đến các tài sản trú ẩn bằng đồng tiền này, khiến USD thậm chí còn tăng cao hơn. Đó là một lý do tại sao đồng USD tăng mạnh khi thị trường sụp đổ vào tháng 3/2020 và tại sao nó mạnh lên ngay bây giờ.

Phức tạp hoá vấn đề

Làm phức tạp thêm tình hình hiện nay là việc các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu cũng đang hoặc sắp sửa thắt chặt chính sách. Tháng này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ bắt đầu tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011.

Ông Turek bình luận: “Chúng ta đang ở trong một thế giới mà tất cả các ngân hàng trung ương đều đang phải đối phó với lạm phát cao vượt mục tiêu. Họ không thể chấp nhận sự suy yếu của đồng nội tệ bởi vì người ta tin rằng đồng tiền giảm giá chỉ khuếch đại áp lực của các ngân hàng trung ương”.

Đó có thể là một lý do tại sao Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sĩ (SNB) đã bất ngờ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 6, lần đầu tiên trong 15 năm qua. Mặc dù đồng franc Thuỵ Sĩ tương đối mạnh, ông Turek cho rằng “về mặt giá trị thực tế, franc vẫn chưa đủ mạnh để bù đắp tác động của lạm phát”.

Trong khi đó, tại Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), thành viên hội đồng chính sách Catherine Mann đầu tháng này lưu ý rằng “chính sách tiền tệ của Mỹ thắt chặt có xu hướng thúc đẩy lạm phát ở Anh do đồng bảng Anh yếu hơn”.

 

Theo nhận định của ông Turek, con bài khó đoán nhất hiện giờ có lẽ là Trung Quốc. Tín dụng tại đất nước tỷ dân đã tăng vọt trong tháng 6, sau khi chính phủ tung ra các biện pháp kích thích để bù đắp tác động của phong toả COVID-19.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã bơm kích thích, rất khó để các khoản vay mới và những biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ khác có thể lan toả vào nền kinh tế thực khi mà Bắc Kinh vẫn duy trì Zero COVID.

 Sức mạnh gần đây của đồng USD trái ngược với những dự đoán được đưa ra vào đầu năm nay, rằng chiến sự Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt sau đó có thể đánh dấu một bước ngoặt với đồng tiền.

Mặt khác, dù việc hạ thấp vai trò là đồng tiền dự trữ của USD chưa bao giờ có thể diễn ra một sớm một chiều, thì việc đồng bạc xanh tăng chóng mặt vẫn có thể khuyến khích các nước tìm kiếm một đồng tiền dự trữ thay thế.

Yên Khê

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.