|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ khuyên Fed hành động quyết liệt để dập lửa lạm phát

08:17 | 25/07/2022
Chia sẻ
Cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần phải kiên trì với chính sách tiền tệ thắt chặt thì mới có thể chế ngự được lạm phát đang ở đỉnh 4 thập kỷ.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cựu Chủ tịch Đại học Harvard Larry Summers. (Ảnh: Bloomberg).

Trả lời phỏng vấn trên đài CNN, cựu Bộ trưởng Lawrence Summers nói: “Chúng ta rất cần hành động mạnh mẽ từ ngân hàng trung ương Mỹ”.

Ông Summers cho biết ông thấy “phấn khởi” vì cam kết của Fed trong việc chống lạm phát nhưng lại lo rằng Fed sẽ không thể kiên trì với chính sách thắt chặt khi nền kinh tế có dấu hiệu khó khăn.

Ngoài ra, ông cũng nghi ngờ khả năng nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm và cho rằng “xác suất là rất thấp”. Hạ cánh mềm là cách nói ẩn dụ về kịch bản lạm phát được kiểm soát nhưng nền kinh tế không rơi vào suy thoái.

Giữa tháng 6, các quan chức Fed đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản – mức tăng mạnh nhất kể từ 1994 – để kìm hãm giá cả. Trong tuần này, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ họp trong hai ngày 26 – 27/7 để tiếp tục bàn về lãi suất và cung tiền.

Diễn biến trên thị trường tiền tệ cho thấy nhà đầu tư đang dự báo Fed sẽ một lần nữa nâng lãi suất 75 bps, tuy nhiên không loại trừ khả năng tăng 100 bps. Biểu đồ dưới đây cho thấy Fed đã ba lần nâng lãi suất trong nửa đầu năm nay, lần sau mạnh tay hơn lần trước.

Fed có thể nâng lãi suất thêm 75 hoặc 100 bps trong cuộc họp ngày 26-27/7.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng nếu không thể lập lại ổn định giá cả thì tác hại sẽ còn lớn hơn việc đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Dù vậy, ông Powell vẫn khẳng định Fed có thể tránh được một cuộc suy thoái.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Summers, người từng làm Chủ tịch Đại học Harvard, nói: “Khi Mỹ ở trong hoàn cảnh kiểu này, khả năng suy thoái là rất cao. Sau giai đoạn lạm phát tăng nóng và việc làm thấp, suy thoái gần như luôn luôn xảy ra”

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ. Khoảng 3/4 số hàng hóa dịch vụ trong rổ tính CPI tháng 6 có mức tăng trên 4% so với tháng 5.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE Index) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - tăng với tốc độ khiêm tốn hơn CPI là 6,3% trong tháng 5, tuy nhiên con số này vẫn cao gấp hơn 3 lần mục tiêu lạm phát 2% của Fed.

Lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất nhiều thập kỷ.

Ông Summers cho rằng ngoài các nỗ lực của Fed, chính phủ và quốc hội Mỹ cũng có thể giúp sức trong cuộc chiến chống lạm phát bằng cách nâng thuế thu nhập.

Các biện pháp mà chính phủ có thể sử dụng để kiềm chế giá cả bao gồm bỏ thuế quan nhập khẩu, hạ giá dược phẩm, cải cách chính sách năng lượng và hạn chế thâm hụt ngân sách, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho hay.

Trong hai năm COVID, chính phủ Mỹ đẩy mạnh chi tiêu để chống dịch, cứu trợ người dân và kích thích nền kinh tế. Hệ quả là ngân sách thâm hụt nghiêm trọng chưa từng thấy, như thể hiện trong biểu đồ dưới đây. Các khoản chi khổng lồ này cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra lạm phát.

Ngân sách liên bang Mỹ thâm hụt liên tục từ 2002 đến nay.

Song Ngọc